Hội nghị của khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 29 và 30-6 tới gây “xáo động” khi lần đầu tiên có mặt một số lãnh đạo các nước không phải thành viên NATO đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio cũng sẽ là lần đầu tiên đối với một nguyên thủ Nhật Bản. Đây có thể coi là sự chuyển biến đáng kể đối với một quốc gia từng giữ vai trò không đáng kể trong các vấn đề an ninh khu vực kể từ sau Thế chiến thứ 2 so với tiềm lực kinh tế của mình.
Chiến lược an ninh mới của Nhật
Tầm quan trọng của hội nghị NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6 này nằm ở chỗ khối quân sự gồm 30 nước thành viên sẽ vạch ra các nhiệm vụ chính trị và quân sự phải thực hiện, cũng như đặt ra định hướng chiến lược trong thập niên tới và đảm bảo NATO sẽ tiếp tục thích ứng với một thế giới đang thay đổi. Cũng tại hội nghị, NATO sẽ thông qua “Khái niệm chiến lược mới” nhằm ngăn chặn những xung đột tương tự như Ukraine trong tương lai.
Việc Thủ tướng Kishida dự họp sẽ không mang ý nghĩa thông thường như một cuộc họp của các đồng minh, mà đánh dấu sự gắn bó chặt chẽ hơn của Nhật với tổ chức liên minh quân sự đa phương ở đại dương bên kia và cũng cho thấy những e ngại của quốc gia này trước các thách thức an ninh ở châu Á. Với những phát biểu gần đây của Thủ tướng Kishida, Tokyo cho thấy họ đang nhìn nhận môi trường an ninh khu vực châu Á tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn và “ngày càng khắc nghiệt”.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore tuần qua, ông Kishida cảnh báo “bản thân tôi có cảm giác cấp bách rằng Ukraine hôm nay có thể là Đông Á vào ngày mai”. Trước đó trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson vào đầu tháng 5, ông Kishida cũng đã nói ý này.
Không ám chỉ cụ thể một quốc gia hay tổ chức nào nhưng Thủ tướng Kishida cho biết nước này phải chuẩn bị cho “sự xuất hiện của một thực thể chà đạp lên hòa bình và an ninh của các quốc gia khác bằng vũ lực hoặc đe dọa mà không tôn trọng các quy tắc”. Và để ngăn chặn những tình huống như vậy, ông Kishida cho rằng Nhật Bản phải tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của mình.
Quan điểm của Thủ tướng Kishida nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản. Tuần qua, đảng này đã thông qua các cam kết cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7 với hứa hẹn tăng cường năng lực phòng thủ cũng như phản công của Nhật Bản. Sự ủng hộ tương đối cao của công chúng Nhật với thủ tướng (có tỉ lệ trung bình hơn 55% thời gian qua) cũng giúp ông Kishida tự tin thúc đẩy chính sách đối ngoại.
NATO tìm lại vị thế
Dù NATO thất bại trong việc ngăn chặn cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay, nhưng tổ chức này vẫn cho thấy tầm quan trọng của mình đối với cấu trúc an ninh toàn cầu.
Cùng với việc Thụy Điển, Phần Lan từ bỏ vị thế trung lập và nộp đơn xin gia nhập NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên dự hội nghị tại Madrid cho thấy liên minh quân sự với khái niệm phòng thủ tập thể đang chứng tỏ độ khả tín trong việc đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh và chống lại các đe dọa từ bên ngoài. Sự mở rộng của NATO sẽ không dừng lại và cuộc xung đột Ukraine sẽ chỉ được coi là một “cơn nấc cụt” tạm thời đối với thế giới phương Tây.
Dù cho quan hệ giữa NATO và Nhật Bản đi về đâu, cuối năm nay Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó dự kiến sẽ củng cố khả năng quốc phòng cũng như đảm bảo ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng đáng kể trong 5 năm tới.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong bài phát biểu của ông Kishida tại Singapore tuần qua là tăng cường nâng cao năng lực quốc phòng của Nhật song song với việc củng cố liên minh Nhật – Mỹ và tăng cường hợp tác an ninh với các nước cùng chí hướng. Đây được coi là 1 trong 5 trụ cột chính của “Tầm nhìn Kishida cho hòa bình”.
Mối quan hệ Nhật – Hàn đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol, cũng như mối quan hệ thân thiết Nhật – Mỹ dưới thời Thủ tướng Kishida. Tổng thống Biden đang đưa các nước này tiến vào chương mới trong các tổ chức đa phương do Mỹ lãnh đạo. Quốc gia đang cảm thấy sức ép nhiều nhất là Trung Quốc, và tất nhiên, ông Tập Cận Bình cũng sẽ không chịu ngồi yên sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng thủ tướng Nhật đang thổi phồng về sự mất ổn định an ninh trong khu vực bằng cách lan truyền “dư chấn của trận động đất địa chính trị châu Âu đang diễn ra tới châu Á”. Tờ báo Trung Quốc cho rằng đây là cách Tokyo viện cớ tăng thêm ngân sách quốc phòng và gửi quân ra nước ngoài.
Những khúc mắc về lịch sử giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong Thế chiến 2 luôn khiến Trung Quốc không thoải mái khi Nhật Bản gia tăng năng lực quốc phòng. Ngoài ra, một Nhật Bản quá mạnh về quân sự sẽ thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á hiện nay.
nguồn: tuoitre.vn