Khi nhiệm kỳ của ông Jens Stoltenberg kết thúc vào mùa thu năm sau, cuộc tranh luận giữa các đồng minh NATO về người kế nhiệm đã bắt đầu được suy tính một cách nghiêm túc.
Người kế nhiệm ông Jens Stoltenberg sẽ phải điều hành NATO tại một trong những thời điểm bước ngoặt: Cuộc chiến tại Ukraine có nguy cơ leo thang, việc NATO triển khai quân tại các nước giáp ranh Nga, vấn đề kết nạp thành viên mới.
Tổng thư ký mới NATO sẽ lãnh đạo liên minh trong một giai đoạn quan trọng
Tiêu chí lựa chọn
Nhiều đồn đoán rằng liên minh quân sự sẽ bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên vào chức vụ này. Khả năng lãnh đạo, gắn kết và hòa giải khác biệt là những yếu tố được xem là quan trọng hơn vấn đề quốc tịch.
Quan điểm và thái độ với Nga cũng sẽ là một yếu tố xem xét. Dù phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, nhưng các nước như Pháp, Đức hay ngay cả Mỹ muốn chiến tranh sớm kết thúc và tái thiết lập quan hệ mới với Nga.
Mỹ, Đức, Pháp và Anh là những nước thành viên có khả năng quyết định chọn người nào, đặc biệt là “cái gật đầu” từ Washington.
Ứng viên tiềm năng từ Canada
Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland.
Phó Thủ tướng Chrystia Freeland được cho là một ứng viên tiềm năng. “Uyên bác, hòa đồng, kiên trì và sáng tạo để đạt được mục tiêu” là những từ mà tình báo Liên Xô từng miêu tả về bà. Bà sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Italia, Ukraine và Nga, kinh nghiệm điều hành các bộ ngoại thương, ngoại giao, tài chính… và diễn ngôn tốt trước công chúng và báo chí.
Gương mặt đại diện Liên minh châu Âu (EU)
Theo The New York Times, một số ứng cử viên sáng giá là phụ nữ bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova và Cựu Tổng thống của Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic.
Bà Grabar-Kitarović từng làm trợ lý Tổng thư ký NATO về ngoại giao công chúng (2011-2014). Bà cũng từng là Đại sứ Croatia tại Mỹ, Bộ trưởng châu Âu và Ngoại trưởng, đóng một vai trò quan trọng trong việc Zagreb thành công gia nhập EU và NATO. Tuy vậy, di sản chính trị thân cựu hữu và những cáo buộc quan hệ thân thiết của bà với Moscow đã khiến bà thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống 2019.
Từ trái sang phải: Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, cựu Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nắm quyền chưa đầy 2 năm nên bà có thể sẽ không từ bỏ vị trí lãnh đạo quốc gia của mình. Đồng thời, bà Kallas chống Nga quá dữ dội, phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Nga Putin. Trong khi đó, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đang phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ trong nước sụt giảm và những bất đồng nội bộ với đảng liên minh và phe đối lập.
Ứng viên sáng giá của Anh
Giới quan sát nhận định Anh sẽ quyết tâm giành vị trí Tổng thư ký. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nắm quyền liên tục được cho nhằm khẳng định tính ổn định của London trong hỗ trợ Kiev, đồng thời để tăng cơ hội vào vị trí lãnh đạo NATO.
Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, Cựu Thủ tướng Boris Johnson và Cựu Thủ tướng Anh Theresa May.
Cựu Thủ tướng Boris Johnson được đánh giá là có lợi thế bởi ông từng giành được sự tín nhiệm khi giúp xây dựng liên minh quốc tế hỗ trợ Ukraine. Chính ông đã đến Thụy Điển và Phần Lan, thúc giục lãnh đạo hai nước nộp đơn gia nhập NATO.
Giới quan sát nhìn nhận cựu Thủ tướng Theresa May cũng có thể trở thành ứng viên thích hợp. Tuy nhiên, di sản Brexit (Anh rời EU) mà bà May không thực hiện được trong thỏa thuận với Liên minh châu Âu khiến bà khó có thể nhận được sự ủng hộ từ khối này.
Nguồn: vietnamnet