Khi bị viêm, ruột thừa sưng lên và đầy mủ, được xem là một trường hợp khẩn cấp cần được phẫu thuật cắt bỏ ngay lập tức.

Những điều cần biết về viêm ruột thừa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ruột thừa là một túi cùng, nằm cắm vào đoạn cuối của manh tràng, nơi bắt đầu của đoạn ruột gỉà. Về chức nãng, ruột thừa hầu như không có vai trò gì trong quá trình tiêu hóa. Viêm ruột thừa cấp có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Khi bị viêm, ruột thừa sưng lên và đầy mủ, được xem là một trường hợp khẩn cấp cần được phẫu thuật cắt bỏ ngay lập tức. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể bị vỡ hoặc thủng và sẽ làm các vi khuẩn lây lan trong khoang bụng, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, mọi người nên có kiến thức về bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ruột thừa là một túi hình ngón tay nối từ ruột già ở phía dưới bên phải của bụng. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa:

– Do tắc lòng ruột thừa (do sỏi, phân ruột thừa; do giun đũa, giun kim chui vào lòng ruột thừa);

– Do hệ thống nang lympho trong lòng ruột thừa sưng to bít miệng ruột thừa lại; cũng có thể do co thắt ở gốc hoặc đáy ruột thừa.

– Ngoài ra, ruột thừa bị gấp do dính hay do dây chằng cũng là nguyên nhân gây tắc lòng ruột thừa.

– Bên cạnh đó, viêm ruột thừa còn do nhiễm trùng ruột thừa; tắc nghẽn mạch máu ruột thừa…

Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên nhất khi ruột thừa bắt đầu viêm, đau âm ỉ ở vùng hố chậu phải, lúc đầu có thể ở vùng trên rốn hay quanh rốn rồi khu trú ở vùng hố chậu phải; buồn nôn, nôn (nếu buồn nôn, đi kèm nôn và đau bụng thì không nên chủ quan vì khả năng bạn bị viêm ruột thừa là rất cao); chán ăn (mất cảm giác thèm ăn, có ăn cũng không thấy ngon miệng, thậm chí là sợ thức ăn); táo bón hoặc tiêu chảy (có người thì bị tiêu chảy liên tục nhưng cũng có người lại bị táo bón); hội chứng nhiễm khuẩn (vẻ mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn); sờ nắn nhẹ nhàng từ hố chậu trái sang hố chậu phải thấy hố chậu phải có phản ứng đau nhói; sờ nhẹ trên da thành bụng vùng hố chậu phải cảm thấy đau; rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, tiểu khó, tiểu dắt; sốt là dấu hiệu xuất hiện khá muộn của bệnh viêm ruột thừa đã chuyển sang giai đoạn khá nặng;…

Bệnh có thể gây ra các biến chứng, như: Viêm phúc mạc toàn bộ; áp-xe ruột thừa;… Viêm ruột thừa khi chưa có biến chứng, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng. Trường hợp đã có biến chứng, tùy theo biến chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ, đường mổ và cách thức xử lý khác nhau. Sau mổ, cần vận động nhẹ nhàng càng sớm càng tốt để cho máu lưu thông tốt hơn, kích thích nhu động ruột hoạt động trở lại tránh tắc hoặc dính ruột. Nếu không có tai biến gì, bệnh nhân có thể trở lại hoạt động thể lực bình thường sau 4 tuần.

Bệnh viêm ruột thừa thực sự rất nguy hiểm, bởi nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể gây vỡ ruột, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, tốt nhất, khi xuất hiện các dấu hiệu kể trên chúng ta nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : điều trịphẫu thuậtruột thừatáo bón

Các tin liên quan đến bài viết