Việc Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hạ Long ký được hợp đồng đóng tàu Cruise cỡ trung (dài 100m, tiêu chuẩn 5 sao) cho khách hàng Úc là sự kiện đáng mừng với ngành đóng tàu Việt Nam.
Bởi đây là tàu du lịch, với giá trị cao gấp 3-4 lần so với các loại tàu khác do thiết kế phức tạp và tinh tế, chất lượng vật liệu và độ hoàn thiện mang tính thẩm mỹ cao như những khách sạn trên mặt đất.
Để khẳng định được năng lực, đẳng cấp của ngành đóng tàu, ngành đóng tàu tại nhiều quốc gia đều cố gắng tham gia lĩnh vực này.
Trong thực tế, dù nhân công đắt đỏ nhưng trong một thời gian dài Phần Lan và Ý vẫn nắm giữ vị trí đóng tàu Cruise ship, nhất là những tàu cực kỳ đắt tiền chở 4.000-5.000 khách.
Tuy nhiên, để phát triển ngành đóng tàu Cruise hay tàu du lịch nói chung, ngành đóng tàu Việt Nam cần khắc phục một số khó khăn đang tồn tại.
Trước hết, đó là câu chuyện nợ nần của Vinashin nên các nhà máy đóng tàu vẫn bị ngân hàng “chặn” về huy động vốn, khó thuê đất đai.
Chẳng hạn, Nhà máy đóng tàu Dung Quất có rất nhiều đơn hàng đóng mới, sửa chữa cả tàu và giàn khoan nhưng đầu tư cầu tàu nửa chừng lại hết tiền, bị phong tỏa về tài chính nên không thể vay thêm tiền làm cầu tàu được. Không có cầu tàu cũng không sửa tàu được.
Cơ chế quản lý xưa cũ về công nghiệp nói chung và nợ nần của giai đoạn cũ không có cách giải quyết khiến các nhà máy đóng tàu thuộc Vinashin trước đây lâm vào khó khăn. Một nhà máy đóng tàu còn ôm nợ sẽ khó ký được hợp đồng đóng tàu với đối tác nước ngoài.
Việc nhiều nhà máy đóng tàu gặp khó khăn về vốn, không phát triển được cũng khiến cho nhân lực có trình độ tay nghề cao, từ công nhân cho đến kỹ sư giỏi, đều rời đi để đầu quân cho các nhà máy ôtô.
Trong khi đó, việc đào tạo nghề đóng tàu ở các trường vẫn dùng kiến thức cũ, không sát thực tế. Tuổi trẻ có nhiều ham mê để làm ra những công trình mang vẻ đẹp và đẳng cấp như tàu du lịch 5 sao, nhưng ở trường chỉ dạy công thức tính toán, lý thuyết cũ, không phải học để hành và phát huy tính sáng tạo, nên sinh viên cũng không muốn vào học ngành đóng tàu.
Do không đủ trình độ thiết kế những con tàu du lịch hạng sang, các nhà máy đóng tàu trong nước chỉ thực hiện phần vỏ, tức làm phần sắt, chiếm chưa tới 1/3 tổng giá trị con tàu (phần kiến trúc, trang trí nội thất chiếm 2/3 giá trị con tàu), nên giá trị mang lại chưa cao.
Nhằm cải thiện vấn đề này, các nhà máy đóng tàu cần liên kết với những nhà thiết kế có kinh nghiệm trong việc hoàn thiện nội thất các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng hạng sang để cùng tham gia, phát triển ngành đóng tàu du lịch.
Nếu các doanh nghiệp trong nước đảm trách từ khâu thiết kế, đóng tàu cho đến trang trí nội thất…, giá trị đem lại khi đóng tàu du lịch sẽ cao hơn.
Có thể nói, đóng tàu Việt Nam phải chuyển từ đóng tàu chắc, bền sang đóng tàu đẹp, đáp ứng nhu cầu về cái đẹp. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành đóng tàu VN phải thay đổi tư duy.
Từ cơ quan nhà nước, đăng kiểm cho đến xưởng đóng tàu phải tiếp thu cái mới, đặt vấn đề chất lượng và thẩm mỹ lên hàng đầu, theo đúng tiêu chuẩn cao của nước ngoài, chứ không chỉ “ăn chắc, mặc bền” như lâu nay.
Bản thân các nhà máy đóng tàu cũng cần tích lũy kinh nghiệm qua việc đóng tàu du lịch cho nước ngoài để ứng dụng trong những sản phẩm sau này.
Nguồn: tuoitre.vn