Có lẽ phương pháp đánh vần tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) sẽ không gây bão dư luận như những ngày vừa qua nếu như đa số mọi người hiểu rõ, không có những ngộ nhận đáng tiếc về phương pháp này.
Gần đây, sau khi một clip về cách dạy và học tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục (CNGD) được đưa lên mạng, đã xuất hiện một làn sóng tranh luận sôi nổi chưa từng thấy. Phụ huynh thì nặng lời phản bác, vài tên tuổi quen thuộc trong làng giải trí cũng nhanh nhảu chế các clip giễu cợt mua vui, vài cá nhân đã cực đoan chỉ trích cách học vần CNGD là “vô ích”, “gây xáo trộn xã hội”, “hủy hoại tiếng Việt”…
Nhiều phụ huynh là những cựu học sinh tiểu học cách đây chừng vài mươi năm lên tiếng vì cảm thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ với một phương pháp dạy học mới quá khác biệt so với những gì mà họ đã được học trước đây; thậm chí nhiều giáo viên Ngữ văn các cấp cũng lên tiếng phản đối.
Có lẽ phương pháp đánh vần tiếng Việt theo chương trình CNGD sẽ không gây bão dư luận như những ngày vừa qua nếu như đa số mọi người hiểu rõ, không có những ngộ nhận đáng tiếc về phương pháp này.
Học sinh sử dụng bộ đồ dùng học tập môn Tiếng Việt CNGD tại Trường tiểu học Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, Hà Nam). (Ảnh: Đ. Cường)
Ngộ nhận giữa âm với chữ
Ngộ nhận đầu tiên là nhầm lẫn giữa âm và chữ. Hiện nay, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa phân biệt cách phát âm với tên chữ, còn đánh đồng hai khái niệm âm và chữ, mặc dù đó là kiến thức sơ đẳng nằm ngay trong sách học vần lớp 1 hiện hành đã mấy chục năm nay.
Nhiều người lo âu vì nghĩ rằng các chữ cái B, C, D từ nay sẽ được đọc thành bờ, cờ, dờ, và theo đó, VTV sẽ đọc thành vờ tờ vờ; vitamin C thành vitamin cờ; các khối thi B, C thành khối bờ, cờ; tam giác CKQ thành tam giác cờ cờ cờ, v.v.
Thực ra, theo kiến thức Việt ngữ học cơ bản xưa nay, trừ các chữ cái ghi nguyên âm như A, Ă, Â, I, E, Ê… có tên chữ và âm đọc trùng nhau, các chữ cái ghi phụ âm như B, C, D, Đ… đều có âm đọc khác hẳn tên chữ rõ rệt.
Ví dụ ba chữ C, K, Q có âm của nó phát ra khi đánh vần, ghép thành tiếng cùng là “cờ”, nhưng tên chữ hoàn toàn khác nhau của chúng lần lượt là xê, ca, cu; và chắc chắn nhiều năm về sau nữa trong ngành giáo dục của ta, trên đất nước ta, điều này cũng sẽ mãi mãi không hề thay đổi như nhiều phụ huynh đang hoang mang, lo lắng.
Về phương pháp đánh vần, trong năm bảy chục năm nay, ngành Giáo dục hai miền Nam Bắc nước ta đã có nhiều cách đánh vần khác nhau khi học vần tiếng Việt, nhưng rốt cuộc thì các thế hệ người Việt vẫn đọc tên nước ta là “Việt Nam”, chữ nước ta là “chữ Quốc ngữ” chứ chẳng có chút gì thay đổi. Như vậy, việc áp dụng một phương pháp dạy học vần mới như chương trình CNGD chẳng thể gây ảnh hưởng gì đến tiếng Việt “quốc hồn quốc túy” như nhiều người hốt hoảng, lo âu.
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Đ.T).
Ngộ nhận giữa kí hiệu với tiếng
Cũng xuất phát từ một clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn học sinh đọc hai câu thơ của Bảo Định Giang “Tháp Mười đẹp nhất…”, trong đó mỗi chữ được biểu hiện bằng một ô vuông theo sách học vần lớp 1 CNGD, những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện vô số video clip chế nhạc, phim, bình luận bóng đá, mà những ca từ, lời nói, đoạn đối thoại chỉ gồm các tiếng/ từ “tròn, vuông, tam giác”, thu hút rất nhiều lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ, trở thành trào lưu được nhiều người trẻ hào hứng hưởng ứng.
Từ đó, hình thành một cơn “bão” mạng phản ứng bởi những người cả tin, suy diễn một cách võ đoán rằng “từ nay học sinh sẽ đọc/ viết bằng các hình tròn, hình vuông, hình tam giác thay thế cho chữ Quốc ngữ” (!?).
Thực ra, đây chỉ như một trò chơi để các em tiếp xúc các kí hiệu đơn giản, không biết chữ cũng hình dung được. Những hình vuông, tròn, tam giác đó chỉ là những mô hình/ kí hiệu trong bài dạy đếm số tiếng trong câu, nhằm giúp trẻ tách lời thành từng tiếng, phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa các tiếng, chứ chưa đến giai đoạn dạy trẻ học chữ, đánh vần. Xong giai đoạn này, trẻ mới bước vào phần học chữ, đọc và viết chữ cái, học đánh vần, và lúc này thì những kí hiệu vuông tròn, tam giác ấy không còn được sử dụng như trước nữa.
Mục đích của phương pháp này chỉ nhằm giúp trẻ nhận biết rằng mỗi tiếng tương ứng với một kí hiệu tròn, vuông hoặc tam giác. Sau bài học về âm này, học sinh sẽ được học chữ như phương pháp học vần lâu nay. Và chắc chắn khi kết thúc chương trình lớp 1, trẻ sẽ đọc và viết từ, câu như tất cả học sinh và phụ huynh nhiều thế hệ chứ không có gì khác biệt.
Nói tóm lại, phần đọc/viết hình “vuông, tròn, tam giác” chỉ là bài học nhận diện tiếng của học sinh lớp 1 chưa biết đọc chữ theo phương pháp học vần CNGD, chứ không phải tiết học chữ viết như nhiều người đã lầm tưởng.
Ngộ nhận về tác giả công trình
Một lí do nữa khiến các phụ huynh gay gắt phản đối là vì có ý kiến cho rằng chủ trương học vần CNGD là phương án của PGS. Bùi Hiền – người đã từng đề xuất bộ chữ cái cải tiến, đến nay vẫn chưa được Chính phủ chấp nhận. Đây rõ ràng là một sự ngộ nhận nghiêm trọng.
Phương pháp học Tiếng Việt GDCN của GS. Hồ Ngọc Đại ra đời cách đây khoảng 40 năm, trước thời điểm bộ chữ cái cải tiến của PGS. Bùi Hiền xuất hiện (2017) rất lâu. Thêm nữa, sáng kiến của PGS. Bùi Hiền là cải cách chữ viết tiếng Việt, còn công trình dạy học vần GDCN của GS. Hồ Ngọc Đại chỉ sử dụng phương pháp dạy và học mới, chứ không đá động gì đến lĩnh vực thay đổi hay cải tiến chữ viết như công trình của PGS. Bùi Hiền. Tóm lại, đó là hai sự việc hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì nhau.
Nhiều người không tìm hiểu kĩ, dẫn đến phát ngôn không đúng, thậm chí mỉa mai, xỉ vả, đánh đồng công trình của GS. Hồ Ngọc Đại hiện nay với đề xuất cải tiến của PGS. Bùi Hiền đã qua là bất hợp lí, võ đoán và nóng vội, chưa hiểu đúng về bản chất của hai công trình.
Đành rằng phát biểu trên mạng xã hội, mỗi người mỗi ý, mỗi quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, hiện có nhiều người chưa tìm hiểu kĩ về sự việc, đã tự suy diễn, quy chụp, chỉ trích, càng gây thêm những thắc mắc cho dư luận, làm người đọc ngày càng thêm mơ hồ, dễ bị lôi cuốn vào vòng xoáy tranh cãi vô bổ.
Bản thân người viết bài này không bênh vực hay phản đối phương pháp dạy tiếng Việt của GS. Hồ Ngọc Đại, và quan niệm rằng: Khi tiếp xúc với một sáng kiến mới nào, chúng ta cần phải tìm hiểu cặn kẽ trước khi đưa ra các nhận định cá nhân, chúng ta cần hiểu rõ ngọn ngành của lĩnh vực mà sáng kiến đó đã đề cập, để tránh những ngộ nhận đáng tiếc, chỉ đẩy sự việc ngày càng đi xa và chệch hướng mà thôi.
Theo Dân Trí