Vũ khí hạt nhân nhỏ có thể được dùng để phá các kho vũ khí huỷ diệt lớn của đối phương sau giai đoạn mở màn bằng hỏa lực đánh phủ đầu.

Vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ (mini-nukes, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật) được dùng để chi viện cho lực lượng chiến đấu tiến công các mục tiêu chiến thuật.

Tuỳ cách tiếp cận, các nước có thể xếp vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ dưới 10 kiloton hay dưới 15 kiloton là vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Đặc điểm chung nổi bật của chúng là có thể tích rất nhỏ so với vũ khí thông thường có đương lượng nổ tương đương.

Những “tiện ích” bất ngờ của vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ
Vụ thử đạn pháo hạt nhân ở Nevada, Mỹ năm 1953.

Theo các nhà phân tích, nhiều nước có xu hướng “thích” sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ bởi những lí do sau:

Một là, ranh giới và sự khác biệt cơ bản giữa vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân đã bị xoá nhoà. Do uy lực của vũ khí thông thường ngày càng mạnh và của vũ khí hạt nhân ngày càng giảm đi, nên việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn khả thi.

Hai là, vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có khả năng sử dụng linh hoạt, hiệu quả và đỡ “tai tiếng” hơn các loại vũ khí hạt nhân chiến lược khác. Loại vũ khí này rất thích hợp để tiêu diệt những cơ sở quân sự nằm không quá sâu dưới đất, phá huỷ những kho vũ khí sinh học, hoá học của đối phương, hoặc được sử dụng trên chiến trường như một loại vũ khí chiến thuật.

Với những tính năng mới, vũ khí hạt nhân loại nhỏ có thể phá huỷ được các loại vũ khí sinh học và hoá học của đối phương; các tia gam-ma có thể phá huỷ được các phần tử gây bệnh than và các hợp chất trong vũ khí hoá học mà các tổ chức khủng bố đang nắm giữ. Nó cũng có thể được sử dụng để phá huỷ các kho vũ khí huỷ diệt lớn của đối phương còn lại sau giai đoạn mở màn bằng hỏa lực đánh phủ đầu.

Những loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ chủ yếu

Hiện nay, trong quân đội các nước lớn trên thế giới có một số loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ sau.

Tên lửa hạt nhân đối đất tầm gần, có tầm bắn dưới 500 km, được phóng từ mặt đất. Tại Mỹ, đơn vị cấp quân đoàn được trang bị loại tên lửa Long bow mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật phóng đi từ các giá trên xe thiết giáp chở quân.

Đạn pháo hạt nhân, là loại được lắp bộ phận chiến đấu hạt nhân. Bộ phận chiến đấu có hai kiểu là kiểu phân chia và tăng cường bức xạ. Kiểu phân chia được gọi là đạn pháo nguyên tử, còn kiểu tăng cường bức xạ được gọi là đạn pháo nơtron. Đạn pháo hạt nhân chủ yếu được dùng để tiến công sân bay, cầu phà, địa điểm tập kết lực lượng, các cụm xe tăng…. Hiện quân đội Mỹ được trang bị khoảng 3.500 khẩu pháo, quân đội Nga có khoảng 6.700 khẩu pháo có khả năng bắn loại đầu đạn này.

Bom hạt nhân nổ dưới nước, chủ yếu dùng để tiến công tàu ngầm hoặc các mục tiêu dưới nước.

Bom hạt nhân bay, là loại đạn được trang bị bộ phận chiến đấu hạt nhân, được lắp đặt và phóng đi từ các thiết bị bay.

Đạn hạt nhân xuyên đất, có tác dụng chủ yếu là lợi dụng sóng va đập được sinh ra khi nổ để phá huỷ các mục tiêu quân sự như giếng phóng tên lửa, sở chỉ huy dưới đất của đối phương. Hiệu quả của loại bom này lớn hơn nhiều so với đạn hạt nhân nổ trên mặt đất hay trên không, nhưng mức độ ô nhiễm phóng xạ lại giảm rất nhiều.

Mìn hạt nhân, được trang bị bộ phận chiến đấu hạt nhân dùng để tạo ra những chướng ngại vật lớn (hố, ụ đất…), cản trở hành động của xe tăng, phong toả đường giao thông, phá hoại cầu cống và các mục tiêu quân sự ngầm của đối phương.

Ngư lôi hạt nhân, được lắp bộ phận chiến đấu hạt nhân, dùng để tiêu diệt tàu ngầm có tốc độ cao và các tàu mặt nước cỡ lớn của đối phương.

Bộc phá hạt nhân đặc chủng, chuyên dùng cho những nhiệm vụ phá hoại đặc biệt sau lưng đối phương…

Trong các cuộc chiến tranh gần đây, ngoài các loại bom, đạn có điều khiển dùng để tiến công các mục tiêu trên mặt đất, quân đội Mỹ còn chú trọng sử dụng một số loại bom, đạn có khả năng khoan sâu vào lòng đất sau đó mới phát nổ để tiêu diệt lực lượng của đối phương ở trong các hang, động, hầm ngầm.

Tuy nhiên, loại bom này đã bộc lộ những hạn chế nhất định về trọng lượng. Do đó, xu hướng của Mỹ là sử dụng các loại bom, đạn hạt nhân cỡ nhỏ mới để thay thế.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : MỹThiết Bị Quân Sựvũ khívũ khí hạt nhân

Các tin liên quan đến bài viết