Dịch Covid-19 kéo dài suốt gần 2 năm khiến lượng khách du lịch đến Ninh Bình giảm mạnh. Điều này dẫn tới việc chủ đầu tư các homestay rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ lãi ngân hàng, buộc phải rao bán hàng loạt homestay để trả nợ.
Chủ đầu tư ồ ạt rao bán
Dạo một vòng trên các trang mua bán nhà đất, dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin cần cho thuê, rao bán, sang nhượng homestay được đăng tải dày đặc.
Đáng chú ý, những dòng thông tin đi kèm phần lớn là “nợ ngân hàng, cần bán gấp”, “bán gấp để trả nợ ngân hàng”… các thông tin rao bán được công khai, giá cả cũng tùy thuộc vào vị trí, diện tích, “sao số” của từng homesaty.
Đa phần các homestay được rao bán có vị trí nằm tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh doanh thua lỗ các chủ homestay tại Ninh Bình ồ ạt rao bán |
Các chủ homestay ở đây cho biết, giai đoạn 2016-2019, homestay là loại hình kinh doanh, du lịch nghỉ dưỡng khai thác rất hiệu quả. Tuy nhiên, từ năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, hầu hết các chủ homestay đều lâm vào cảnh khó khăn, làm ăn thua lỗ phải ồ ạt rao bán, chuyển nhượng.
Chị Nguyễn Thị Bắc, chủ một homestay (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) cho biết: Gia đình chị vay mượn gần 10 tỉ đồng để đầu tư homestay rộng gần 1.000m2 bao gồm 9 căn bungalow, 1 nhà khách, 3 phòng ngủ gia đình, 1 bếp, 1 công trình phụ, 1 nhà kho.
Từ năm 2017 đến trước khi có dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, homestay kinh doanh rất ổn định, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, khách du lịch không có, thêm vào đó là tiền lãi ngân hàng, tiền điện, nước và các chi phí hàng tháng quá lớn không trụ nổi.
Bởi vậy, trong tháng 4.2021, tôi đã phải bán tháo homestay trên với giá 8,5 tỉ, để trả nợ ngân hàng.
Không được may mắn như gia đình chị Bắc, gia đình anh Lê Văn Trọng – chủ một homestay (tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cho biết: Sau khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên ập đến, lượng khách sụt giảm trầm trọng. Nhận thấy tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, ngay trong tháng 8.2020, anh đã đăng bán homestay rộng 450m2, với giá 15 tỉ.
“Sau khi đăng bán, có rất nhiều khách gọi điện hỏi thông tin nhưng không ai đến gặp hay mua cả. Đến thời điểm này, tôi rao bán homestay lên mạng chỉ còn khoảng 12 tỉ, nhưng vẫn chưa bán được. Suốt hơn 1 năm qua, lãi ngân hàng cứ tăng thêm từng tháng, không biết bao giờ tôi mới trả nổi được đây”, anh Trọng thở dài.
Người mua không mặn mà
Mặc dù rao bán hàng loạt nhưng thực tế các thương vụ “chốt khách” vẫn còn khá ít. Nhiều chủ cơ sở vẫn đang cố cầm cự, còn bên mua chờ cơ hội rẻ hơn. Hiện nhiều người mua cũng đang thăm dò để “bắt đáy” khi giá xuống thấp nữa.
Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản Ninh Bình cho biết, nợ ngân hàng là lý do lớn nhất khiến nhiều chủ homestay phải ồ ạt rao bán.
Đa phần các chủ homestay ở đây đều phải vay ngân hàng để đầu tư, ít thì vài trăm triệu, nhiều có khi lên tới hàng chục tỉ đồng. Dịch bệnh gần 2 năm qua đã khiến họ gặp khủng hoảng tài chính nặng nề nên buộc phải bán tháo.
Ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh doanh thua lỗ các chủ homestay tại Ninh Bình ồ ạt rao bán |
Mặc dù rao bán ồ ạt, giá cũng giảm so với trước nhưng khách mua vẫn không mặn mà. Khách hỏi mua chủ yếu là “cò” gọi điện hỏi giá để chào bán kiếm lời.
“Thời điểm này dịch bệnh còn phức tạp, có mua cũng không kinh doanh được, khách mua chủ yếu từ Hà Nội về mua để đầu tư bất động sản sinh lời. Những homestay bán được chủ yếu là những cơ sở có quy mô nhỏ, giá giao động dưới 10 tỉ đồng” – đại diện Hiệp hội Bất động sản Ninh Bình cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 homestay, tình trạng các chủ homestay ồ ạt rao bán đã diễn ra gần 1 năm nay.
“Tuy nhiên, người bán thì nhiều nhưng người mua thì không có, từ cuối năm 2020 đến nay xã mới chỉ tiếp nhận 2 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng các homestay” – ông Hoạt nói.
Nguồn: vietnamnet