Những nghịch lý giáo dục trong nền kinh tế thị trường

09:18 01/11/2023  Giáo Dục

Nếu dư luận xã hội chỉ tập trung vào những yếu kém mà không thấy những cố gắng của ngành giáo dục thì nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng xa nhau, tạo ra hiệu ứng tâm lý thiếu tin cậy lẫn nhau.

Nghịch lý của nghề cao quý trong cơ chế thị trường

Giáo dục là một bộ phận hữu cơ của xã hội và chịu tác động của toàn bộ hệ thống xã hội bao gồm thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế, tâm lý xã hội, các ứng xử văn hoá xã hội và hệ thống thước đo giá trị của xã hội.

Do vậy, trong nền kinh tế thị trường dù là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục cũng chịu những tác động không nhỏ của nền kinh tế thị trường.

Những tác động của kinh tế thị trường tới giáo dục được thể hiện ở sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các cơ sở giáo dục; sự ra đời các cơ sở giáo dục tư nhân của các doanh nghiệp được vận hành theo mô hình doanh nghiệp; phụ huynh và học sinh có nhiều sự lựa chọn, có tiếng nói và sự giám sát đối với các hoạt động giáo dục.

Ở nước ta, tác động của kinh tế thị trường trước hết thể hiện ở sự cuộc đua không cân sức giữa các cơ sở giáo dục, giữa trường công lập với trường ngoài công lập, giữa trường của người Việt Nam quản lý với trường 100% vốn nước ngoài là rất lớn và ngày càng tăng.

Trong cuộc cạnh tranh đó các trường công lập đang rơi vào thế yếu do không được tự nâng học phí dẫn đến nguồn lực để cải thiện điều kiện dạy và học đều dựa vào nguồn vốn ngân sách ít ỏi của nhà nước. Hệ quả là các trường công lập tỏ ra thiếu hấp dẫn trong sự lựa chọn của phụ huynh và người học.

Giáo viên các trường công lập vừa có mức lương thấp hơn đồng nghiệp các trường ngoài công lập  vừa phải đáp ứng những yêu cầu thiếu thực tế về chuyên môn nhưng nặng về hành chính nên nhiều người giỏi đã bỏ trường công lập sang trường ngoài công lập.

Nữ sinh ngày khai giảng.jpgCái tâm bất biến đó là xây dựng một nền giáo dục nước nhà có tầm nhìn rõ hơn về quan hệ tương tác giữa toàn cầu, hội nhập quốc tế và dân tộc. 

 Có ai đặt câu hỏi về đóng góp của ngành giáo dục?

Trong nền kinh tế thị trường, tiếng nói của phụ huynh và của toàn xã hội cũng có sức mạnh hơn do vậy giáo dục cũng chịu sự giám sát của xã hội lớn hơn. Với sự phát triển của mạng xã hội, mỗi người dân đều có thể là một chuyên gia giáo dục tự phong.

Một điều dễ nhận thấy trong những năm gần đây là nhiều ý kiến của xã hội qua truyền thông và mạng xã hội về giáo dục đều nặng về phê phán mà ít có những ý kiến đánh giá đúng những nỗ lực của ngành giáo dục và của các thầy, cô giáo hay những ý kiến đóng góp với tinh thần xây dựng cho ngành giáo dục.

Có ai từng đặt ra câu hỏi ở các diễn đàn chính thức rằng liệu chúng ta có thể đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, thể thao, nghệ thuật, ngoại giao trong mấy thấp kỷ vừa qua nếu như không có một phần đóng góp rất lớn của ngành giáo dục?

Nói đến giáo dục là nói đến ba hình thức giáo dục gắn kết hữu cơ với nhau gồm: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục trong cộng đồng. Mặc dù giáo dục nhà trường có vai trò quan trọng bậc nhất, giữ vai trò chủ đạo nhưng sự phát triển của giáo dục không thể thay thế và không thể thiếu sự song hành của giáo dục gia đình và giáo dục của cộng đồng.

Vì lẽ đó giáo dục chỉ có thể phát triển trong sự hợp tác tích cực của gia đình và xã hội. Nếu chỉ tập trung phê phán những hiện tượng trong giáo dục mà cá nhân hay xã hội chưa hài lòng (cái số ít, cục bộ) mà quên đi những đóng góp có ý nghĩa của ngành giáo dục, những hy sinh của số đông đội ngũ nhà giáo, chúng ta sẽ làm mất đi tiếng nói chung và sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường, giữa người học với người dạy, giữa xã hội với ngành giáo dục. Điều này cũng dẫn đến một tâm lý xã hội coi nền giáo dục của nước ta là yếu kém về mọi mặt so với các nước khác.

Giao thoa giữa truyền thống và đổi mới

Trong số những ý kiến trên mạng xã hội khuyến nghị cần áp dụng các mô hình giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng có ai nghĩ rằng liệu một triết lý giáo dục, một mô hình giáo dục hay một chương trình giáo dục của một quốc gia nào đó có phù hợp với Việt Nam hay không.

Thách thức lớn nhất mà bất cứ nền giáo dục nào cũng phải đối mặt là làm sao giải quyết thoả đáng mối quan hệ biện chứng giữa tính liên tục (truyền thống) và tính đứt đoạn (đổi mới).

Chúng ta không thiếu các bằng chứng về việc ‘sao chép lỗi’ trong giáo dục mà nguyên nhân chính của lỗi đó là do chúng ta chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết tối thiểu cho những ý tưởng canh tân giáo dục nhưng lại phải chạy theo trào lưu thị trường hoá giáo dục của thế giới. Việc triển khai chương trình tích hợp là một ví dụ.

Không thể phủ nhận những yếu kém, những bất cập trong ngành giáo dục hiện nay của Việt Nam đã được dư luận xã hội chỉ ra. Một số chủ trương đổi mới trong giáo dục được đưa ra thiếu cả cơ sở khoa học lẫn cơ sở thực tế, thiếu gắn kết với các giá trị văn hoá dân tộc.

Mục tiêu giáo dục chưa hướng vào việc đào tạo con người có tư duy và kỹ năng giúp họ nhận thức thế giới để nhận thức lại bản thân để từ đó tự thay đổi nhận thức về thế giới. Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học chưa đóng góp được nhiều cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Trong đội ngũ những người có học hàm, học vị cao cũng có nhiều người ‘ngoài là ngọc, trong là đá’, danh và thực không tương xứng. Tuy nhiên, những gì ngành giáo dục làm được trong điều kiện đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, yêu nghề, yêu trường, yêu trò mặc dù đồng lương còn hạn hẹp và điều kiện làm việc cũng như cơ hội phát triển chuyên môn còn rất nhiều hạn chế, sự năng động vượt khó của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục là không thể phủ nhận được.

“Đường xa gánh nặng xế chiều”

Những đóng góp âm thầm của đội ngũ các nhà giáo dục có năng lực chuyên môn tương xứng với học hàm, học vị là rất lớn. Số lượng các nhà giáo dành trọn cuộc đời, nhân cách, kiến thức cho sự nghiệp giáo dục, hoá thân vào trí tuệ của các thế hệ học sinh không phải là nhỏ. Nếu không có những đóng góp đó liệu nền giáo dục Việt Nam có được như hôm nay?

Những vấn đề của giáo dục là hệ quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố kinh tế và văn hoá – xã hội có ảnh hưởng lớn và không thể giải quyết chỉ bằng sự nỗ lực của ngành giáo dục mặc dù ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục Việt Nam hiện nay giống như cách miêu tả của nhà thơ Tản Đà: “Đường xa gánh nặng xế chiều, Cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan.”

Giáo dục rất cần những tiếng nói phản biện của toàn xã hội nhưng giáo dục cũng rất cần sự đồng hành của toàn xã hội thể hiện ở sự phản biện mang tính xây dựng.

Nếu dư luận xã hội chỉ tập trung vào những yếu kém mà không thấy những cố gắng của ngành giáo dục thì nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng xa nhau, tạo ra hiệu ứng tâm lý thiếu tin cậy lẫn nhau. Hậu quả sẽ là ngành giáo dục trở nên đơn độc trong con đường dài vượt lên chính mình để ngày càng hoàn thiện hơn.

nữ sinh khai giảng.jpgHầu hết nữ sinh ở TP.HCM đều diện áo dài dự lễ khai giảng.

Lấy vấn đề sách giáo khoa làm ví dụ. Nếu một cuốn sách giáo khoa nào đó có một vài lỗi nhỏ về câu chữ hay một nội dung nào đó trong sách chưa thật phù hợp thì dư luận tập trung phê phán gay gắt mà ít ai có nhận xét hay đánh giá một cách công tâm và khoa học tổng thể của cuốn sách đó.

Tôi chưa từng thấy một quyển sách giáo khoa nào trên thế giới làm hài lòng tất cả người dùng vì không phải ai cùng đồng quan điểm về từng nội dung cụ thể trong sách giáo khoa hay phương pháp giáo dục của tác giả.

Mặc dù sách giáo khoa có vai trò quan trọng nhưng sách giáo khoa cũng chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu. Một cuốn sách giáo khoa dù còn những ‘hạt sạt’ nào đó mà người dùng biết cách điều chỉnh cho phù hợp với người học thì kết quả còn hay hơn một cuốn sách giáo khoa tốt, không có ‘sạn’ (điều này hiếm có) mà không được khai thác phù hợp.

Chủ trương có một chương trình thống nhất và nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường và giáo viên lựa chọn là một chủ trương hoàn toàn phù hợp với trào lưu toàn cầu. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện chủ trương này ở các cơ sở giáo dục chưa đúng như ý định, còn những vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Xây dựng chương trình giáo dục, viết sách giáo khoa, đánh giá chương trình giáo dục hay sách giáo khoa là một công việc đòi hỏi có kiến thức chuyên môn sâu về tâm lý học và giáo dục học nhưng phải thừa nhận chúng ta còn thiếu những kiến thức đó. Việc dựa vào quan điểm chủ quan và kinh nghiệm của cá nhân thì những sai sót là khó tránh được. Tuy nhiên, đây cũng không phải là những vấn đề của riêng Việt Nam.

Hướng mắt lên các vì sao trên đôi chân bám chặt vào đất

Một nền giáo dục lành mạnh chỉ có thể có trong một môi trường văn hoá – xã hội lành mạnh. Con thuyền giáo dục không thể không tròng trành trong vòng xoáy của kinh tế thị trường. Để giữ con thuyền giáo dục thăng bằng, rất cần sự sự song hành, sự đồng tâm, sự thấu cảm của toàn xã hội để ngành giáo dục, các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục giữ được cái ‘tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến’.

Cái tâm bất biến đó là xây dựng một nền giáo dục nước nhà có tầm nhìn rõ hơn về quan hệ tương tác giữa toàn cầu, hội nhập quốc tế và dân tộc.

Một nền giáo dục vừa phát triển trí tuệ vừa phát triển cảm xúc cho người học để người học có khả năng tự thay đổi hành vi của mình. Một nền giáo dục giúp thế hệ tương lai của đất nước mở rộng tầm nhìn để thấy được một thế giới đa chiều, luôn biến động, một câu hỏi có nhiều cách trả lời, một hiện tượng tự nhiên hay xã hội có nhiều cách lý giải tuỳ từng giác độ nhưng phải có bản lĩnh vừa biết bảo vệ quan điểm cá nhân vừa biết tôn trọng ý kiến của người khác.

Một thế hệ vừa biết hướng mắt lên tất cả các vì sao trên trời vừa biết bám chặt đôi chân vào mảnh đất nơi mình đang đứng, vừa biết tranh luận vừa biết im lặng lắng nghe khi cần thiết, vừa biết làm thế nào để không đánh mất chính mình vừa biết đổi mới chính mình.

Những phẩm chất đó được hình thành từ trong gia đình, trong các quan hệ xã hội, và giáo dục có vai trò uốn nắn, và tạo điều kiện cho những phẩm chất đó phát triển.

Như vậy một mặt giáo dục không thể bảo thủ, trì trệ nhưng cũng không thể vọng ngoại, đoạn tuyệt với những giá trị của dân tộc. Mặt khác giáo dục không thể làm tròn sứ mệnh của mình nếu không có sự hợp tác của gia đình và xã hội.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Thầy giáotrường công lập

Các tin liên quan đến bài viết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP 24H BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Khắc Hoàn
Hoạt động theo giấy phép: Số 05/GP-TTĐT ngày 04/11/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước
Địa chỉ Ban biên tập: Khu phố 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0916.921.160 Email: 24hbinhphuoc@gmail.com

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
CỬA HÀNG DỊCH VỤ - TRẦN QUÂN
Địa chỉ: Kp 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Liên hệ quảng cáo: 0986.594.211 - 0916.921.160