Liên Hợp Quốc muốn tuyển thêm nhiều phụ nữ hơn vào các lực lượng gìn giữ hòa bình vì hiện vẫn chỉ có một số ít thành viên “mũ nồi xanh” là nữ – những người đang ngay đêm cố gắng mang lại sự ổn định cho những khu vực chết chóc nhất.
Nhân tố hiếm
Chân dung nữ sĩ quan cảnh sát Catherine Ugorji. Ảnh BBC
Theo BBC, nữ sĩ quan cảnh sát Catherine Ugorji, người Nigeria là một thành viên của lực lượng “mũ nồi xanh” đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở thành phố Gao hỗn loạn của đất nước Mali, Tây Phi.
Là một phụ nữ, Ugorji là một nhân tố hiếm của cơ quan Liên Hợp Quốc tại đây, nơi đâu đâu cũng tràn ngập nam giới. Cô là một trong 477 cảnh sát và nhân viên quân sự là nữ trong tổng số 15.000 thành viên “mũ nồi xanh” đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Mali.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, chỉ có khoảng 4% nhân viên quân sự và 10% cảnh sát đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới là phụ nữ. Và Liên Hợp Quốc đang muốn tuyển dụng thêm nữ. |
Nhưng điều đó không khiến Ugorji bận tâm. “Tôi thích hành động. Bất cứ điều gì người ta bảo chỉ dành cho đàn ông làm tôi đều muốn làm”, Ugorji chia sẻ và cho biết thêm rằng, khi chưa đến Mali làm nhiệm vụ, cô là một cảnh sát chuyên bắt tội phạm trên đường phố Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria.
“Lagos là một thị trấn rất hỗn loạn. Tôi là một cảnh sát chuyên bắt tội phạm và phải làm việc suốt ngày đêm. Ban đêm là thời điểm tất cả những kẻ xấu hành động”, Ugorji chia sẻ.
Liên Hợp Quốc đã triển khai sứ mệnh giữ gìn hòa bình tại Gao vào năm 2013 khi thành phố này vừa được giải phóng khỏi các chiến binh thánh chiến liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Trước đó, Gao bị các chiến binh thánh chiến chiếm đóng trong vài tháng và áp đặt luật Hồi giáo vô cùng hà khắc bao gồm cắt cụt chân tay kẻ trộm và ép buộc phụ nữ phải dùng mạng che mặt.
Đối mặt nguy hiểm để gìn giữ hòa bình
Phụ nữ là nhân tố hiếm trong lực lượng “mũ nồi xanh”. Ảnh BBC
Theo BBC, sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali được xem là nhiệm vụ nguy hiểm nhất thế giới. Đã có 106 thành viên mũ nồi xanh bị giết hại trong khi làm nhiệm vụ ở đất nước này trong khi hàng chục người khác qua đời vì tai nạn và bệnh tật.
Ugorji phải làm việc trong một môi trường nhiều nguy hiểm và thách thức khi tại Gao, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình, tàn dư thánh chiến vẫn hoạt động lén lút ở đây. Hồi tháng 7, một vụ đánh bom tự sát kinh hoàng đã giết chết hàng trăm người vô tội ở Gao.
Các chiến binh thánh chiến vẫn đang ra sức mở rộng ảnh hưởng và lãnh thổ trong khu vực. Liên Hợp Quốc đã tìm nhiều cách để ngăn chặn điều này, theo đó, vai trò của những nữ nhân viên “mũ nồi xanh” như Ugorji đặc biệt quan trọng.
Jayci Jimenez, một cố vấn tình báo của Không quân Mỹ cho biết, ở Gao, phụ nữ địa phương không được phép nói chuyện hay gặp gỡ người lạ mặt vì các lý do văn hóa nhưng họ lại mở lòng với những nữ cảnh sát như Ugorji và không ngại tiết lộ những điều bất thường họ thấy tại nơi họ sinh sống.
Những thông tin đó giúp lực lượng “mũ nồi xanh” sớm phát hiện các hoạt động của các chiến binh thánh chiến để lên phương án ngăn chặn trước hiệu quả hơn.
Mặc dù vai trò quan trọng đã được ghi nhận vẫn có những người nghi ngại việc tuyển dụng phụ nữ trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở những nơi nguy hiểm nhất thế giới như Mali.
Theo BBC, một người chỉ huy người Senegal đã bày tỏ sự ngần ngại trong việc cho phép nữ thành viên mũ nồi xanh trong đơn vị của ông đi tuần tra.
“Thử tưởng tượng xem nếu những chuyện không hay xảy ra với họ ở ngoài kia thì sao”, BBC dẫn lời người chi huy này cho biết.
Theo Dân việt