“Nhà nông chúng ta tập trung lo việc của mình đi, sản xuất nông sản cho sạch, cho có chất lượng lẫn số lượng ắt sẽ có thị trường tiêu thụ. Bao năm nay giá sầu riêng, bưởi da xanh có khi nào xuống đâu. Thị trường trong nước còn không đủ tiêu thụ lấy đâu ra xuất khẩu. Nếu sầu riêng, bưởi da xanh hay bơ của mình kém chất lượng thì sẽ bị trái cây nước ngoài, gần nhất là Thái Lan xâm nhập chiếm lĩnh thị trường. Các loại trái cây này trên thị trường mình đâu thua ai. Điều quan trọng hiện nay là làm sao đẩy mạnh việc cấp sổ đỏ, đưa điện về đến nông trại để người dân có điều kiện tiếp cận vốn và yên tâm sản xuất ngay trên đất của mình lo gì không giàu” – nhà nông Dụng Quý Đông, xã Tân Hưng (Đồng Phú) kiến nghị.

HIỆU ỨNG TỪ CÂY GIỐNG

“Người ta bày bán cây giống bên đường rồi bỏ đi, không ai biết đâu mà kiện nếu mua nhầm cây giống. Bình Phước biết tìm đâu ra địa chỉ cung cấp giống sầu riêng hay bưởi da xanh có uy tín, chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Ở miền Tây có những làng nghề ươm giống. Cây 2 năm đổ lại hoặc 20 năm trở lên họ không lấy bo để nhân giống. Còn ở Bình Phước thì tui không dám nói, bởi không biết. Thực ra, người miền Tây họ lên đây tìm mua bo giống về ghép, còn mình có cả một rừng bo nhưng không ai làm hoặc làm không đến nơi đến chốn. Bởi vậy tui về miền Tây mua giống cho chắc” – nhà nông Lầu Sỹ Nịp, xã Long Bình (Phú Riềng) nói.

KHI NHÀ NÔNG CHỦ ĐỘNG CÂY GIỐNG

Ông Huỳnh Văn Hiền ở ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng không nhớ chính xác gắn bó với nghề làm và bán cây giống từ khi nào, nhưng lại nhớ rất rõ vào nghề trước khi tỉnh Bình Phước tái lập ngày 1-1-1997, cách đây đã hơn 20 năm. Ngần ấy thời gian sống với nghề, ông hiểu rất rõ nỗi khổ của nhà nông khi mua nhầm cây giống kém chất lượng như thế nào. “Tui thấy tội nghiệp lắm, người dân mua được cây điều về trồng sau 3 năm chăm sóc mới biết chất lượng hạt điều không như ý. Nhất là cây sầu riêng, nhiều nhà nông lặn lội về miền Tây mua giống nhưng trật vẫn cứ trật. Đơn giản là người nông dân không thể biết được chất lượng cây giống như thế nào. Cứ nghe nói giống tốt là mua về trồng. 4, 5 năm sau mới vỡ lẽ mình đã mua nhầm và đành ngậm đắng nuốt cay” – ông Hiền nói.

Nhờ chủ động trong khâu sản xuất giống nên chất lượng bưởi da xanh của nhà nông Lầu Sỹ Nịp đang được thương lái tìm mua tận vườn

Ông Hiền cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường cây giống không thể kiểm soát chất lượng như: Công tác quản lý chưa tốt, nhiều cơ sở bán giống bất chấp chất lượng, cơ sở sản xuất giống không có cây đầu dòng vẫn cứ sản xuất, người dân thì không nhận diện, không phân biệt được sự khác nhau từng giống cây trồng. Thôi thì chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Để tạo thương hiệu cho riêng mình, ông tự làm vườn cây đầu dòng, tự liên kết với nhà nông tìm nguồn cây đầu dòng chất lượng để nhân giống.“Mình ở đây, nhà ở đây, sống ở đây nên đâu có làm gian dối được” – ông Hiền khẳng định. Bằng cách này, ông đã giúp không ít nhà nông từ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đến các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk lựa chọn đúng chất lượng cây giống cần trồng.

Ông Lầu Sỹ Nịp từ tỉnh Đồng Nai chuyển về thôn 5, xã Long Bình năm 1994. Sau 23 năm gắn bó gần như đủ các nghề như chăn nuôi heo, cừu, nhím, trồng nhãn, bơ, sầu riêng, bưởi da xanh… ông mới rút ra được bài học đắt giá cho nhà nông rằng: “Nếu mua giống không đúng thì hậu quả cuối cùng người nông dân phải chọn là dao với thớt đối với chăn nuôi, trong trồng trọt thì dao với cưa”. Nhắc đến ông ở xã Long Bình gần như ai cũng biết ông là tay chăn nuôi heo, cừu, nhím cừ khôi một thời. Có thời điểm trang trại nhím của ông lên đến cả trăm con nái đang đẻ. Thế nhưng cuối cùng chỉ còn lại chuồng không và đống sắt vụn bởi ông không nắm bắt được quy luật thị trường. Cách đây 12 năm, chính ông đã phải tự cưa bỏ 7.000 cây nhãn trồng trên 15 ha sau nhiều năm đầu tư, chăm sóc chỉ vì mua nhầm cây giống nên chất lượng không đảm bảo dẫn đến không tiêu thụ được. Chỉ tính riêng tiền giống ở thời điểm đó 23.000 đồng/cây, ông bị thua lỗ lên đến 161 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Sau khi triệt hạ cây nhãn ông thay bằng cây sầu riêng với hy vọng đổi đời. Thế nhưng sau 8 năm gắn bó với loại cây đang được thị trường ưa chuộng, cuối cùng ông cũng phải chia tay chỉ vì giống, kỹ thuật và quản lý không xuể. Rút kinh nghiệm từ trồng nhãn và sầu riêng, ông chuyển sang trồng bưởi da xanh. Trước khi hạ cây sầu riêng, ông về tỉnh Bến Tre mua 100 cây giống về trồng thử nghiệm trên 1 ha. Sau 5 năm, vườn bưởi da xanh của ông cho đúng chất lượng thị trường đang cần. Ông lại về Bến Tre để hợp đồng cung cấp bo giống, nhà làm giống cung cấp đúng giống bưởi ông cần. Cách làm này vừa giúp nhà nông giảm được tiền mua giống vừa đảm bảo chất lượng. Từ đó ông đã nhân rộng diện tích bưởi da xanh của gia đình lên đến 10 ha tính đến cuối mùa mưa năm 2016. Hiện ông còn cung cấp giống bưởi da xanh cho các nông hộ có nhu cầu với giá 35.000 đồng/cây, trong khi thị trường giống bưởi da xanh hiện nay dao động từ 50.000-60.000 đồng/cây.

Sau khi thành công với mô hình nuôi chồn lấy cà phê, năm 2014 anh Đặng Ngọc Tuân ở ấp 3, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành khi đi kiểm tra trại nuôi chồn lấy cà phê của mình ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng phát hiện mô hình trồng bơ booth 7 cho hiệu quả kinh tế khá cao. Với tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ, anh đã không ngần ngại đầu tư 4 ha bơ booth 7 tại ấp 3, xã Minh Lập. Lấy bo từ vườn cây của mình, mùa mưa năm nay anh tự nhân giống bơ khoảng 100.000 cây, trong đó 60.000 cây bơ giống booth 7 với giá 45.000 đồng/cây (giá thị trường không dưới 60.000 đồng/cây).

CẦN THỊ TRƯỜNG CÂY GIỐNG SẠCH BỆNH

Cần một thị trường cây giống sạch bệnh là nỗi khát khao, mong đợi của người nông dân tỉnh Bình Phước hiện nay. Trong một buổi gặp gỡ, trao đổi về nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh cho rằng: “Bình Phước là tỉnh nông nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng được một trung tâm cung cấp giống mà người dân đang thực sự cần. Từ giống hồ tiêu đến bưởi da xanh, sầu riêng… người dân phải “tự bơi”. Phần lớn người dân khi mua cây giống phó mặc chất lượng cho các cơ sở bán giống. Bởi vậy mới có chuyện vườn tiêu trồng chừng năm, ba năm bị sâu bệnh tấn công dẫn đến khô cành, héo lá rồi chết”.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng Thông tin, tuyên truyền Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thì cho rằng thị trường cây giống hiện nay chẳng khác gì “Sơn đông mãi võ”, mạnh ai nấy làm. Kỹ sư Đạo nhấn mạnh, nhà nông có thành công hay không trước hết là cây giống phải thật sự đúng giống và sạch bệnh. Để có được điều đó nhiệm vụ trước mắt là phải có chương trình quy hoạch và quy hoạch lại thị trường sản xuất, cung cấp giống cây trồng”. Cây giống đâu phải như cá dưới nước vớt lên đem bán. Nó phải có hợp đồng mua bán, có địa chỉ của nhà cung cấp, có đơn đặt hàng rõ ràng. Nhà cung cấp giống không thể sản xuất ra rồi để đấy. Nếu thế họ lấy đâu ra vốn để làm. Còn nhà nông đùng một cái cần cả ngàn cây giống, giống không tào lao mới là chuyện lạ – kỹ sư Đạo bức xúc.

Gần cả đời gắn bó với cây trồng, nhà nông Dụng Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú nói rằng “Một đời người, một rừng cây”. Chuyện quản lý và sản xuất cây giống rất đơn giản, những cơ sở bán giống không có địa chỉ rõ ràng, những nơi làm giống không có vườn cây đầu dòng thì cứ mạnh dạn dẹp đi. Bởi lẽ, không có vườn cây đầu dòng đồng nghĩa với việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý mầm bệnh cây giống, không có địa chỉ rõ ràng thì đương nhiên không biết được chất lượng cây giống cung cấp cho người nông dân đến đâu. Ngoài công tác quy hoạch, quản lý cây giống, đòi hỏi người nông dân phải biết chọn những cơ sở sản xuất giống uy tín, địa chỉ đáng tin cậy. Tuy nhiên trước hết phải có phương kế xuống giống cho từng giai đoạn, từng năm, từng loại giống rõ ràng. Đừng vì nhu cầu xuống giống tức thời theo cảm tính mà bất chấp chất lượng để rồi phải nuối tiếc sau nhiều năm đổ bao công sức, tiền của rồi lại trắng tay.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : bơ booth 7bưởi da xanh

Các tin liên quan đến bài viết