Sau những cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ì ạch, phải mất rất nhiều năm mới vực lên được. Với khó khăn quá lớn hiện nay, nếu không có những gói hỗ trợ đủ mạnh, tình trạng này rất có thể sẽ lặp lại.

Quy luật đáng ngại

Quan sát cả những khủng hoảng kinh tế diễn ra tại Việt Nam thời gian qua, giới chuyên môn nhận ra rằng, khi chịu tác động lớn từ các biến động bên ngoài, GDP không bị suy thoái ngay, mà thường tăng chậm lại trong những năm sau đó.

Cụ thể, với cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực xảy ra vào năm 1997, khi đó Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng cao trên 8%/năm, trong 6 năm liên tục trước. Việt Nam không bị rơi vào “vòng xoáy” của cuộc khủng hoảng này, nhưng tăng trưởng đã bị chậm lại. Năm 1998 tăng trưởng giảm còn 5,76%, năm 1999 còn 4,77%.

Với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008 cũng tương tự. Trước đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng đạt mức khá cao, liên tục trong một số năm từ 7% trở lên. Việt Nam cũng không bị rơi vào “vòng xoáy” của cuộc khủng hoảng này, nhưng tăng trưởng đã chậm lại. Năm 2009 tăng trưởng giảm xuống còn 5,32%.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,02% thì năm 2020 đại dịch Covid bùng phát. Việt Nam cũng không bị rơi vào suy thoái, nhưng tăng trưởng chỉ còn 2,91%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt từ 2-2,5%.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử, mối lo lớn cho Việt Nam
Trong khi tiêu thụ giảm sâu, nguyên liệu đầu vào sản xuất kinh doanh lại tăng chóng mặt.

Điều đáng lo ngại là sau những cuộc khủng hoảng, Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới vực nền kinh tế lên được và mức tăng trưởng rất ì ạch, chỉ lên được từ 1-2%/năm. Chuyên gia Nguyễn Đình Cung dự báo, với đà phát triển như hiện nay, năm 2022 nếu tăng trưởng tốt, GDP cao nhất cũng chỉ có thể đạt 5%/năm.

Hiện tại, nền kinh tế đang gặp thách thức khi tiêu thụ trong nước bị giảm sâu, trong khi đầu vào của sản xuất kinh doanh như xăng dầu, sắt thép, than đá, phân bón, tôm cá nguyên liệu,… đều tăng chóng mặt, dễ hình dung về nguy cơ lạm phát đang rình rập… Với thực tế như vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giới chuyên môn cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt, phải có gói kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất.

Hỗ trợ còn thấp

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid, trong đó có giảm 30% thuế thu nhập DN cho những DN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng, giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng đến hết 31/12/2021…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cho rằng, dù Nghị quyết 406 đưa ra một số chính sách hỗ trợ, nhưng nhiều DN đã ngừng hoạt động, không có doanh thu thì việc giảm thuế thu nhập DN hay giảm thuế VAT cũng không giúp được gì để khôi phục hoạt động. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ này chỉ thực hiện đến hết 2021, chỉ hơn 2 tháng là quá ngắn, chưa kịp ngấm đối với những DN có hoạt động trở lại.

“Một cơ thể đã ốm nặng, giờ còn chưa ngồi dậy nổi thì không thể trong vòng 2 tháng khỏe mạnh bình thường. Các DN cần có giải pháp hỗ trợ quyết liệt, dứt khoát hơn mới có thể trở lại hoạt động được”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Theo ông, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, Quốc hội có chính sách giảm 50% thuế VAT và kéo dài trong vòng 2 năm. Hiện các DN vừa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid kéo theo kinh tế suy thoái thì chính sách hỗ trợ lại thấp hơn, chỉ giảm 30% thuế VAT và thời gian ngắn hơn là chưa hợp lý.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử, mối lo lớn cho Việt Nam
Các gói hỗ trợ đa số vẫn mang tính hình thức, kém hiệu quả hoặc thậm chí không khả thi.

Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, quy mô các gói hỗ trợ hiện mới đạt hơn 2% GDP là mức khá thấp so với các nước trong khu vực. Thái Lan đã dành 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Indonesia 5,4% GDP… để hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid.

Dẫn số liệu về các gói hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid bùng phát, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho biết: Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP năm 2020; Nhật Bản chi tới 61% GDP; châu Âu chi khoảng 20% GDP… Nguồn hỗ trợ được các nước dùng để tài trợ thất nghiệp, tài trợ việc làm bằng phát tiền mặt; cho vay các DN lớn mà ngân hàng không thể cho vay, bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ vay vốn.

Việt Nam hiện mới chi hỗ trợ có 2,94% GDP. Việc giảm hay ưu đãi lãi suất không giúp các DN tiếp cận được vốn trong hoàn cảnh này. Bởi DN đang gặp khó khăn sẽ không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Việc hỗ trợ phải bằng “tiền tươi thóc thật”, theo ông Nghĩa.

Nỗi lo ì ạch kéo dài

Trong khi đó, khảo sát của VCCI vào tháng 9/2021 cho thấy, các gói hỗ trợ lớn trong thời gian dịch Covid bao gồm: Chính sách tài khóa với trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Chính sách tiền tệ với trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; Chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội… đa số vẫn mang tính hình thức, kém hiệu quả hoặc thậm chí không khả thi.

Chẳng hạn, chính sách giảm thuế thu nhập cho DN không giúp được gì cho những DN bị ảnh hưởng nặng, thua lỗ.

Theo khảo sát của Bộ KH-ĐT, tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục phức tạp, các điều kiện chưa phù hợp. Các mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa giải quyết triệt để, gây khó khăn cho DN.

VCCI cho biết tổng nợ công trên GDP của Việt Nam đang ở mức thấp, vì vậy cần xem xét mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho DN. “Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng tới 4%, tương đương 250.000 tỷ”, Chủ tịch VCCI đề xuất. Tiếp theo là giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức 50%, thay vì 30% như hiện nay trong 2021-2022. Nếu không có những gói hỗ trợ đủ mạnh, thì tăng trưởng kinh tế nguy cơ sẽ lặp lại quy luật của những lần khủng hoảng trước, đó là tăng trưởng rất ì ạch.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19gói hỗ trợphục hồi kinh tếsuy thoái kinh tếtăng trưởng kinh tế

Các tin liên quan đến bài viết