Trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố dừng tập trận với Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Bình Nhưỡng từng nhiều lần lên án các hành động quân sự chung của liên minh này ở khu vực gần lãnh thổ Triều Tiên.

Xe tăng Mỹ - Hàn tập trận tại Pocheon, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: AP)

Xe tăng Mỹ – Hàn tập trận tại Pocheon, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: AP)

Tổng thống Trump ngày 12/6 đã khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ, bất ngờ khi tuyên bố dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. Trước đây, Mỹ và Hàn Quốc từng dừng các cuộc tập trận quân sự chung trong thập niên 1990 khi diễn ra các cuộc đàm phán nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên từ lâu đã kêu gọi các lực lượng quân sự của Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận này vì cho rằng đây là hành động tập dượt cho kịch bản xâm lược Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng tiến hành các cuộc tập trận và thử tên lửa để đáp trả liên minh Mỹ – Hàn. Trong khi đó, Washington và Seoul khẳng định các cuộc tập trận chỉ “mang tính phòng vệ” chứ không nhắm mục tiêu tới bất kỳ nước nào.

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) thay vì hiệp ước hòa bình.

Các cuộc tập trận chính của Mỹ và Hàn Quốc:

Giải pháp then chốt và Đại bàng non

“Giải pháp then chốt” là cuộc tập trận mô phỏng bằng máy tính do các chỉ huy quân đội Mỹ – Hàn tiến hành, thường bắt đầu từ tháng 3 hàng năm và kéo dài trong khoảng 10 ngày.

Tập trận “Giải pháp then chốt” thường đi kèm với “Đại bàng non” – một trong những cuộc tập trận lớn nhất thế giới.

Hơn 200.000 lính Hàn Quốc và khoảng 30.000 lính Mỹ, trong đó có hàng nghìn người được huy động từ nước ngoài tới bán đảo Triều Tiên, tham gia vào cuộc tập trận “Đại bàng non” kéo dài 2 tháng.

Năm nay, tập trận “Đại bàng non” bị hoãn lại trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang ở Hàn Quốc. Mục đích của việc hoãn tập trận là do Mỹ và Hàn Quốc không muốn “chọc giận” Triều Tiên khi Bình Nhưỡng cử vận động viên sang nước láng giềng thi đấu, mở đầu cho giai đoạn hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên.

Thần Sấm

Binh sĩ Mỹ - Hàn tập trận tại Pohang, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Binh sĩ Mỹ – Hàn tập trận tại Pohang, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

“Thần Sấm” là tập trận không quân quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc. Thông thường cuộc tập trận này sẽ kéo dài khoảng 2 tuần.

Năm nay liên minh Mỹ – Hàn tổ chức tập trận “Thần Sấm” vào tháng 5, huy động khoảng 100 máy bay, bao gồm các máy bay chiến đấu hiện đại như F-22. Các máy bay này có thể khiến Triều Tiên lo ngại vì khả năng tránh tầm mắt của radar đối phương cũng như khả năng tấn công chính xác các mục tiêu.

Triều Tiên từng chỉ trích mạnh mẽ cuộc tập trận “Thần Sấm”. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn dọa sẽ hủy hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ trước giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời hủy cuộc hội đàm quân sự với Hàn Quốc nếu Seoul và Washington không dừng cuộc tập trận khiêu khích này.

Người bảo vệ tự do Ulchi

Cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” thường kéo dài khoảng 2 tuần và bắt đầu từ tháng 8. Mặc dù “Người bảo vệ tự do Ulchi” không có nhiều chương trình huấn luyện ngoài thực địa mà chủ yếu tập trận mô phỏng trên máy tính, song Triều Tiên vẫn xem đây là hành động khiêu khích của liên minh Mỹ – Hàn nhằm châm ngòi cho chiến tranh.

Năm ngoái, để đáp trả cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi”, Triều Tiên đã phóng các tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản khiến Tokyo giận dữ. Động thái này của Bình Nhưỡng cũng khiến nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, lo ngại vì nguy cơ tên lửa Triều Tiên có thể phóng tới lục địa Mỹ.

Theo Dân Trí

Từ khóa : Mỹ Hàn tập trậnTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết