Soạn giả Lê Duy Hạnh mất ngày 6.9.2023, đến nay đã tròn một năm. Gia tài ông để lại chính là hơn 60 kịch bản sân khấu, cả kịch nói và cải lương, trong đó nhiều tác phẩm có thể gọi là để đời và thường xuyên được dựng lại.
Kịch bản của Lê Duy Hạnh luôn có những tầng ý nghĩa, những giá trị sâu xa, đáng chiêm nghiệm kỹ càng hơn. Chính vì vậy, kịch bản của Lê Duy Hạnh có khi không dễ đọc, không dễ dựng, nhưng khi đã đọc, đã dựng thì vở diễn rung động trái tim khán giả và bền bỉ với thời gian.
Nỏ thần lấy câu chuyện của Trọng Thủy – Mỵ Châu, nhưng soạn giả Lê Duy Hạnh đã nhìn với một lăng kính khác. Có thể nói ông đã có một góc nhìn khác về huyền sử nỏ thần trong kịch bản này. Trước nay, Âu Lạc bị mất vào tay Triệu Đà thì mọi tội lỗi đều đổ lên đầu Trọng Thủy, kẻ phản gián được cài vào dưới vỏ bọc chàng rể của An Dương Vương, người ngấm ngầm theo dõi và lấy trộm nỏ thần để Âu Lạc mất hết sức mạnh thần kỳ. Tội lỗi còn đổ lên Mỵ Châu, nàng công chúa ngây thơ, cả tin, đã cho Trọng Thủy biết bí mật của nỏ thần. Chuyện tình yêu, tình vợ chồng của hai người trẻ tuổi này chỉ được xem là một nước cờ không hơn không kém, và kết thúc bằng cái chết của An Dương Vương lẫn Mỵ Châu hòa trong sự việc Âu Lạc rơi vào tay họ Triệu.
Nhưng Lê Duy Hạnh đã viết khác đi. Ông nhìn sâu hơn vào nội bộ Âu Lạc, nhìn thấu tâm lý con người, và nhân văn hơn với người trẻ. Đầu tiên, ông có niềm tin vào tình yêu của Trọng Thủy – Mỵ Châu. Đúng là Trọng Thủy được cử sang Âu Lạc để làm tình báo, nhưng rồi chàng đã rung động trước xứ sở và con người Âu Lạc thuần hậu, bao dung. Trọng Thủy là người trẻ, có học, nên chàng thấu cảm hơn, và nhanh chóng nhận thức về con người, đất nước, hòa bình. Rốt cuộc, Trọng Thủy vì tình yêu rộng lớn với cuộc sống mà lên tiếng “phản chiến”, chống lại ý đồ xâm lược của vua cha, nên bị Triệu Đà trừng phạt.
Trên sân khấu, khán giả đã khóc khi thấy hình ảnh Trọng Thủy trốn khỏi sự giam cầm, hốt hoảng chạy tìm Mỵ Châu trong khói lửa chiến tranh, tan nát trái tim bởi mất người bạn trăm năm. Đạo diễn Đức Thịnh đã dàn dựng rất giỏi câu chuyện tình yêu này, trong bối cảnh hoành tráng mịt mù khói lửa, tiếng ngựa hí, tiếng gươm khua, thì bóng dáng Trọng Thủy – Mỵ Châu vô cùng nhỏ bé và đáng thương.
Lê Duy Hạnh cũng đặt ra những giả định về vua quan Âu Lạc. Sau khi được thần kim quy ban nỏ thần và chiến thắng Triệu Đà, vua quan đã sinh ra chủ quan, lơ là cảnh giác. Chưa hết, tâm lý hưởng thụ và tranh giành danh lợi trong thời hòa bình hình như là có thật. Và chỉ cần một mồi lửa nhỏ để kích thích tâm lý ấy lên, mọi thứ sẽ cháy bùng không ngăn cản kịp. Ai cầm mồi lửa đó? Chính là Nhan Tấn. Một trọng thần được Triệu Đà cử sang thay cho Trọng Thủy, đã dùng những thứ rất “tầm thường” mà phá tan Âu Lạc. Rượu thịt, bạc vàng, gái đẹp, vậy mà sắc bén hơn gươm giáo nơi sa trường, đã đâm thẳng vào những người lính, những quan chức, khiến họ “trọng thương” từ ngay trong nhân cách, và ngã gục không giữ được cõi bờ. An Dương Vương vẫn còn Cao Thục trung dũng can ngăn, nhưng tâm thế của An Dương Vương giờ cũng đổi khác, đã chủ quan khinh địch, đã không thích nghe lời thẳng thắn, và triệt hạ trung thần.
Cuối cùng, khi giặc tràn vào, nỏ thần đã được đem ra, nhưng than ôi nó đã vô dụng. Thật ra, thần lực của chiếc nỏ nằm trong ý chí, nhận thức, nhân cách, hành xử của vua tôi và người dân Âu Lạc. Lê Duy Hạnh đã “phủ định” sự mầu nhiệm của chiếc nỏ, mà thay vào đó là tư duy về sức mạnh con người, về sự đoàn kết nội bộ. Khán giả xem mà thích thú nhưng lại đau nhói cả tâm can.
Hình như Lê Duy Hạnh không chỉ nói chuyện xưa, ông dũng cảm nhắc nhở người thời nay nữa. Khi cuộc sống đang có những dấu hiệu tiêu cực thì lời của Lê Duy Hạnh trở nên cần thiết. Ông không làm cuộc “mua vui vài trống canh”, ông bắt người ta thao thức với ông vì vận mệnh đất nước. (còn tiếp)
Nỏ thần được NSND Hồng Vân sản xuất tại sân khấu Phú Nhuận, rất hoành tráng và biểu diễn thêm nhiều suất tại Nhà hát TP.HCM. Thiết kế cảnh trí và đạo cụ, phục trang đều công phu, lộng lẫy. Đặc biệt, cảnh chiến tranh được dựng sôi động và quy mô khiến sân khấu thoát ra khỏi 4 bức tường nhỏ hẹp quen thuộc. Rất lâu mới có một vở dám dựng như vậy.NSND Hồng Vân nói: “Tôi cảm xúc rất mạnh khi nhớ về những ngày sản xuất Nỏ thần. Gần trăm nghệ sĩ và công nhân của Phú Nhuận đã say mê và máu lửa thế nào mới làm nổi kịch bản của chú Ba Lê Duy Hạnh. Chúng tôi rất cần những kịch bản như vậy để rèn nghề. Tôi mong có ngày sẽ tái dựng Nỏ thần để tri ân chú Ba”.Phiên bản cải lương là Chiếc áo thiên nga (Hoàng Song Việt chuyển thể) được đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng cũng cực kỳ hoành tráng tại Nhà thi đấu Quân khu 7 với hơn 300 diễn viên, công nhân hậu đài.
TheoThanh Niên