NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN VÀ HẠN CHẾ
Với đường lối đúng đắn và mục tiêu cách mạng phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của quyền con người. Cơ chế quản lý và nhiều chính sách kinh tế mới đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích mọi người nhiệt tình lao động, sản xuất – kinh doanh theo pháp luật. Từ một nước vốn thiếu lương thực, nhiều năm nay nước ta đã có gạo xuất khẩu đứng hàng thứ hai trên thế giới. Hàng tiêu dùng và các dịch vụ phục vụ các tầng lớp nhân dân ngày càng phong phú. Hoạt động thông tin, báo chí, văn hóa, nghệ thuật khởi sắc và có nhiều thành tựu mới. Trong xã hội, bầu không khí dân chủ cởi mở được phát huy. Hoạt động giáo dục, y tế, thể thao có những tiến bộ đáng kể, hướng vào phục vụ con người, đời sống của nhân dân nhìn chung ổn định, một bộ phận được cải thiện và nâng cao. Hiến pháp, các bộ luật và nhiều văn bản pháp quy đã ghi nhận và thể chế hóa các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Bầu cử là một trong những quyền quan trọng nhất của công dân Việt Nam. Trong ảnh: Già làng Điểu Wem, thôn Bù Gia Phúc II, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) cùng đồng bào trong thôn bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 – Ảnh: V.Thuyên
Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh nặng nề, nền kinh tế kém phát triển và chính sách thù địch của một số nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí và mở rộng quyền con người ở Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng còn mắc phải nhiều nhược điểm, khuyết điểm như: hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, việc thực hiện và bảo vệ pháp luật còn nhiều thiếu sót; trong đời sống xã hội vừa có tình trạnh buông lỏng kỷ cương, dân chủ cực đoan, coi thường pháp luật vừa có tình trạng một số cơ quan nhà nước và những người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân viên trong bộ máy của Đảng và Nhà nước thoái hóa, biến chất, tham nhũng, ức hiếp dân, làm cho quần chúng bất bình và giảm lòng tin.
NHỮNG YÊU CẦU MỚI VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN
Các thế lực đế quốc là những kẻ vi phạm nghiêm trọng quyền con người ở ngay nước họ và đối với các dân tộc khác. Tuy nhiên, với thái độ giả nhân giả nghĩa, chúng giương ngọn cờ “nhân quyền” để phục vụ âm mưu đen tối phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang phát triển. Gần đây các thế lực đế quốc cũng bộc lộ âm mưu đặt vấn đề nhân quyền lên trên chủ quyền quốc gia, lôi kéo Liên hiệp quốc áp đặt những biện pháp trừng phạt, can thiệp thô bạo vào độc lập, chủ quyền những nước mà chúng cho là “vi phạm nhân quyền”.
Hiện nay chủ nghĩa đế quốc đang triển khai mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, mà vấn đề nhân quyền được coi là vũ khí quan trọng của chiến lược đó, nhằm mục tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và phá hoại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của ta. Dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, chúng tiến hành các hoạt động phá hoại về tư tưởng, tuyên truyền cho dân chủ tư sản và những quan điểm giá trị của phương Tây, vu cáo, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng ta, thậm chí còn thông qua “Đạo luật nhân quyền cho Việt Nam”… Chúng khuyến khích, tập hợp, hỗ trợ bọn phản động trong các tôn giáo, trong dân tộc ít người và bọn cơ hội, bất mãn hình thành lực lượng đối lập và những tổ chức phản động để chống phá cách mạng nước ta.
Chúng dùng thủ đoạn xuyên tạc, vu cáo nhằm tạo ra một hình ảnh Việt Nam “vi phạm nhân quyền” để cô lập ta trên trường quốc tế. Chúng lợi dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, gây mất ổn định chính trị – xã hội. Chúng luôn luôn lấy nhân quyền làm điều kiện cho việc mở rộng hợp tác kinh tế và viện trợ nhân đạo, hòng ép ta phải thỏa hiệp, nhân nhượng, từng bước thay đổi đường lối chính trị. Âm mưu của chủ nghĩa đế quốc về vấn đề quyền con người còn lâu dài, phức tạp, gắn liền với chiến lược “diễn biến hòa bình” và gây bạo loạn lật đổ. Chúng ta cần tỉnh táo trước âm mưu thâm độc đó để chủ động đối phó, kiên quyết đánh bại chúng, giữ vững những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đạt được.
THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG THỜI KỲ MỚI
Quyền con người mang tính lịch sử, tính thời đại. Nội dung mức độ yêu cầu về quyền con người ở mỗi thời đại có sự khác nhau rõ rệt. Ở nước ta, trong thời kỳ mới hiện nay, nội dung, yêu cầu về quyền con người rất đa dạng, phong phú và ở trình độ cao hơn nhiều so với thời kỳ “bao cấp”, và càng khác xa thời kỳ kháng chiến trước đây. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm hiện nay, nội dung nhu cầu và điều kiện bảo đảm thực hiện quyền con người cũng không thể giống nhau giữa các tầng lớp người, giữa các vùng. Nhưng nhìn từ góc độ vĩ mô và trong điều kiện hòa nhập quốc tế thì vẫn có những yêu cầu mới và chúng cần phải được bảo đảm thực hiện tốt hơn trên các lĩnh vực quyền con người:
Về quyền dân sự: quyền tự do cư trú và đi lại, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền an ninh cá nhân, quyền được bảo vệ danh dự và nhân phẩm, quyền được bí mật về thư tín và đời tư, quyền khiếu nại, tố cáo…
Về quyền chính trị: quyền được thực hiện dân chủ trực tiếp nhiều hơn trong bầu cử, ứng cử, quyền được thông tin đầy đủ về những hoạt động của bộ máy nhà nước và những sự việc liên quan đến “quốc gia đại sự”, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng…
Về quyền kinh tế – xã hội: quyền có công ăn việc làm, quyền sở hữu và kế thừa tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền được chăm sóc sức khỏe…
Về quyền văn hóa: quyền được học tập dưới nhiều hình thức, được nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế, tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ…
Tất cả quyền nói trên đều có những yêu cầu mới hơn, cao hơn trước đây. Để bảo đảm thực hiện những yêu cầu mới về quyền con người thì ngoài điều kiện tiên quyết là độc lập dân tộc cần phải có những điều kiện nhất định khác. Đó là:
Thứ nhất: Xây dựng nhà nước pháp quyền với một hệ thống pháp luật đầy đủ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội hiện đại; với một chế độ bầu cử thật sự dân chủ, trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín; với một sự phân công rành mạch giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để tránh tình trạng chồng chéo, lấn sân hoặc lộng quyền, lạm quyền.
Thứ hai: Phải ổn định và phát triển kinh tế, trước hết là xóa đói, giảm nghèo, giảm thất nghiệp; tiếp theo là phải bảo đảm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, quyền tự do kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mau chóng làm cho dân giàu, nước mạnh. “Dân giàu nước mạnh” là cái “cốt vật chất” bảo đảm thực hiện quyền con người trên thực tế.
Thứ ba: Nâng cao dân trí, chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật, làm cho mọi người dân đều hiểu biết và có ý thức tôn trọng, thực hiện pháp luật. Đây là điều kiện rất cơ bản bảo đảm cho con người có năng lực nhận biết và thực hiện quyền của mình, nhất là trong thời đại ngày nay khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh, thông tin nhanh với xu thế “toàn cầu hóa”.
Những giá trị truyền thống về lòng nhân ái, những tư tưởng về quyền con người trong cộng đồng làng xã Việt Nam và trong pháp luật Việt Nam rất đáng trân trọng và cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học trên quan điểm mới để khắc phục những gì bảo thủ lạc hậu; kế thừa những gì tốt đẹp, hướng tới chuẩn mực mới về quyền con người, vừa phù hợp truyền thống dân tộc vừa đáp ứng được xu thế và nhu cầu của thời đại mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vũ Lương
Phó chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy