Lo sắp bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, chị T. tâm sự với nhiều người bạn cùng lứa tuổi. Một người bạn của chị T. chia sẻ cũng có dấu hiệu giống chị nhưng khi uống một loại thực phẩm chức năng thì thấy tình trạng có cải thiện.
Gần đây tràn lan các quảng cáo bổ sung nội tiết tố làm trẻ, “níu giữ” tuổi xuân. Liệu bổ sung nội tiết tố có được như mong muốn?
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh là do sự bài tiết nội tiết tố sinh dục estrogen và progesterone bắt đầu giảm so với trước đây. Tự ý bổ sung nội tiết tố vô tội vạ có thể thuyên tắc mạch, ung thư vú, thậm chí nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Việc mua các sản phẩm bổ sung nội tiết tố hiện nay rất dễ dàng khi chúng được bán phổ biến ngoài thị trường với đủ chủng loại và xuất xứ.
Tìm mọi cách trẻ hóa
Nhiều chị em phụ nữ khi từ trên 40 tuổi thấy bị rối loạn kinh nguyệt, khó ngủ, bốc hỏa, da nhăn nheo, rụng tóc… liền tự ý mua thực phẩm chức năng, cụ thể hơn là thuốc bổ sung nội tiết tố về uống. Có người còn kết hợp nhiều loại khác nhau với mong muốn tuổi xuân được kéo dài hơn.
Chị T.V.T. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ cách đây một năm chị thấy kinh nguyệt của mình ra ít hơn, không đều như trước. Lo lắng sắp bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, chị T. gọi điện tâm sự với nhiều người bạn cùng lứa tuổi. Một người bạn của chị T. chia sẻ cũng có dấu hiệu giống chị nhưng khi uống một loại thực phẩm chức năng thì thấy tình trạng có cải thiện.
Nghe vậy, chị T. liền mua ngay một hộp thuốc có 60 viên, có giá 550.000 đồng về uống. Mỗi ngày chị uống 2 viên và uống liền trong 3 tháng có chút tác dụng, chị lo lắng không biết uống hoài vậy có hại cho sức khỏe không nên chị T. ngưng uống.
Gần đây, chị thấy triệu chứng cũ quay trở lại nên tiếp tục mua uống nhưng vừa uống vừa lo vì không biết có thực sự tốt cho sức khỏe hay không. “Loại thực phẩm chức năng này được quảng cáo giúp bổ sung nội tiết tố một cách tự nhiên…”, chị T. cho hay.
Bên cạnh uống thuốc hỗ trợ nội tiết tố, chị N.T.P. (51 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) còn uống viên giúp đẹp da, móng, tóc. Chị P. cho biết các loại thuốc này được bạn bè “truyền tai” nhau rồi chị nhờ người thân ở nước ngoài mua về, bên cạnh có khi chị mua trên mạng hoặc ngoài tiệm thuốc.
Chia sẻ về tác dụng sau khi uống các loại thuốc này, chị P. cho rằng cơ thể cải thiện không rõ ràng. Chị P. cũng lo lắng nếu cứ mãi uống những thuốc này, “lệ thuộc” vào chúng thì có ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài không?
Coi chừng gặp tác dụng phụ!
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) – cho biết hội chứng tiền mãn kinh ở người Việt Nam bắt đầu từ 40 đến 48 tuổi, tuổi mãn kinh trung bình từ 48-49 tuổi.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh là do sự bài tiết nội tiết tố sinh dục estrogen và progesterone bắt đầu giảm so với trước đây. Khi giảm các nội tiết tố như vậy sẽ kéo theo nhiều hậu quả như về da sẽ nhăn, rụng tóc…, gây rối loạn chuyển hóa như béo phì vì ở tuổi này không ăn cũng tăng cân, nhiều bệnh lý liên quan đến thiếu hụt nội tiết tố như cao huyết áp, loãng xương.
Ngoài ra, một số người có biểu hiện tiền mãn kinh, mãn kinh như rối loạn về vận mạch, có những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, mất ngủ, một số người có biểu hiện như rong kinh, rong huyết…
Trước thực tế thị trường hiện có nhiều loại sản phẩm chức năng, bác sĩ Diễm Tuyết khuyến cáo khi chọn mua thực phẩm chức năng cũng nên coi nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, hàm lượng chứ không chỉ mua theo quảng cáo.
Bác sĩ Diễm Tuyết cho rằng thuốc là “con dao hai lưỡi” nên khi chưa cần uống mà đã uống vào sẽ có nhiều tác dụng phụ, không mong muốn. Đặc biệt với nội tiết tố là estrogen, khi uống vào sẽ bị thuyên tắc mạch, ung thư vú, sử dụng không đúng chỉ định, không đúng liều còn gây ra nhồi máu cơ tim, những cơn đột quỵ.
Về mặt dinh dưỡng, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam – cho rằng chị em phụ nữ, đặc biệt là người ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh dùng thực phẩm chức năng để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa lão hóa là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên cần nhớ nguyên tắc chỉ dùng thực phẩm chức năng khi có nhu cầu và chọn loại có xuất xứ rõ ràng, phù hợp với tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe…
“Nếu sử dụng bừa bãi, không biết nguồn gốc xuất xứ, thành phần, công dụng thế nào, hay có phù hợp với bản thân mình không thì rất có thể tiền mất mà hiệu quả không có, thậm chí gặp tác dụng phụ”, bác sĩ Diệp nói.
Triệu chứng không nặng nề, cần ăn uống tiết chế, tập thể dục
Bác sĩ Diễm Tuyết cho biết, theo những hướng dẫn chung về điều chỉnh những rối loạn liên quan đến tiền mãn kinh, mãn kinh trên thế giới được chia làm hai nhóm. Một nhóm không sử dụng nội tiết và một nhóm sử dụng nội tiết.
Nhóm sử dụng nội tiết là nhóm có triệu chứng quá nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc như mất ngủ, có rối loạn vận mạch, có những cơn bốc hỏa, cáu gắt, rong kinh, rong huyết.
Nhóm còn lại sẽ không phải sử dụng nội tiết nhưng cần có những biện pháp như ăn uống tiết chế, tập thể dục, tập yoga, hạn chế những loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Ăn uống tiết chế là ăn bớt tinh bột, bớt chất béo, kiểm soát lượng muối vào cơ thể…
Bên cạnh đó, cũng có khuyến cáo nên sử dụng một số loại thực phẩm chức năng chứa tiền thân của estrogen nhưng thực phẩm chức năng này không có tác dụng phụ, có thể hỗ trợ cho một số người chưa có chỉ định sử dụng nội tiết có thể bù lại một lượng thiếu hụt estrogen mà không quá mức.
Nguồn: tuoitre.vn