Thảo luận tại tổ 19 với có các tỉnh Sóc Trăng, Bình Phước và thành phố Hải Phòng về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều 26-5, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng nợ xấu chính là “cục máu đông” của nền kinh tế quốc gia.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng: Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, nếu tính cả khoản nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý, nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có khả năng lên đến 8,86%. Do đó, khi đã đặt vấn đề xử lý thì phải quyết liệt chứ không thể nửa chừng. Để đảm bảo sau này không phải xử lý những “cục máu đông” như thế, Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng chính phủ phải phê duyệt danh mục những món nợ xấu mới mà tới đây VAMC mua.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ 19
Đại biểu Chung cũng cho rằng phát sinh nợ xấu mà không có tính thanh khoản là bởi quá trình thẩm định giá trước đây vượt cao so với giá trị thật, vì thế vai trò, trách nhiệm của cơ quan thẩm định giá tới đâu, tới đây cũng phải làm rõ.
Nghị quyết của Trung ương là bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, chủ nợ đầu tiên là người gửi tiền, các tổ chức tín dụng là chủ nợ của các dự án, doanh nghiệp. Đại biểu Huỳnh Thành Chung đặt vấn đề bây giờ bảo vệ quyền lợi chủ nợ nào, hay cả chuỗi thì phải làm rõ và trách nhiệm của công ty bảo hiểm tiền gửi như thế nào trong việc chi trả một phần bù lỗ cho ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, bản chất của các tổ chức tín dụng yếu kém là do con người. Vì vậy Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này phải quy định tiêu chuẩn hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc. Đối với các tổ chức tín dụng vừa rồi Ngân hàng nhà nước mua 0 đồng đều không lên sàn chứng khoán, nếu lên sàn chứng khoán thì có thêm một hệ thống nữa để giám sát hoạt động của các ngân hàng.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu tại buổi thảo luận chiều 26-5
Đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị có lộ trình 3 hay 5 năm ngân hàng đang hoạt động mà không tham gia được thị trường chứng khoán thì Ngân hàng Nhà nước phải ban bố tình trạng hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc không có năng lực kiểm soát và điều hành, phải loại bỏ. Như thế các ngân hàng buộc phải làm thủ tục để lên sàn chứng khoán, khi đó sẽ có cơ chế phòng bị tốt hơn.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng lần này nhằm bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn