Hiếm có chính quyền nào mà các quan chức của Phủ tổng thống lại đưa ra các quan điểm bất nhất với quan chức cấp cao trong nội các. Điều đó lại đang xảy ra ở Philippines xung quanh vấn đề đá Ba Đầu ở Biển Đông.
Tuyên bố ngày 11-5 của ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, rằng Philippines chưa bao giờ thực sự sở hữu đá Ba Đầu, đã khiến dư luận nước này dậy sóng.
Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr “chỉnh” ông Roque, nhắc nhở rằng khi nói đến chính sách đối ngoại thì Bộ Ngoại giao mới là nơi có tiếng nói cuối cùng duy nhất.
Điệp khúc đính chính
Trong cuộc họp báo ngày 11-5, ông Roque cho rằng những phản ứng của Philippines trước sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu đang bị “làm quá lên”. Ông này cũng khẳng định đá Ba Đầu “ở rất, rất xa” Philippines, vượt ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này và Manila chưa bao giờ “sở hữu” thực thể này.
Theo người phát ngôn của ông Duterte, với những thực tế như vậy, dư luận không nên chất vấn tổng thống nên làm gì tiếp theo tại đá Ba Đầu.
Truyền thông Philippines lập tức đẩy phát ngôn gây sốc của ông Roque lên trang chủ. Những cuộc tranh luận ầm ĩ cũng nổ ra trên mạng xã hội buộc ông Roque phải lên tiếng đính chính ngay trong đêm 11-5.
“Chúng tôi nhắc lại rằng Philippines đã tuyên bố chủ quyền và chưa bao giờ từ bỏ yêu sách đối với đá Ba Đầu. Tôi chưa bao giờ nói Philippines không sở hữu thực thể này”, ông Roque nhấn mạnh.
Việc người phát ngôn của ông Duterte từng phải đính chính về những phát biểu liên quan Biển Đông không còn là điều mới mẻ. Người tiền nhiệm của ông Roque, ông Salvador Panelo, cũng thường xuyên “nói lại cho rõ” những phát ngôn của ông Duterte về Biển Đông và Trung Quốc suốt 2 năm giữ chức (2018 – 2020).
Có một điểm thú vị là sau khi rời khỏi vai trò người phát ngôn của tổng thống, ông Panelo mạnh miệng hơn hẳn. Chẳng hạn trong vụ đá Ba Đầu, ông Panelo (người hiện là cố vấn pháp lý cho ông Duterte) tuyên bố Manila sẽ không vì Bắc Kinh đã viện trợ vắc xin COVID-19 mà từ bỏ yêu sách chủ quyền. Ông này cũng cảnh báo sự hiện diện của các tàu Trung Quốc có thể dẫn tới “những hành động thù địch không mong muốn”.
Xung đột quyền phát ngôn
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 đến nay, Tổng thống Duterte – người luôn tự mô tả và được những đồng minh chính trị trong nước xưng tụng là “kiến trúc sư trưởng chính sách đối ngoại” – đã né tránh việc thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc.
Ông từ chối nêu phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS 1982, viện dẫn sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh để cho rằng Manila sẽ chẳng được gì nếu đối đầu với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu trước toàn dân ngày 5-5, Tổng thống Duterte cũng tuyên bố lời hứa lái ca nô và vẫy cờ Philippines để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông chỉ là “nói đùa trong lúc tranh cử”.
Các phát ngôn của ông Duterte, và cả người phát ngôn cho ông, vì vậy đang vô cùng lạc nhịp với những nhân vật cấp cao khác trong chính phủ.
“Thật sự đáng lo ngại với kiểu phát ngôn của Harry Roque. Ông ta là luật sư, có hiểu biết vấn đề và là người phát ngôn của tổng thống nhưng lại phát biểu như thế trước công chúng. Trung Quốc có thể sử dụng những lời nói đó để chống lại Philippines” – chuyên gia Jay Batongbacal bày tỏ quan ngại với Đài ABS-CBN.
Trước sức ép ngày càng lớn từ dư luận trong vấn đề Biển Đông và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022, nhiều chỉ dấu cho thấy nội bộ Philippines đang có sự bất nhất, trước tiên là quyền phát ngôn.
Ngoại trưởng Locsin – người từng yêu cầu Trung Quốc “cuốn xéo” khỏi Biển Đông – nhấn mạnh trên Twitter ngày 11-5 rằng chỉ có ông và duy nhất ông được phép nói thực thể nào của Philippines.
“Quân đội cũng không có quyền nói điều này. Chỉ có tôi mới có quyền phát ngôn, thay mặt cho tổng thống” – ông Locsin nhấn mạnh. Tuy nhiên, hiện tweet này đã bị xóa và chưa rõ lý do vì sao.
Nói như chuyên gia Collin Koh, Trung Quốc không quan tâm Bộ Ngoại giao hay bất kỳ quan chức Philippines nào khác nói gì về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh chỉ cần tập trung vào “kiến trúc sư trưởng” Duterte và chừng nào ông vẫn còn nắm quyền thì chính sách Biển Đông của Manila vẫn còn nằm trong khả năng suy đoán của Trung Quốc.
Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của Việt Nam
Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 6 hải lý. Việt Nam đã khẳng định chủ quyền và liên tục hiện diện trên đảo Sinh Tồn Đông. Đây là cơ sở để Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với đá Ba Đầu dựa trên các thông lệ, luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 25-3 khẳng định tàu Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu là xâm phạm chủ quyền Việt Nam, nhấn mạnh các tàu này đang hoạt động trong phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành vi vi phạm.
Nguồn: tuoitre.vn