Một cái bồn tắm chỉ cần khoảng 4 người khiêng lên xe, nhưng cả tám người phụ nữ tranh nhau xúm lại làm vì ai cũng muốn kiếm thêm chút đỉnh sau một ngày trắng tay. Cuối cùng, người thuê đành trả công cho cả tám người, mỗi người 10 nghìn đồng.
Mỗi khi có xe đỗ lại là cả nhóm cửu vạn chạy ra hỏi việc. |
Vất vả nghề cửu vạn
Từ hàng chục năm nay, người dân nhiều địa phương đổ về các con phố của thành phố Hà Tĩnh để tìm việc làm. Trong những năm gần đây, số lượng người đổ về ngày càng nhiều hơn. Người nhiều, việc ít khiến thu nhập của người làm cửu vạn cũng hết sức bấp bênh.
Tại góc ngã tư đường Nguyễn Du và đường Trần Phú, trời nắng cũng như lúc mưa rét, khi nào cũng có khoảng vài chục người ngồi chờ việc với đủ mọi lứa tuổi, người già nhất cũng đã 70, 75 tuổi, người ít cũng mười mấy tuổi. Họ đến từ nhiều xã vùng ven thành phố, nhưng nhiều nhất vẫn là từ xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.
Trong những ngày mưa rét, những người phụ nữ mặc áo mưa, ngồi tụm lại với nhau thành nhiều nhóm dưới các tán cây, dưới các mái nhà phố, cửa hàng trên vỉa hè. Lâu lâu, lại có người run lên cầm cập, hàm răng va đập vào nhau, dùng tay bó gối lại cho chặt mỗi khi có luồng gió mạnh rít qua.
Bà Nguyễn Thị Hà (phía trái, 65 tuổi, thôn Vĩnh Phong, Hộ Độ) chia nhau cốc nước với bạn nghề. |
Đang ngồi co ro, bỗng một chiếc ô tô đỗ xịch. Cả nhóm bật dậy chạy nhanh lại xúm vào cửa xe. “Việc chi đó anh?” “Tôi có ít cát cần vài người bốc lên xe”, chủ xe nói. Sau khi thương lượng giá, cả bảy tám người vội vàng lấy xe đuổi theo chiếc ô tô.
Ông Trần Trung Quân (thôn Vĩnh Phúc, xã Hộ Độ) làm xe ngựa thồ nhìn cả nhóm phụ nữ đuổi theo xe ô tô cho biết, sau khi xong việc này mỗi người được khoảng 15 – 20 nghìn. Ở đây có nhiều tổ, khi có việc, bất kể việc gì lớn hay bé thì mọi người cùng chung nhau làm.
Ví dụ việc đó người ta trả 100 nghìn, thì hai người làm cũng từng đó tiền, mà năm hay nhiều người hơn cũng từng đó. Có những việc khi chia nhau chỉ còn 7 – 8 nghìn/người. Trừ khi ai có điện thoại riêng gọi việc, người đó gọi thêm một hai người nữa thì những người này đi riêng, còn không thì cứ đi chung cả đoàn.
Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, thôn Đồng Xuân, Hộ Độ) có 30 năm làm nghề cửu vạn. Gia đình bà có 3 con, nay đã học xong và đi làm. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không cho con học được cao nên giờ mấy đứa cũng đi làm thuê rất vất vả, không có tiền về phụ bố mẹ.
Từ 4h sáng, bà đã phải dậy nấu cơm bỏ trong cặp lồng đem theo để ăn trưa, chủ yếu là cơm trắng kèm mấy con cá kho, trứng kho hoặc chiên, bữa nào đỡ hơn thì có miếng thịt cùng ít rau xào. Bất kể nắng hay mưa rét, khoảng 6h sáng là bà cùng mọi người đã đạp xe đến góc đường, bắt đầu chờ việc.
Đến trưa, mỗi người một cặp lồng ngồi ăn. Trời tạnh còn đỡ, trời mưa phải ngồi luôn dưới tán cây trên vỉa hè, mưa nhỏ tí tách mà ăn. Nhiều hôm tủi thân bà vừa ăn vừa nuốt nước mắt vào trong, nuốt không trôi miếng cơm đã lạnh ngắt. Dù họ cũng muốn ngồi dưới mái nhà nào đó cho ấm nhưng thường xuyên bị chủ nhà tìm đủ mọi cách để đuổi, có nhà còn quét rác, hắt cả nước từ trên lầu xuống vì không muốn cửu vạn ngồi trước cửa nhà, cửa quán của mình.
Bà Hồng và mọi người làm bất kể việc gì. Từ rửa bát, quét nhà, dọn vườn, giặt đồ, làm cỏ, xúc cát và vật liệu xây dựng… Có khi việc thì nhỏ, người thuê chỉ cần một, hai người nhưng cả chục người vào nên bị họ “lùa” ra, thậm chí đông quá họ không thuê nữa.
Sau khi xong việc, gần chục người nhưng được trả 100 nghìn đồng. Có người không sòng phẳng còn tìm cách quỵt tiền, nên đôi khi chủ nhà và cửu vạn đánh nhau chảy máu. Ngày may mắn thu nhập được khoảng 150 – 200 nghìn, nhưng có ngày chỉ được 30 nghìn. Cũng có ngày ngồi mòn mỏi không có ai kêu đành ra về tay trắng.
Chị Phan Thị Ngọc Anh (45 tuổi, thôn Vĩnh Phúc, xã Hộ Độ) mặc áo mưa tiện lợi, đầu đội mũ bảo hiểm, chân đi ủng, tay trần đan lại với nhau ngồi bó gối cho ấm. Mặt, môi chị tái lại vì rét. Vốn là người nơi khác về làm dâu Hộ Độ, ngày lấy chồng chị không nghĩ cuộc đời mình lại trở thành người làm nghề cửu vạn.
Chị có 4 đứa con, một đứa học xong lớp 12 đã đi làm thuê, còn 3 đứa đang đi học. Chồng chị lâu lâu mới đi làm được vì phải ở nhà chăm mẹ đang chạy thận ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Vì ít đi làm, anh sinh ra nghiện rượu, cáu gắt. Tất cả mọi vất vả đều một lưng chị gánh.
Làm cửu vạn, mỗi tháng chị được vài ba triệu đồng, may mắn thì được nhiều hơn. Trong khi tiền làm ra chi vào bao nhiêu khoản từ ăn uống, thăm người đau ốm, ma chay, cưới hỏi, con cái học hành… vì thế mà mỗi lần đi chợ, chị không dám mua thịt vì phải mất 20 đến 30 nghìn mới mua được, mà chọn mua cá cho rẻ hơn, được nhiều con, có thể dành ăn được nhiều ngày.
Hôm trời nắng, những người phụ nữ lấy xe máy, xe đạp xếp nối đuôi nhau chắn vòng ngoài để người đi đường không nhìn thấy khỏi ngại, sau đó họ trải chiếu, bao bì, ni lông mang theo từ trước xuống góc vỉa hè ngã tư đường để ngủ trưa.
Nhưng mùa mưa thì phải ngồi dưới mưa, hoặc làm lì ngồi dưới mái hiên các ngôi nhà trên phố. Ăn cơm, uống nước mang sẵn trong làn, có hôm hai người còn chia nhau gói mỳ tôm. Thế nên những người cửu vạn ở đây nhiều lúc tự cười và nói với nhau, đời mình gắn liền với “một bát cơm, một cái chiếu rách, một cái làn rách…”.
Có những ngày các chị ngồi mòn mỏi cũng không có ai kêu việc đành ra về tay trắng. |
Từ diêm dân thành cửu vạn
Xã Hộ Độ cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 10km, vốn là địa phương có truyền thống làm nghề muối nhiều nhất Hà Tĩnh, nhưng nay người dân buộc phải bỏ nghề muối đi nơi khác làm ăn.
Ông Phan Đình Hinh – Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết, toàn xã có 3.300 người trong độ tuổi lao động thì có đến khoảng 2.300 người đi tìm việc ở ngoài địa phương. Trước đây địa phương có khoảng 100ha diện tích đất làm muối, thì nay chỉ còn 10ha.
Lý do là vì cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp ít được quan tâm đầu tư, sự biến động của thị trường khiến giá muối xuống quá thấp, thu nhập đem về không bù được chi phí. Đất Hộ Độ vốn nước mặn phèn chua, chỉ thích hợp làm muối, bây giờ không làm được nữa thì một phần diện tích được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, còn lại bị người dân bỏ hoang. Vì vậy, phần lớn lao động “dạt” lên thành phố hoặc các địa phương khác để kiếm việc.
Theo ông Hinh, xã đã nhiều lần mời Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh về tuyên truyền, vận động người dân để đưa con em Hộ Độ đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên số người đi rất ít so với các xã khác. Lý do là vì người dân đã quen đi làm thuê, ngày được nhiều tiền bù lại ngày được ít, không chỉ bố mẹ lớn tuổi mà tầng lớp lao động thanh niên cũng vậy. Muốn họ chuyển đổi sang nghề khác, cũng khó.
Bà Nguyễn Thị Hà (65 tuổi, thôn Vĩnh Phong, Hộ Độ) ngày xưa vừa làm muối vừa làm thuê trên phố, nay muối không làm nữa thì thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào làm thuê. Nhà không có vườn, không ruộng, muối không còn làm, nên nghỉ bữa nào là “đói” bữa đó. Thành ra những người phụ nữ Hộ Độ này ghen tỵ với chính cả người nông dân.
Theo họ, dù người làm nông cũng khó khăn, nhưng gạo lúc nào cũng sẵn trong nhà, rau đầy ngoài vườn, lợn gà tự nuôi không phải đi mua, cứ tối có thể nghỉ ngơi đánh bóng chuyền giải trí. Còn họ, tất cả đều phải mua. Nên đôi khi họ ước chỉ cần được như… người nông dân.
Riêng bà Hà đã có 40 năm làm cửu vạn, từ khi thành phố Hà Tĩnh còn là thị xã nghèo, nhà cửa, xe cộ ít. Nhưng ngày ấy còn ít người làm nghề này nên còn nhiều việc. Còn nay, người làm đã nhiều, máy móc lại phát triển nên thay thế sức lao động, giá cả tăng cao khiến cửu vạn thêm vất vả.
Hà Tĩnh đang vào đợt lạnh nhất trong năm. Sau một ngày mòn mỏi ngồi chờ việc giữa trời mưa giá rét nhưng không được ai thuê, gần chục người phụ nữ quê ở xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) làm nghề cửu vạn ở các con đường của thành phố Hà Tĩnh mỏi mệt lấy xe đạp để ra về thì có người kêu.
Một cái bồn tắm chỉ cần khoảng 4 người khiêng lên xe, nhưng cả tám người tranh nhau xúm lại làm vì ai cũng muốn góp phần để kiếm thêm chút. Cuối cùng, người thuê đành trả công cho cả tám người, mỗi người 10 nghìn.
Dù ít, nhưng ai cũng thấy vui vẻ hơn vì ít nhất còn có tiền mua mớ rau cho bữa tối. “Ngày nào có tiền đưa về thì thấy còn có sức đạp xe lên cầu Hộ Độ để về nhà, còn ngày nào trắng tay thì người hầu như không còn sức để về” – bà Hà ngậm ngùi.
Theo infonet.vn