“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì thấy người dân nhìn vào cán bộ có gì đó không tin tưởng, nhất là với cán bộ có chức có quyền” – ý kiến đại biểu Quốc hội về tình trạng tham nhũng.
Thảo luận báo cáo phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ, trong đó có việc kê khai tài sản, các ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội đều tỏ ý chưa đồng tình.
Dư luận đâu có “mù”
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp của Ủy ban này chiều nay 5-9: “Cử tri nói rằng cứ ở nơi nào có biệt phủ của quan chức, cán bộ có vấn đề, thì thường đó là những tỉnh nghèo, phải viện trợ ngân sách. Mà cứ khi có dư luận thì những cán bộ nơi đó lại giải thích như tài sản họ có được là từ bán chổi đót, đi buôn gà, như là một sự khinh nhờn pháp luật, coi thường dư luận, nhân dân, coi thường Đảng, Nhà nước”.
Ông Sơn cũng đặt vấn đề về tình trạng tham nhũng: “Những dự án thua lỗ ngàn tỉ, câu hỏi lớn nhất mà nhân dân cần trả lời là có tham nhũng ở đó không? Mấy cái BOT vừa rồi có tham nhũng không? Chuyện đóng tàu theo Nghị định 67 vừa rồi có tham nhũng không? Công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh, đến nay vẫn chưa có văn bản nào kết luận là có tham nhũng trong quá trình bổ nhiệm, luân chuyển không?”
Theo đại biểu Đà Nẵng, nhiều sự việc nhân dân nhìn vào và cho rằng đó là tham nhũng nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy kết luận.
“Nhận diện đúng tình hình, biểu hiện thì chúng ta mới có chất liệu để sửa đổi luật phòng chống tham nhũng (PCTN) cho tốt”, ông Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng không đồng tình cách lý giải “nhiều tiền là nhờ bán chổi, nuôi heo”.
“Chỉ nghe trả lời như vậy thì ai cũng bình luận rằng họ đang coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và chỉ như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên”, ông Sáu nói.
“Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản ‘khủng’ thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận họ đâu có ‘mù’ mà tin vào những giải thích như vậy. Cái mất lớn nhất là dư luận không tin vào công tác quản lý Nhà nước nữa”.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong thì đặt câu hỏi về hiệu quả của “rất nhiều tài liệu, số lượng lớn người được tuyên truyền”.
“Có số liệu nào để chứng minh sự chuyển biến về nhận thức, hành vi không? Hay là tuyên truyền cũng hình thức vậy thôi, những chỗ đáng tuyên truyền thì không có hiệu quả?”, ông Phong hỏi.
“Vấn đề quản lý thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, khi làm luật PCTN năm 2005 đã đề cập đến việc phải làm đề án, nhưng đến nay vẫn chưa biết triển khai ra sao”.
Khi người được bổ nhiệm là người chạy chọt…
Còn theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội, vấn đề nhức nhối nhất là bổ nhiệm cán bộ.
“Khi bổ nhiệm cán bộ có tình trạng bổ nhiệm theo ý chí cá nhân, chưa có cạnh thanh, thi tuyển lành mạnh, người có nhiều tiêu chí hơn chưa chắc đã được bổ nhiệm. Khi người được bổ nhiệm là người chạy chọt, thì họ ngồi vào ghế đó sẽ tìm cách tham nhũng để lấy lại số tiền mà họ đã ‘đầu tư’ để có chức quyền”, ông Bộ nói.
Ông Bộ cũng nhấn mạnh “tình trạng nể nang, né tránh đang rất phổ biến”.
“Tôi lấy ví dụ ngay về cái báo cáo giám sát BOT mà Uỷ ban Kinh tế Quốc hội chủ trì, khi họp chúng tôi không thấy chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng việc không chỉ rõ trách nhiệm, không nói thẳng nói thật không phải do năng lực trình độ của người thực hiện, mà là do nể nang, né tránh”, ông Nguyễn Mai Bộ nói.
“Tôi luôn hỏi rằng, chúng ta có các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán binh hùng tướng mạnh, đi đến đâu cũng rất hoành tráng, nhưng liệu có phát hiện ra các vụ tham nhũng bằng các phóng viên báo chí không?”
Ông Ngô Sách Thực, phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì bày tỏ trăn trở về đánh giá “tham nhũng năm 2017 giảm và năm 2018 tiếp tục giảm”.
“Tham nhũng vẫn rất phức tạp. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì thấy người dân nhìn vào cán bộ có gì đó không tin tưởng, nhất là với cán bộ có chức có quyền. Vì vậy đề nghị cần có đánh giá rất sâu ở chỗ này”, ông Thực nói.
“Thanh bảo kiếm trong PCTN là công khai, vậy thử hỏi công khai đã tốt chưa? Chỉ riêng việc công khai các kết luận thanh tra vẫn còn vấn đề, tuy pháp luật đã quy định, nhưng vẫn còn tình trạng là ngại công khai, cứ sợ công khai ra thì tình hình nó phức tạp”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Đại biểu Quốc hội nhất định sẽ hỏi tại sao lại nhận định tham nhũng năm 2018 giảm.
Với quyết tâm PCTN, như Tổng bí thư đã nói là “củi tươi cho vào lò cũng phải cháy”, chúng ta có niềm tin vào nhận định này. Nhưng để thuyết phục, Chính phủ cần đưa ra số liệu, phân tích, chứng minh.
Nguồn: tuoitre.vn