Lâu lắm tôi mới về quê, lại đúng dịp làng đón nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh nên rất vui. Cờ xí đỏ rực đường làng. Nhạc kêu xập xình, tiếng nói cười ồn ã. Tiếng lợn kêu eng éc chuẩn bị cho tiệc đón mừng danh hiệu làng văn hóa. Nhưng ấn tượng nhất là tấm pa-nô lớn với dòng chữ nổi bật “Làng văn hóa cấp tỉnh” giăng ngang trước cổng chào của làng.

Để chuẩn bị cho buổi đón nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh, ông trưởng thôn phát động mỗi hộ đóng góp một trăm ngàn đồng để ăn mừng. Trừ mấy hộ nghèo và cận nghèo, còn tất cả đều ủng hộ. Đời sống của người dân làng tôi đang lên nhờ việc bán đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp làm khu công nghiệp nên hầu hết hộ dân đều sẵn tiền mặt, việc huy động đóng góp không mấy khó khăn. Vả lại, xã tôi có mười bốn làng, chỉ mỗi làng tôi đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh nên ai cũng thấy vinh dự. Nhìn chú thím tôi xúng xính khăn đóng áo dài cùng các bà, các chị nô nức ra dự lễ ăn mừng, tôi cũng thấy tự hào bởi mình là người làng.

Tiệc mừng kéo dài suốt cả ngày. Mấy ông trung niên và cả cánh thanh niên uống và nói tưng bừng. Đầu tiên còn nhường nhau nói, đến lúc ngà ngà thì mạnh ai nấy nói. Có bàn đang ăn uống vui vẻ, bỗng có người sừng sộ dằn chén bát xuống bàn. Có người ói tại chỗ. Vui mà! Chừng mười giờ đêm, đang chuẩn bị đi ngủ thì tôi nghe tiếng hò “ối làng nước ơi, nó giết tôi rồi!” cách đó không xa. Tôi xỏ dép định chạy ra xem thế nào thì chú tôi đủng đỉnh nói, lại thằng Tùng con bà Bách đấy mà. Hễ cứ có tý rượu vào là y như hắn gây chuyện. Càng cản hắn càng hăng máu. Cứ để hắn đập phá một lúc, mệt là tự khắc lăn ra ngủ thôi mà.

Sáng hôm sau, tôi dự định đi bộ trong làng thăm thú coi cái làng văn hóa có gì khác so với ngày tôi còn nhỏ. Kia là con sông làng, lúc nhỏ tôi thường cùng lũ con trai ngụp lặn trong những buổi trưa hè. Nhưng càng gần đến cầu càng thấy rõ mùi hôi thối. Một đám lùng nhùng rác rưởi, bao ni-lon, chiếu rách, thân cây chuối nổi lềnh phềnh nút chặt lòng sông. Hình như giữa đám rác đó còn có xác con chó hay mèo trương phình, bốc mùi thối khẳm. Không chịu nổi, tôi đành tháo lui, trở về trên con đường được trải bê tông lác đác phân trâu phân bò bị mưa làm cho rỗ lớp mặt trên. Ngày xưa, vào những lúc không đi học, tôi thường quảy đôi gánh lang thang ngoài đồng mót phân trâu, bò để về bón ruộng và mảnh vườn nhỏ. Từ khi anh em tôi lập nghiệp trong Nam và đưa thầy mẹ tôi vào sống cùng, ngôi nhà nhỏ và mảnh vườn hương hỏa được để lại cho chú thím. Khi tôi phàn nàn về khúc sông bị rác rưởi nút chặt không chảy được và thắc mắc sao bây giờ người ta không nhặt phân bón ruộng như xưa, thím tôi chẹp miệng, bảo cái cống sông đó giờ thành nỗi ám ảnh của cả làng. Khi nào thối không chịu được, làng lại huy động mỗi hộ một người ra vớt rác và chôn xác súc vật bị ném xuống sông. Dân làng mình thi thoảng cũng có người ném trộm rác ở đó, nhưng chủ yếu là người làng trên ném xuống, trôi về đến cầu là tắc nghẽn. Giờ mỗi hộ chỉ còn đôi ba sào ruộng, chủ yếu bón phân hóa học nên chẳng ai đi nhặt phân bón ruộng.

Niềm xốn xang của một cư dân làng văn hóa trong tôi biến mất, thay vào đó là nỗi buồn khó tả. Làng văn hóa gì mà phân, rác ngập đường làng, cống rãnh ao chuôm dậy mùi xú uế, sông suối ngập xác chết súc vật, xóm làng thi thoảng lại vang lên tiếng la làng bởi mất trộm hoặc đánh nhau. Chợt thấy những tấm biển chăng ngang đường với những dòng chữ Làng văn hóa, Khu dân cư văn hóa sao mà hình thức quá.

L.T

Từ khóa : làng văn hóa

Các tin liên quan đến bài viết