“Tai họa bất ngờ ập đến khiến chồng con bà H qua đời, toàn bộ tài sản của gia đình bà đội nón ra đi. Vì thế bà H trở thành người cô đơn ở tuổi xế chiều”, BS Lê Thị Kim Thanh (SN 1971) kể.

Nữ đại gia Hà Nội và những ngày cuối đời

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (Từ Liêm, Hà Nội), đối tượng người già thuộc diện nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa được chia thành hai nhóm.

Đó là nhóm đối tượng không lập gia đình (không có chồng và không con). Bản thân nhóm người này xác định tư tưởng ngay từ đầu nên họ thích nghi và hòa nhập với cuộc sống ở trung tâm rất sớm.

Với nhóm đối tượng vào trung tâm vì những biến cố lúc cuối đời thì cuộc sống của họ khá khác biệt. Có người sống chan hòa nhưng cũng có những người sống khép kín để gặm nhấm nỗi đau của đời mình.

Đại gia,Người cao tuổi,Hoàn cảnh khó khăn,Trung tâm Bảo trợ xã hội
BS Lê Thị Kim Thanh (SN 1971), Trưởng phòng y tế của trung tâm đang thăm khám cho các cụ già.

“Tôi nhớ nhất là trường hợp của bà H. Trước khi đến đây, bà cũng có chồng và một cậu con trai. Chồng của bà là người đàn ông giỏi giang, giàu có. Con trai bà cũng từng là học sinh giỏi, được đi học ở nước ngoài.

Nhưng rồi tai họa bất ngờ ập đến. Chồng và con bà H mất, toàn bộ tài sản cũng đội nón ra đi. Vì thế bà H trở thành người cô đơn ở tuổi xế chiều”, BS Lê Thị Kim Thanh (SN 1971), Trưởng phòng y tế của trung tâm chia sẻ.

Theo lời nữ bác sĩ, khi đến trung tâm, đôi mắt người đàn bà này luôn đượm buồn.

“Bà luôn nhìn vào một khoảng không vô định nào đó. Đến khi được cán bộ trung tâm đưa đến trước cửa phòng – nơi ở tương lai của bà, bà đẩy chiếc vali xuống đất rồi bật khóc. Nhiều người phải xúm vào động viên”, BS Kim Thanh nhớ lại.

Trưởng phòng y tế của trung tâm chia sẻ, ở đây, mỗi người có một nỗi khổ khác nhau. Có những người, vốn là đại gia Hà Nội, tuổi trẻ họ có tới 4 căn biệt thự. Một lời họ nói ra là cả trăm người phải nể phục. Nhưng cuối đời, tiền bạc hết, danh vọng địa vị và những người ruột thịt cũng không còn, họ lại sống trong cảnh cô đơn, buồn tủi. Khi họ chết, cũng chỉ có cán bộ trung tâm ở bên cạnh.

Người đàn bà xin chết để giải thoát cơn đau

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, khi chia sẻ về công việc của mình, các cán bộ nhân viên đều cho rằng đó là một công việc vất vả và đầy thử thách. Bác sĩ Trần Thị Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3) khẳng định nếu không có tấm lòng nhân hậu và một trái tim đầy cảm thông, chia sẻ thì rất khó gắn bó với nghề.

“Các cụ già có nhiều bệnh tật thường trái tính trái nết. Cán bộ trung tâm đưa đi tắm, các cụ không cho tắm. Có cụ còn bảo, tôi mới tắm cách đây ít ngày, làm gì phải tắm nhiều.

Có cụ thì nhất định không cho cắt tóc, không cho cắt móng chân móng tay… Vì vậy cái gì cũng phải giải thích với các cụ một cách nhẹ nhàng. Nhiều cụ hiểu thì chấp hành nhưng cũng có cụ không chấp nhận nên phản ứng gay gắt như mắng chửi, thậm chí cầm cả gậy đòi đánh nhân viên”, BS Hải nói.

Vẫn theo lời nữ bác sĩ, trước những phản ứng của các cụ, nhiều nhân viên của trung tâm rất ấm ức. Tuy vậy khi được lãnh đạo của trung tâm phân tích và khi đã quen với nghề, họ lại gắn bó và tâm huyết với công việc hơn bao giờ hết.

Đại gia,Người cao tuổi,Hoàn cảnh khó khăn,Trung tâm Bảo trợ xã hội
Bác sĩ Trần Thị Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3) thăm các cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa tại trung tâm. Ảnh: Hạnh Thúy

“Tôi từng nói với các bạn trẻ rằng, hãy coi các cụ là ông bà, bố mẹ của mình hoặc nghĩ đến chuyện sau này già mình cũng trái tính trái nết như vậy. Lúc đó, các bạn sẽ hoàn thành công việc tốt hơn. Nếu các bạn chỉ xác định đây là công việc mình phải làm thì sẽ rất khó để gắn bó…”, BS Hải trải lòng.

Cùng chung tâm lý như Giám đốc trung tâm đã phân tích, BS Kim Thanh cũng thừa nhận, chị đã từng nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

“Thu nhập thấp, áp lực công việc và rất nhiều hạn chế khác ở đây đã khiến tôi nhiều lần muốn bỏ cuộc. Thế nhưng sau nhiều năm gắn bó, tôi lại thấy trân quý công việc này hơn”, chị Thanh Trải lòng.

Nữ trưởng phòng cho biết, có rất nhiều người già trong trung tâm đã khiến chị có tình cảm như ruột thịt.

“Trường hợp bà Q là một người như vậy. Bà cũng từng có gia đình, có chồng nhưng không có con. Sau khi chồng mất, bà không còn chỗ nương tựa nên được chuyển vào sống ở trung tâm.

Khi vào đây, bà sống rất tình cảm và hòa nhã với mọi người. Bà cũng thường xuyên giúp đỡ cả các cán bộ trung tâm trong việc tăng gia sản xuất. Các cụ trong trung tâm mất, bà cũng nhiệt tình trong việc hương hỏa. Tuy nhiên những ngày cuối đời của bà lại khổ cực vô cùng”, chị Thanh nói.

Đại gia,Người cao tuổi,Hoàn cảnh khó khăn,Trung tâm Bảo trợ xã hội
BS Thanh kiểm tra suất ăn của các cụ tại phòng ăn của trung tâm.

Chị Thanh cho biết, 4 tháng trước khi mất, bà Q phát hiện bị ung thư.

“Sau khi phát hiện bệnh, bà ấy gầy rộc đi. Những cơn đau hành hạ bà suốt ngày suốt đêm. Đến mức, nhiều đêm tôi đi trực, đến cửa phòng của bà, thấy bà vẫn vật vã trong đau đớn. Bà ấy chỉ xin được chết thật nhanh để chấm dứt những cơn đau. Thế nhưng cái chết đến với bà cũng không hề dễ dàng”- nữ bác sĩ sinh năm 1971 ngậm ngùi nhớ lại.

Theo nữ bác sĩ, sau 21 năm làm việc tại trung tâm, chị đã từng tự tay khâm liệm và lo ma chay cho rất nhiều người qua đời ở đây. Vì vậy những cái chết không còn là nỗi sợ hãi đối với chị. Trái lại, điều khiến chị ám ảnh và trăn trở đó là những ngày sống của hiện tại.

“Ở đây, mọi thứ đều khó khăn, lương thấp, công việc vất vả, áp lực cao. Chúng tôi phải trực ngày đêm và không có nhiều thời gian cho gia đình, người thân nhưng cái chúng tôi được đó là đạo đức”, chị Thanh trải lòng.

Nữ trưởng phòng cho biết, sau khi chứng kiến nhiều cảnh đời và nhiều số phận con người chị nhận ra rằng, cuộc đời này luôn có nhân quả và không có gì là không thể xảy ra.

“Từ đó, tôi không dám làm liều bất cứ vấn đề gì, kể cả trong cách đối xử với mọi người trong gia đình. Mọi thứ đều phải có chừng có mực”, chị nói.

Theo VnExpress

Từ khóa : đại giahoàn cảnh khó khănngười cao tuổitrung tâm bảo trợ xã hội

Các tin liên quan đến bài viết