Muốn sở hữu nhà mồ mặt tiền cho cha mẹ, nhiều người đã bỏ tiền tỉ để mua đất tại các nghĩa trang. Các khu mộ xa hoa, đồ sộ đang mọc lên ngày càng nhiều.

Những thành phố ngàn tỉ của người chết - Ảnh 1.

Khu nhà mồ tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM 

Có thể hiểu được lo lắng của một đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 13-11 vừa qua về việc quy hoạch khu nghĩa trang gần 51ha tại xã Bình An, H.Long Thành (Đồng Nai) sẽ “cản trở” việc phát triển trung tâm đô thị gần sân bay quốc tế Long Thành sau này.

Bởi xu hướng nghĩa trang do tư nhân đầu tư đang mọc lên tại các tỉnh thành ngày càng nhiều, giá mỗi huyệt mộ lên đến hàng tỉ đồng.

Một buổi sáng cuối tuần, những chiếc xe hơi sang trọng chạy chầm chậm băng qua cánh cổng lớn của công viên nghĩa trang Phúc An Viên (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM) rồi tấp vào những con đường mang tên D5, D7, D9… bên trong nghĩa trang.

Đó là các con đường trải nhựa chạy xung quanh những khu mộ mang tên Bát Tiên, Gia Tộc, Phúc Lộc Thọ…, nơi thân nhân của họ đang an nghỉ nghìn thu.

 “Chỉ có nhà giàu mới vô đó, chứ người nghèo làm sao mua được một mét vuông ở trỏng, đắt hơn cả đất ở bên ngoài. Bia mộ có người lau dọn hằng ngày, sáng bóng hơn cả nhà mình” – bà Bảy, một người bán tạp hóa gần công viên nghĩa trang, cho biết.
Những thành phố ngàn tỉ của người chết - Ảnh 2.

Các khu mộ gia tộc bên trong công viên nghĩa trang Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM 

Giá khu mộ bằng nhà mặt tiền

Theo bà Bảy, vào những ngày cuối tuần, lễ tết là người từ TP đổ về đây viếng thân nhân, xe hơi vô ra nườm nượp từ sáng đến chiều.

Tuy nhiên, chỉ những người đến viếng thân nhân mới được vào cổng, những người lạ mặt không được vào bên trong bởi theo bà Bảy, “người ta thờ phụng trên mộ toàn bằng đồ quý, sợ mất cắp” nên bảo vệ canh cổng 24/24h.

“Có lần nghe nói có ngôi mộ mười mấy tỉ, mấy người dân xung quanh phải giả làm người đưa tang mới được vào trỏng để chiêm ngưỡng ngôi mộ hoành tráng, đẹp hơn cả nhà người sống” – bà Bảy kể.

Trong vai một người đi viếng mộ, chúng tôi được bảo vệ cho phép vào bên trong, rảo một vòng 11 phân khu trong công viên nghĩa trang có diện tích lên đến 18ha, cách Khu công nghệ cao TP.HCM không xa.

Nằm ngay bên trái quảng trường trung tâm là phân khu Phúc Lộc Thọ 3 (còn gọi là khu nhà rồng) với khoảng 100 ngôi nhà mồ bề thế, rực sắc vàng san sát nhau.

Mỗi nhà mồ có thể chôn hai huyệt mộ, mặt trên được ốp đá hoa cương và trang trí rồng phụng khiến cho toàn cảnh khu mộ rất uy nghi.

Theo bảng báo giá của chủ đầu tư công viên nghĩa trang trên, để sở hữu một nhà mồ ở đây, người mua phải trả 1,054 tỉ đồng, thêm 50 triệu đồng phí chăm sóc.

Muốn sở hữu nhà mồ mặt tiền đường D7, D9 phải bỏ ra hơn 1,2 tỉ đồng. Giá đắt đỏ như vậy nhưng phần lớn những nhà mồ ở các mặt tiền đều đã có chủ.

Cách khu Phúc Lộc Thọ 3 không xa, khu mộ gia tộc với những dãy mộ tường rào bằng đá khối bao quanh những am thờ, từ đường được xây dựng bề thế. Tùy theo vị trí, mặt tiền từng đường, giá đất dao động từ 21-23 triệu đồng/m2 (gồm phí chăm sóc khoảng 1 triệu đồng/m2).

Có khu mộ diện tích gần 200m2, có hai mặt tiền, riêng tiền đất hơn 4,5 tỉ đồng. Khu mộ này xây dựng nơi thờ tự theo thiết kế riêng, vật liệu cao cấp và xây cả năm mới xong.

Tính cả chi phí mua đất, phí xây dựng và phí chăm sóc thì có những khu mộ gia tộc trong nghĩa trang này đắt hơn cả những căn nhà mặt tiền đường tại quận ven của TP.HCM.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người “mạnh tay” chi tiền để xây dựng những khu mộ gia tộc như vậy. Nếu không tính tiền đất, tiền làm kim tĩnh, chi phí xây dựng cho một khu mộ gia tộc thấp nhất ở đây khoảng 500 triệu, trung bình 800-900 triệu, còn với những khu gia tộc bề thế thì lên đến vài tỉ đồng.

Đến hoa viên nghĩa trang Bình Dương những ngày này, nhiều người trầm trồ về quy mô khu mộ gia tộc mà ông chủ một khu vui chơi ở TP.HCM bỏ tiền ra mua. Mỗi khu mộ gia tộc ở đây có từ 8-36 huyệt mộ, giá từ trên 300 triệu đồng đến 2,7 tỉ đồng/lô, tùy vị trí.

Khách có nhu cầu mua đất chôn cất, cải táng cho cả gia đình, họ tộc thì chỉ mua 1-2 lô. Riêng vị “đại gia” này mua 16 lô liền kề nhau và xây một khu mộ riêng. Riêng tiền mua đất khoảng 6 tỉ đồng, chưa kể chi phí thiết kế, xây dựng, làm mộ…

nghia trang 3 (2)

Công nhân thi công các khu mộ gia tộc tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM 

Hoa viên nghĩa trang Bình Dương có diện tích khoảng 200ha. So với các công viên nghĩa trang hạng sang khác ở TP.HCM, Long An, Tây Ninh, giá đất mộ nơi này mềm hơn.

Nhưng hiện giá một khu mộ đơn thấp nhất ở đây cũng trên 40 triệu đồng, vị trí đẹp thì giá 115-145 triệu đồng/mộ. Lô mộ gia tộc có diện tích lớn nhất là 360m2, giá hơn 2,7 tỉ đồng.

Đây chỉ là giá huyệt mộ, dịch vụ mai táng, chi phí xây kim tĩnh, lát đá quanh mộ. Khi chôn cất người chết xong, gia đình còn phải bỏ tiền xây mộ, bia, nhà tưởng niệm…

Theo những người đã mua đất và xây mộ ở đây, nếu chọn vật liệu rẻ tiền, thiết kế đơn giản tốn khoảng 30 triệu đồng/mộ.

Nếu chọn loại đá khối Ấn Độ thì chi phí gần 300 triệu đồng/mộ. Tại nghĩa trang này có thể gặp khu đất mộ thuộc sở hữu của chủ một hệ thống cửa hàng kim khí điện máy ở TP.HCM, mộ của “đại gia” nhà đất ở quận Gò Vấp… Không hiếm ngôi mộ ở đây được dát vàng trên bia mộ, thiết kế nhà thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối…

Còn tại công viên nghĩa trang Hoài Ân Viên (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, Đồng Nai), giá các khu mộ thấp nhất là 52 triệu, cao nhất hơn 2,2 tỉ đồng.

Theo nhân viên tư vấn của dự án này, đối với người Việt, việc chọn hướng của các khu mộ rất quan trọng nên trong nghĩa trang này, giá bán đất được xác định tùy các khu theo hướng đông, tây, nam, bắc để khách hàng chọn lựa cho phù hợp.

“Thành phố ngàn tỉ” của người chết 

Đó là cách ví von của những người dân xã Vinh An (H.Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) khi nói về khu chôn cất người mất ở làng An Bằng. Những ngôi mộ xa hoa được xây cất với số tiền hàng tỉ đồng khiến bất cứ ai thấy cũng phải kinh ngạc vì sự bề thế ở đây.

Một góc “phố mộ” bên đường làng An Bằng (xã Vinh An, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). -Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Một góc “phố mộ” bên đường làng An Bằng (xã Vinh An, H.Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) 

Con đường dẫn từ trung tâm huyện về làng An Bằng đi qua những ngôi biệt thự theo đủ phong cách. Ít ai biết rằng ngày trước, An Bằng từng là ngôi làng nghèo nhất nhì xứ bãi ngang phá Tam Giang này.

Người cao niên ở đây kể rằng những căn biệt thự và những ngôi mộ tiền tỉ ở đây xuất hiện từ cách đây 20 năm từ khi có nguồn “ngoại tệ”.

“Làng này trước đây cũng như cả vùng đầm phá này làm nghề thuyền chài nên nghèo lắm. Những năm 1980, làng này có người vượt biên đi nước ngoài. Đến khoảng năm 1995 thì nguồn tiền từ thân nhân ở nước ngoài ồ ạt đổ về.

Từ đó, những người dân chài quanh năm nghèo khổ trở nên giàu có bậc nhất trong vùng. Con cháu đi xa xứ cũng gửi tiền về xây nhà cho cha mẹ được sung sướng, xây mồ mả to thành lăng tẩm để báo hiếu người đã khuất.

Từ đó phong trào xây dựng nhà cửa, lăng mộ tại đây nở rộ. Chỉ tính riêng những ngôi mộ được xây tiền tỉ ở đây cũng vài trăm cái, lăng mộ được xây cất đồ sộ vài trăm triệu thì vô số, không kể được” – anh Thanh, một chủ thầu chuyên xây mộ, kể.

Đi một vòng ngôi làng, không ít khu “phố nghĩa trang” có hàng trăm ngôi mộ bề thế. Nhiều ngôi mộ xây hai ba lớp bậc thềm vươn cao hơn cả ngôi nhà kế cận.

Hai dòng mộ được xây chủ yếu ở đây là lăng nhà mồ (có mái che trên mộ) và lăng nhà bia trên nền bậc thềm. Xung quanh là bình phong và hệ thống trụ rộng 2-3 người ôm được trang trí các họa tiết phượng, rồng bằng gốm sứ.

Người trong làng có câu: “Xem “nhà” ông bà – ra nhà con cái”, ý chỉ những ngôi mộ bề thế đều là của những gia đình có con cái ăn nên làm ra ở phương xa.

“Dân vùng biển ở đây vốn rất kiêng kỵ tâm linh. Bởi ngày xưa nghèo con cái không có điều kiện phụng dưỡng, đến khi con cái có của ăn của để, hoặc đang ở xa thì có người thân qua đời, làm mộ to để đáp đền báo hiếu, cứ con cái ở nhà một tỉ thì ông bà phải nằm “nhà” vài ba trăm triệu.

Có thời người ta tranh đất mở nghĩa trang gia tộc bề thế khiến đất mồ mả tăng giá và các tộc họ không vui vẻ với nhau” – ông N.V.H., một bậc cao niên dòng họ Nguyễn, làng An Bằng, nói.

Những thành phố ngàn tỉ của người chết - Ảnh 3.

Một góc “phố mộ” bên đường làng An Bằng (xã Vinh An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) 

Là vùng đất chật người đông như mọi vùng quê biển khác, làng An Bằng lại chịu sự “cạnh tranh” do đa số nghĩa địa nằm xung quanh nhà dân. Một số người có tiền cũng lo “xí phần” xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống.

Người trong làng đủ đầy tiện nghi nên dù sống bên một khu nghĩa địa nhưng không thấy lạnh lẽo, ngược lại nhiều người cho rằng sự hoành tráng ấy khiến không ai thấy sợ. Chúng tôi ghé lại nhà ông Trần Văn Hoàng khi ông đang đứng chỉ thợ xây cất ngôi mộ ông nội.

Ông Hoàng là dân kinh tế mới vừa quay về làng ở lâu dài. Với hơn 40 tấn ximăng vừa tập kết bên đường, ông Hoàng dự tính sẽ xây “cách tân” so với các ngôi mộ trong làng khi đào thêm một đường hào bêtông để không cho rễ cây ăn vào khu nhà mồ.

Chúng tôi hỏi về giá thành xây cất, ông Hoàng không trả lời. “Trước khổ quá không nói làm gì, giờ có tiền phải để ông bà mồ yên mả đẹp chứ” – ông Hoàng xoa tay bỏ đi.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND xã Vinh An, cho biết hiện nay diện tích địa táng trên địa bàn xã ước tính chiếm khoảng 10% diện tích đất tự nhiên, trong đó làng An Bằng là nơi có diện tích đất dành cho người chết lớn nhất trong xã.

“Tâm lý chung là phú quý sinh lễ nghĩa, khi cơm áo đủ đầy thì nghĩ đến chuyện nhà to cửa đẹp cũng là thường tình.

Lo nhà cho người sống xong thì phải lo “nhà” cho người chết. Tôi gặp nhiều Việt kiều, họ bảo định cư ở cách xa cả nửa vòng trái đất, nay sống mai chết, mấy năm mới về nhà một chuyến nên mồ mả ông bà có sạch đẹp, trang trọng thì họ ở xa mới yên bề làm ăn” – ông nói.

Theo ông Thành, hiện nay tại An Bằng có một số ngôi mộ lớn có giá xây cất lên tới 2 tỉ đồng tính theo thời giá hiện tại, mộ có giá trên 1 tỉ đồng thì cũng trên dưới vài chục cái. Riêng mộ vài trăm triệu đồng thì nhiều vô kể, xã không có điều kiện thống kê hết.

Cũng theo ông Thành, nhiều năm nay nhờ việc xây cất mộ rầm rộ mà qua đó một số hộ dân trong xã, trong vùng cũng có thêm nghề kiếm ra tiền.

Và không chỉ riêng làng An Bằng có người xuất ngoại, người ở các làng khác cũng đã đi nước ngoài làm ngư dân, có tàu lớn nên đã gửi tiền về giúp bà con ở quê hương. Phong trào xây mộ hoành tráng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Những thành phố ngàn tỉ của người chết - Ảnh 4.

Những khu mộ hoành tráng tại Huế 

“Đầu cơ” đất nghĩa trang

Nghĩa trang Vĩnh Hằng là một trong những nghĩa trang đầu tiên tại H.Ba Vì, Hà Nội được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, giai đoạn 2003-2004. Tuy nhiên, một nhân viên quản trang tại đây cho biết đất nghĩa trang do công ty bán hiện không còn.

“Bây giờ muốn có đất trong nghĩa trang chỉ có cách mua lại từ những người đã mua đất của công ty trước đây, nay không sử dụng có nhu cầu bán lại” – nhân viên trên nói.

Cũng theo nhân viên này, giá đất mua gốc từ công ty trước đây là 5,5 triệu đồng/m2, còn hiện nay những khu mộ đã xây dựng nhưng chưa sử dụng, có chủ kêu giá 10 triệu đồng/m2.

“Có khu mộ 60m2 của một người ở Hà Đông hiện không còn nhu cầu sử dụng vì đã có khu đất tại quê, giá nhượng lại là 10 triệu đồng/m2, không bớt. Còn có khu hơn 100m2, chủ này đòi đúng 12 triệu đồng/m2 vì vị trí tương đối đẹp” – nhân viên này giới thiệu.

Vì mua lại nên những khu đất trong nghĩa trang Vĩnh Hằng có giá trên 1 tỉ đồng/khu mộ không phải là hiếm.

Anh N.T.C. (P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm 2007 anh phải nhờ “quan hệ” mới mua được hơn 100m2 đất trong nghĩa trang Vĩnh Hằng, trực tiếp từ công ty đầu tư với giá gần 6 triệu đồng/m2.

Ngoài 100m2, 200m2, trong nghĩa trang còn nhiều khu mộ có diện tích lên tới 500m2. Khu mộ càng lớn thì chi phí chăm sóc càng nhiều, có khu mộ một năm phải trả tiền chăm sóc tới hàng chục triệu đồng.

Một ngôi mộ của người Hoa trong hoa viên nghĩa trang Bình Dương. -Ảnh: Tiến Long

Một ngôi mộ của người Hoa trong hoa viên nghĩa trang Bình Dương

Dịch vụ bình dân đến cao cấp

Ngoài việc bỏ tiền mua đất vị trí đẹp (mặt tiền, gần khu trung tâm), thiết kế cầu kỳ… nhiều người còn thích làm mộ to trên khu đất rộng.

Họ sẵn sàng bỏ tiền mua nhiều lô mộ gia tộc liền kề nhưng chỉ để xây một ngôi mộ, còn lại để đất trồng cỏ, hoa, kiểng, xây tiểu cảnh, đặt tượng đá, làm những “quả đồi xanh” phủ cỏ mịn. Chỉ riêng tiền trồng loại cỏ mịn đã là 100.000 đồng/m2.

Dự án công viên nghĩa trang Sài Gòn Thiên Phúc (ấp Long Phú, xã Tân Kim, H.Cần Giuộc, Long An) có hàng loạt gói dịch vụ kèm theo như thắp nhang, cúng giỗ, cúng các ngày lễ tết, quét dọn…

Ở gói dịch vụ cao cấp có thêm phần cúng lễ ngày rằm và cuối tháng, các ngày kỷ niệm đặc biệt của người quá cố, thực hiện mâm cúng theo sở nguyện của người quá cố và mong muốn của người thân… Chi phí của gói dịch vụ này đã được tính kèm khi mua đất.

Tại khu mộ gia tộc của một gia đình gốc Quảng Trị nằm trong công viên nghĩa trang Phúc An Viên, chúng tôi gặp một nhân viên lau dọn của nghĩa trang. Theo chị, công ty trả tiền cho nhiều nhân công như chị chỉ để làm một việc là quét dọn, lau chùi các phần mộ.

Từ sáng đến tối, chị xách cây chổi lau nhà và xô nước lần lượt đi từng khu mộ tỉ mẩn lau chùi từng bậc tam cấp, từng mộ phần, cột nhà…

“Thấy sạch bóng không, nhà mình còn không được sạch như thế, nhưng ở đây mình được trả tiền để làm mỗi việc này nên phải chùi thật bóng” – chị nói.

“Mộ gia tộc này nằm sát mộ gia tộc kia nên người ta còn tranh nhau, bên này đặt cây chậu hoa lớn, đắt tiền thì bên kia phải lớn hơn, đắt tiền hơn nên ra nghĩa trang mà còn lộng lẫy hơn ở nhà” – chị nhân viên trên chia sẻ.

Ngoài ra, tại công viên nghĩa trang cũng có nhiều công nhân cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, nhân viên cơ giới, chạy xe điện đưa đón thân nhân đến thăm viếng nghĩa trang.

Trong khuôn viên nghĩa trang có căngtin, nhà hàng phục vụ thức ăn, nước uống, có cả nhà nghỉ cho thân nhân những người được chôn cất tại nghĩa trang này.

Tương tự, tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương cũng có dịch vụ cho thuê phòng để khách nghỉ trưa và nghỉ qua đêm. “Giá cả mua khu mộ tuy đắt đỏ nhưng có dịch vụ tốt và mỗi lần đến đây không có sự u ám ở các nghĩa trang thường thấy” – chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết.

Hiện các dịch vụ chăm sóc phần mộ tại các nghĩa trang được ký hợp đồng 50 năm.

Trong khi đó, tại công viên nghĩa trang Hoài Ân Viên, chi phí chăm sóc và bảo dưỡng chiếm 15% giá mua đất mộ. Đất mộ diện tích 7,2x11m (hướng đông) với 4 kim tĩnh sẽ có giá hơn 1,5 tỉ đồng.

Trong đó, tiền đất và phí xây dựng khoảng 1,3 tỉ và chi phí chăm sóc, bảo dưỡng 15%, tức gần 200 triệu đồng. Tất cả đang tạo nên một thế giới âm ngày càng đắt đỏ.

Quảng Ninh cũng có nhiều khu mộ lớn

Nằm trên khu đồi cao tại khu vực phường Hà Tu, TP Hạ Long, nghĩa trang Gốc Khế Hà Tu rộng khoảng 10ha với hàng ngàn ngôi mộ lớn nhỏ. Không có quy chuẩn cụ thể nào cho việc xây dựng tại nghĩa trang này.

Ngoại trừ khu vực mới làm bên trong được xây dựng theo hàng lối, còn tùy thuộc mỗi gia đình mà hướng mộ phần cũng được xoay những chiều khác nhau.

Tại nghĩa trang Hà Khẩu (khu 1, P.Hà Khẩu, TP Hạ Long) hiện nay đan xen hai khu vực: mộ phần đơn và khuôn viên mộ phần. Mỗi ngôi mộ có diện tích 100-200m2, nhưng phần nhiều từ 50-70m2.

Việc mua bán diện tích “đất âm” hiện nay đang được thực hiện tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo cơ chế thị trường. Có cầu, có cung, có giá quy định nhưng gần như không bị hạn chế bởi mức trần diện tích.

Ông Hoàng Quang Hải, phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết trên địa bàn có ba nghĩa trang nhân dân lớn hoạt động từ lâu là Hà Khẩu, Hà Khánh, Hà Tu cùng thuộc quản lý của Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh.

Trước đây, những khu vực này không có quy hoạch, người dân chôn cất tự phát nên diện tích không đồng nhất. Sau thời điểm năm 2003, UBND tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long mới đưa vào quy hoạch quản lý, sắp xếp lại để tiết kiệm quỹ đất, có cơ sở hạ tầng phục vụ việc mai táng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công viên nghĩa trang Phúc An Viêngia tộclàng An Bằngnghĩa trangnhà mồthành phố ngàn tỉTP HCMxa hoa

Các tin liên quan đến bài viết