Ngày 19-8, thông tin từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2006-2016, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định “tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp… việc kê khai chưa phát huy hiệu quả cao, còn nặng hình thức, chủ yếu quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo, chưa được kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai…”. Báo cáo cũng cho biết: “từ ngày 30-6-2016 đến 1-1-2007 chỉ xảy ra 1 trường hợp xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập bị kết luận kê khai không trung thực”.
Tiếp đó, ngày 5-9, trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 do Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn trình bày trước Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết: năm 2016 có 1.113.422 người kê khai tài sản. Qua xác minh 77 người thì chỉ có 3 trường hợp kê khai thiếu trung thực, trong đó có cả cán bộ cao cấp.
Đọc hai con số trong hai bản báo cáo về phòng chống tham nhũng nói trên, hẳn nhiều người đều thấy rõ, công tác phòng chống tham nhũng vẫn mang tính hình thức quá nặng nề. Liên tục những vụ án tham nhũng lớn đã xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy nạn tham nhũng đã ở mức báo động đỏ, đã thành vấn nạn của quốc gia. Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17-4 tại Hà Nội, một trong những nhiệm vụ quan trọng được thống nhất cao là trong năm 2017 sẽ đưa ra truy tố, xét xử dứt điểm 12 vụ đại án. Và những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến vụ xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng bọn tham nhũng, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Dương. Và còn rất nhiều vụ án ngàn tỷ khác cũng đang chờ ngày đưa ra ánh sáng của pháp luật.
Với những vụ án tham nhũng “đình đám” xảy ra thời gian qua cho thấy Luật Phòng, chống tham nhũng chưa làm được điều kỳ vọng ban đầu là tạo hành lang pháp lý, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bất bình trong xã hội. Và trong những vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, có một số vụ thể hiện lợi ích nhóm khá rõ, trong đó có những vụ tạo ra lợi ích nhóm một cách tinh vi từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho một nhóm người. Điều đáng ngại nhất là tham nhũng đã trở thành phổ biến đến nỗi nhiều người xem là chuyện bình thường. Trong khi đó, từ các bộ, ngành đến địa phương, các báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đi vào thực chất. Thật khó tin khi suốt 10 năm qua, cả Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có… 1 trường hợp kê khai tài sản không trung thực. Và năm 2016, cả nước chỉ có 3 trường hợp kê khai thiếu trung thực. Đây quả là những con số khó chấp nhận. Cho dù tham nhũng đang hủy hoại những thành tựu mà nhân dân cố gầy dựng, gây bất bình đẳng xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước, thế nhưng ở nhiều nơi, người dân đang nghiễm nhiên chấp nhận. Luật Phòng chống tham nhũng đã có hiệu lực 10 năm nhưng kết quả thực thi luật này xem ra quá ít ỏi, cách quá xa so với kỳ vọng của nhân dân!
Từ những điều nêu trên cho thấy, từ trước đến nay hay về sau, nạn tham nhũng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn hoàn toàn không phải do “lỗi hệ thống” mà chính là do chúng ta đang thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng một cách rất hình thức. Từ những con số khó tin nói trên cho thấy, nếu không dẹp bỏ tính hình thức thì thật khó để trả lời khi nào đẩy lùi được tham nhũng!
Nguồn Báo Bình Phước