Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc nhóm bạn trẻ chia nhau ra đi vá “ổ gà”, “ổ voi”. Con đường gồ ghề, nham nhở vết tróc lở được sửa chữa lại như khoác chiếc áo mới.
Đó là việc làm thầm lặng nhưng thiết thực của nhóm bạn trẻ Câu lạc bộ (CLB) Chúng thanh niên phật tử Phật Quang (Nghệ An) duy trì đều đặn mỗi tháng trong gần hai năm qua, trên các tuyến đường ở thành phố Vinh.
21h đêm một ngày đầu tháng 12 rét mướt, sau cuộc họp nhanh, hơn 30 bạn trẻ mang theo cuốc, xẻng, túi đá được chia thành ba nhóm để sửa những đoạn đường có “ổ voi”, “ổ gà”. Nhiệt độ ngoài trời xuống thấp kèm theo mưa phùn khiến người đi đường có cảm giác cái rét như cứa vào da thịt, dù đã mang đủ áo ấm, giày tất, khăn tay.
Ở những đoạn đường cần sửa, hai bạn nam mặc áo phản quang được phân công cắm chốt tại hai đầu đường, dùng đèn pin để chỉ đường, hướng dẫn giao thông cho mọi người. Những bạn còn lại mỗi người có một công việc từ làm sạch “ổ gà”, tập kết vật liệu đến rải đá, đầm nền…
Dưới ánh đèn đường, không khí làm việc vui vẻ, khẩn trương của nhóm bạn trẻ như xua tan cái lạnh đầu đông. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, họ đã trám hết hàng chục “ổ gà” dọc theo tuyến phố Nguyễn Trường Tộ.
“Chúng tôi mong muốn được góp một phần sức nhỏ để lấp những ổ gà và hạn chế tai nạn giao thông”, anh Đức tâm sự.
Anh cho biết nguyên liệu chính được nhóm làm đường sử dụng là atphan nhựa nóng trộn cùng với phụ gia được mua từ Hà Nội về để tạo thành bêtông atphan nhựa nguội, rồi đóng thành từng bao rời.
Kinh phí được huy động từ những nhà hảo tâm và đóng góp của các thành viên. Sau khi khảo sát xong các tuyến đường có “ổ gà” cần được sửa chữa, CLB chia nhóm, phân công nhiệm vụ cho từng nhóm.
Do hầu hết những thành viên của CLB đều là học sinh, sinh viên, người đi làm nên việc vá đường, lấp “ổ gà” chủ yếu được thực hiện sau 21h. Đây cũng là thời điểm mà các tuyến phố có ít người qua lại, nên việc sửa đường cũng thuận lợi hơn.
Thời gian đầu, khi nhìn thấy các bạn trẻ lui cui vác đồ nghề ra vá đường, nhiều người dân tỏ ra rất ngạc nhiên vì họ nghĩ đây là việc của cơ quan chức năng. “Thậm chí có người đi dừng xe nhìn chúng tôi rồi hỏi “Hết việc làm à?” hay “Làm việc tào lao”. Nhưng chúng tôi thấy đây là việc thiết thực nên làm tiếp để có đoạn đường lành lặn hơn”, anh Đức chia sẻ.
Hảo Khai – thành viên CLB – cho biết: “Từ khi tham gia hoạt động thiện nguyện vá đường, tôi thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Việc làm này cũng nhỏ bé như bao người khác đang gom phế liệu làm quỹ tặng áo ấm cho trẻ em vùng cao, hay nấu cháo cho bệnh nhân nghèo. Nhìn thấy người dân đi lại dễ dàng, thoải mái, có thể tránh tai nạn vì ổ gà là chúng tôi vui rồi”.
Thấy các bạn trẻ hăng hái sửa đường, nhiều bà con sống gần tuyến đường hư hỏng còn mang nước, sữa, bánh kẹo ra “tiếp sức” và làm cùng làm họ. “Hiện nay một số thanh niên hay sa vào các tệ nạn xã hội, game online, ít có ai chịu ra đường, sửa đường như các bạn trẻ này, nên tôi rất ủng hộ”, bà Phạm Thị Liên, 56 tuổi, người dân TP Vinh, đánh giá.