Nhóm người của Hà “đen” mang theo súng đến khu đất của bà Phượng ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) để tranh chấp đất thì xảy ra đánh nhau khiến 1 người chết, 7 bị thương.
Vụ án gây xôn xao dư luận, hàng trăm người dân từ huyện Ea Súp kéo đến theo dõi phiên toàn.
Lượng người quá đông, TAND tỉnh Đắk Lắk phải bố trí thêm một căn phòng để người dân theo dõi qua màn hình.
Các bị cáo tại phiên xét xử |
Theo cáo trạng, năm 2010, ông Nguyễn Duy Điển (SN 1977, trú Bình Phước) mua 9,5 ha đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 263 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) của ông Trương Quang Tuấn (trú huyện Ea Súp) với giá 314 triệu đồng bằng giấy viết tay.
Từ khi mua đất đến năm 2015 không xảy ra tranh chấp.
Đến năm 2016, thì xảy ra tranh chấp với ông Đặng Văn Hà (còn gọi Hà “đen”, SN 1971, trú huyện Ea Súp) và một số người khác.
Ông Điển sau đó viết giấy tay giao đất cho bà Phạm Thị Phượng (SN 1973, ở gần khu đất) để trồng cây và nhờ bà này trông giữ đất dùm.
Bà Phượng đã trồng và thu hoạch được 1 vụ lúa.
Hàng trăm người dân vượt hàng chục cây số từ huyện biên giới Ea Súp ra TAND tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên tòa |
Ngày 5/12/2017, Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989, con trai bà Phượng) đang san ủi đất thì Đặng Văn Sơn (SN 1997, con trai Hà “đen”) dùng dao chém gây thương tích 5%.
Khoảng chục ngày sau, Sơn cùng Đặng Công Báo (SN 1981) và Vũ Hồng Phong (SN 1968) tới cày trên diện tích 9,5ha mà bà Phượng được giao canh tác, giữ đất.
Đến trưa cùng ngày, 2 con trai bà Phượng là Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hiệp (SN 1992) cùng anh kết nghĩa là Dương Văn Huấn (SN 1984) ra ngăn cản.
Tại đây, Hoàng nhận ra Sơn là người đã chém mình trước đó nên lấy rựa chém vào tay Sơn và nói: “Đất đang tranh chấp, không được cày nữa, nói với Hà “đen” vào lán trại của bà Phượng giải quyết”.
Hà “đen” sau khi nhận được tin báo đã rủ thêm 4 người khác mang theo mã tấu, súng tự chế, gậy vào khu đất chỉ đạo tiếp tục cày.
Thấy vậy, bà Phượng gọi điện cho lãnh đạo công an xã, UBND xã Ea Bung và trực ban Công an huyện Ea Súp trình báo sự việc và đề nghị giải quyết.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, khoảng 30 – 40 người mang theo cuốc xẻng, gậy gộc đến đứng trước lán trại bà Phượng nhằm giúp đỡ bà này chống lại nhóm Hà “đen” để giữ đất.
An ninh phiên tòa được bảo vệ nghiêm ngặt |
Tại đây, Đặng Công Hải (nhóm Hà “đen”) cầm súng tự chế bắn 1 phát lên trời. Ngay lập tức, nhóm bà Phượng lao vào tấn công nhóm Hà “đen”.
Hậu quả, Phạm Thế Văn (nhóm người Hà “đen”) bị đánh tử vong tại chỗ; 7 người khác bị đánh trọng thương từ 4 – 77%.
8 bị can trong nhóm bà Phượng gồm: Phạm Thị Phượng, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hiệp, Dương Văn Hiến, Dương Văn Huấn, Nguyễn Trọng Tố, Nguyễn Văn Thủy và Hà Văn Pha bị truy tố về các tội danh “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.
Gọi chính quyền không thấy đâu!
Theo cáo trạng, sáng ngày 16/12/2017, nhóm người của Hà “đen” đi qua khu đất bà Phạm Thị Phượng đang canh tác và có ý khiêu khích.
Thấy vậy, bà Phượng đã gọi điện thoại cho ông Phạm Duy Tân (Trưởng Công an xã Ea Bung), Nguyễn Văn Phú (Phó trưởng Công an xã), Nguyễn Ngọc Luật (Phó chủ tịch UBND xã) và Lê Tiến Đạt (Trực ban Công an huyện Ea Súp) trình báo sự việc bị nhóm Hà “đen” đến tranh chấp đất và đề nghị giải quyết.
Tòa phải bố trí một phòng riêng để người dân theo dõi qua màn hình do số lượng người quá đông |
Cũng theo cáo trạng, sau khi tiếp nhận tin báo, ông Luật và Đạt chỉ đạo Công an xã Ea Bung kiểm tra, xác minh tin báo, báo cáo để cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Trưởng Công an xã đang bận đi công tác nên gọi điện chỉ đạo cấp phó là ông Nguyễn Văn Phú phân công công an viên đến kiểm tra xác minh.
Tuy nhiên, khi ông Phú cùng một số công an viên tới thì sự việc đánh nhau đã xong.
Tại tòa, Phượng khai rằng, khoảng 10h sáng ngày 16/12, khi thấy nhóm của Hà “đen” vào giành đất thì bà đã điện thoại báo cho lực lượng chức năng nhưng không thấy ai vào.
Khi người dân tập trung tại nhà lán để giúp bảo vệ tài sản, bà cũng đã khuyên mọi người bình tĩnh, ưu tiên giải quyết bằng lời, chỉ đánh lại khi bị đánh trước.
“Bị cáo tuân thủ pháp luật khi thông báo cho lực lượng chức năng. Bị cáo không đánh một ai, không kích động người dân đánh người nên truy tố bị cáo tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” là oan cho bị cáo” – bị cáo Phượng phản ứng khi bị đề nghị mức án từ 25 – 27 năm tù giam.
Luật sư Nguyễn Văn Năm, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk (bào chữa cho một số bị cáo trong vụ án) cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vụ án này chính là sự lộng hành của băng nhóm Hà “đen”, cộng với việc buông lỏng quản lý đất đai, việc tiếp nhận tin báo tội phạm của cơ quan công quyền hết sức chậm chạp và thiếu tinh thần trách nhiệm nên mới xảy ra vụ án.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Nguồn: vietnamnet