Công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Ảnh minh họa
Đó là những đánh giá khái quát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội diễn ra ngày 10/1/2017 tại Hà Nội. Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) cũng cho biết, năm 2016 nhìn chung lễ hội diễn ra tại các địa phương phù hợp với truyền thống văn hóa, từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng, xã, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; chú trọng các hoạt động văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa các dân tộc, vùng miền. Gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn.
Trong năm 2016,ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương đã quan tâm quy hoạch di tích, cơ sở hạ tầng được đầu tư, mở rộng khu vực đón tiếp, nơi trông giữ phương tiện giao thông, sắp xếp hàng quán dịch vụ, xây dựng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn, tổ chức thu gom rác thải kịp thời, xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại… tạo điều kiện để các lễ hội diễn ra thuận lợi, giảm tình trạng ùn tắc, chen lấn. Một số địa phương đã tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết, thực hiện các quy định của Ban Tổ chức, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân được chính quyền chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhiều nơi đã lắp đặt camera theo dõi trong khu vực nội tự của di tích. Công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng quán dịch vụ được quán triệt và chỉ đạo tới các Tiểu ban. Đảm bảo việc quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội, giảm thiểu việc tăng giá tùy tiện và thương mại hóa lễ hội.
Vấn đề an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh ăn uống đã được quán triệt và ký cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch được tổ chức hàng năm tại hầu hết các địa phương, nhiều địa phương đã làm tốt như Hà Nội, Hải Dương…
Trong năm 2016, hầu hết các địa phương đã chú trọng xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường tại các di tích thông qua việc hợp đồng với công ty chuyên làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải tới nơi trung chuyển hoặc xử lý, cho thuê nhà vệ sinh lưu động…. Điển hình trong hoạt động này là Yên Tử, Chùa Hương, Tràng An – Bái Đính….vệ sinh môi trường tại các di tích này đã được cải thiện rõ rệt. Mô hình này hết sức phù hợp và có hiệu quả, nhất là đối với các di tích có lượng du khách tham quan lớn, mật độ người tập trung trong một thời điểm cao, có nguồn thu lớn để chi cho công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương đã có những biện pháp chỉ đạo, hành động cụ thể nhằm đạt được chỉ tiêu 100% di tích trong địa bàn đều có Nhà vệ sinh phục vụ du khách. Hầu hết các di tích có đông du khách tham quan lớn đã xây dựng nhà vệ sinh. Một số di tích lớn như Yên Tử, Đền Cửa Ông, Tràng An chất lượng các nhà vệ sinh đã đạt chuẩn.
Trong năm 2016 hầu hết không còn trường hợp đổi tiền lẻ công khai; không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, tệ nạn cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh, ăn xin, ăn mày… đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016 vẫn còn một số hạn chế: vẫn còn những hình ảnh phản cảm trong lễ hội: điển hình là hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, đốt màng mã, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định; hiện tượng ăn mặc phản cảm trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc bố trí các hàng quán trong khuôn viên di tích còn chưa hợp lý, gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan di tích; còn ùn tắc giao thông cục bộ trong ngày chính hội. Tại một số di tích, lễ hội vẫn để xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh như: chèo kéo khách, móc túi, ăn xin, lén lút xem bói, xóc thẻ, khấn thuê;lưu hành văn hóa phẩm ngoài luồng, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…. chưa được giải quyết triệt để. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh của một bộ phận nhỏ người dân và du khách khi tham gia lễ hội còn chưa cao, xả rác bừa bãi, thắp hương, hóa vàng mã, đặt tiền giọt dầu chưa đúng quy định….
Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.Dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá và bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông, có phương án phòng, chống cháy nổ, phòng chống thảm họa, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội và du khách; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác… Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội./.
Tổng hợp