TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 16, nhiều người mua ê hề rau củ, thịt cá… rồi “nhồi” cả vào tủ lạnh để ăn dần cả tháng. Nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm dù để lạnh vẫn có thể phát sinh nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên trữ thực phẩm vì tốt nhất là ăn đồ tươi sống. Nếu không đi lại thường xuyên được thì mua đủ dùng trong 2-3 ngày và bảo quản đúng đặc tính của từng loại thực phẩm để có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất.
Tủ lạnh không phải phép bảo quản “thần kỳ”
Ngay sau khi hay tin TP sẽ giãn cách 15 ngày theo chỉ thị 16 của Chính phủ, chị Hồ Kim Thoa (ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhờ người thân quê ở Vĩnh Long mua thực phẩm gửi lên rất nhiều vì chị sợ đi siêu thị trong thời gian này sẽ nguy hiểm, phải tiếp xúc đông người.
“Tủ lạnh nhà mình khá nhỏ, tôi phải nghĩ cách để làm sao bảo quản được hết số rau củ và thịt này, nếu không chỉ được vài ngày thì rau sẽ hư ngay. Tích trữ như thế này cũng rất phiền”, chị Thoa chia sẻ.
Chung tình trạng như chị Thoa, nhiều người nội trợ cứ nghĩ mua thực phẩm về bỏ tủ lạnh sẽ dùng được lâu. Rau xanh bỏ ngăn lạnh, thịt cá bỏ ngăn đông là an tâm không cần đi chợ, nhưng đây là suy nghĩ sai lầm, cần chú ý điều chỉnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trịnh Khánh Sơn – khoa công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết nếu không biết cách bảo quản từng loại thực phẩm, chiếc tủ lạnh trong nhà sẽ trở thành môi trường thuận lợi sinh ra các chất độc hại, gây ngộ độc thực phẩm.
“Tùy từng loại thực phẩm khác nhau mà chúng ta bảo quản chúng ở ngăn mát, ngăn đông đá hoặc không nên bảo quản lạnh. Đối với thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản nên bảo quản ở ngăn đông giúp ức chế vi khuẩn sản sinh và phát triển, giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Tuy nhiên nếu để quá lâu, rất dễ mất đi hàm lượng dinh dưỡng đồng thời sinh ra nhiều chất gây hại.
Còn rau, củ, quả tươi thường chứa ở ngăn mát (0-10 độ C). Ngăn mát giúp bảo quản thực phẩm tươi, thời hạn bảo quản ngắn. Rau và củ nên giữ khô ráo, không nên rửa trước khi cho vào tủ lạnh vì khi còn đọng nước, rau củ sẽ rất nhanh hỏng. Hạn chế sử dụng bao nilông để bọc rau, củ, quả, thay vào đó nên sử dụng túi zip chuyên dụng có lỗ khí hoặc bọc giấy sạch, giúp cân bằng nhiệt độ, thực phẩm luôn tươi ngon.
Các loại đồ đóng hộp, mì gói, hạt không cần thiết bảo quản lạnh, chỉ cần đặt ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm mốc, côn trùng cắn phá. Một số loại trái cây, rau củ như dưa hấu, bí đỏ, khoai lang, cà chua không nên bảo quản lạnh”, ông Trịnh Khánh Sơn tư vấn.
Cũng theo ông Sơn, thời hạn bảo quản tối đa thực phẩm tươi sống ở ngăn đông là 7 ngày và 1-2 ngày nếu ở ngăn mát. Bên cạnh đó trước khi bảo quản nên rửa thực phẩm thật sạch, đựng trong túi zip hoặc hộp kín, có thể tẩm ướp gia vị sẵn nếu có nhu cầu sử dụng nhanh. Ngoài ra nên chia thực phẩm đông thành nhiều phần, dùng đến đâu lấy ra rã đông đến đấy.
Thịt rã đông nhiều lần sẽ làm mất độ giữ nước, mất độ mềm ăn sẽ không ngon. Việc đông lạnh nhiều lần còn làm tăng nguy cơ vi sinh vật phát triển trên thực phẩm, từ đó làm hỏng thực phẩm hoặc gây ngộ độc.
Chọn thực phẩm tốt từ nguồn
PGS Khánh Sơn khuyến cáo thêm, người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không nguồn gốc, không an toàn để tích trữ. Khi chọn mua thực phẩm, người dân cần lưu ý: thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản trước tiên nên chọn mua ở nơi uy tín như siêu thị, nơi đảm bảo nhiệt độ bảo quản an toàn hoặc ở chợ cũng nên mua nguồn hàng quen, tránh mua ở các quầy gần cống rãnh, rác thải, nơi bày thực phẩm lộn xộn, dễ nhiễm khuẩn chéo lẫn nhau.
Rau, củ, quả không nên mua khi giập, héo, được bày bừa dưới đất, không có cơ chế bảo quản. Thực phẩm đóng gói sẵn như các loại cá, hải sản, chả… khi chọn mua phải còn nhãn mác, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng rõ ràng.
Những loại chế biến sẵn cần chú ý xem các thành phần phụ gia đã được tẩm ướp trong đó. Các loại đồ hộp như cá hộp, thịt bò, patê… cần xem kỹ thời hạn sử dụng. Đối với loại thực phẩm này cần tuyệt đối không mua khi thấy xuất hiện tình trạng phồng ở phần nắp hoặc thân hộp, vì khi đó sản phẩm rất có thể đã hỏng và mang độc tố chết người như botulinum.
Nguồn cung thực phẩm luôn được đảm bảo
Theo Sở Công thương TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp luôn bình ổn, dồi dào sẵn sàng phục vụ người dân. Bên cạnh đó các quận huyện còn phối hợp cùng Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi… Do đó người dân không nên lo lắng việc thiếu hụt lương thực.
Nguồn: tuoitre.vn