Cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu với sự hỗ trợ của Anh và Pháp nhằm vào các mục tiêu bị nghi là cơ sở vũ khí hóa học của Syria hôm 14/4 đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho Tổng thống Donald Trump về chính sách với Damascus cũng như các vấn đề nội tại của Washington.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)
Chính sách của Mỹ với Syria?
Theo CNN, đây là câu hỏi đầu tiên và cũng là cơ bản nhất dành cho Tổng thống Donald Trump. Hai tuần trước khi cuộc không kích diễn ra, trong bài phát biểu tại bang Ohio, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ “rút khỏi Syria” trong thời gian “rất sớm”. Tuy nhiên, chính nhà lãnh đạo Mỹ sau đó đã phát lệnh tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn với hơn 100 tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu tại Syria, bao gồm cả ở thủ đô Damascus.
Vậy rốt cuộc, chính sách của chính quyền Trump đối với Syria là gì? Liệu có phải là buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời đi như chính sách của Mỹ trong những ngày đầu của cuộc nội chiến tại Syria dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama? Hay chỉ đơn giản là ông Trump muốn vạch ra một giới hạn đỏ cho Tổng thống Assad trong việc sử dụng vũ khí hóa học và không cần gì thêm nữa?
Câu trả lời cho những nghi vấn trên cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Khi Tổng thống Trump phát lệnh tấn công Syria, ông nhấn mạnh rằng cuộc không kích của liên quân chỉ nhắm mục tiêu tới các cơ sở vũ khí hóa học của Syria và cảnh báo chính quyền Assad về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đối với dân thường. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố sẽ không có giải pháp chính trị cho Syria chừng nào Tổng thống Assad vẫn còn nắm quyền.
Bảo vệ người dân Syria?
Ngoài việc không kích để đáp trả cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta khiến hàng chục người thiệt mạng hôm 7/4, liệu chính quyền Trump còn bất kỳ kế hoạch nào để bảo vệ người dân Syria trong cuộc chiến vốn đã tàn phá phần lớn đất nước này trong suốt 7 năm qua hay không? Gần nửa triệu người Syria đã chết trong cuộc chiến và vũ khí hóa học được cho là chỉ khiến một phần nhỏ thiệt mạng.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump, khi đó là ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, từng đôi lần đề cập tới ý tưởng thành lập các “vùng an toàn” cho dân thường Syria. Liệu sau cuộc không kích lần này, chính quyền Trump có thiết lập các vùng an toàn như vậy không, và nếu lập được thì chúng sẽ hoạt động như thế nào?
Nếu mở các khu vực an toàn, chính quyền Mỹ sẽ phải thiết lập các vùng cấm bay để ngăn cản hoạt động của không quân Syria. Washington cho rằng chính quyền Syria đang được hưởng ưu thế vượt trội trên bầu trời Syria và có thể tự do thả các loại vũ khí cũng như đạn dược xuống các khu vực. Ngoài ra, việc triển khai các vùng cấm bay có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình vì hiện có rất nhiều máy bay của Nga cũng đang hoạt động trên bầu trời Syria.
Bản đồ vị trí các máy bay và tàu chiến Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria hôm 14/4 (Ảnh: AP)
Người tị nạn Syria?
Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ quan ngại về con số thương vong của dân thường do vũ khí hóa học gây ra trong cuộc nội chiến tại Syria. Liệu mối quan ngại này có thể khiến nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi chính sách đối với người tị nạn Syria nhập cảnh vào Mỹ hay không? Hiện tại, chính quyền Trump vẫn đang cấm người tị nạn Syria nhập cảnh vào Mỹ, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Mối quan hệ với Nga?
Liệu cuộc không kích gần đây của Mỹ tại Syria có thể tạo ra bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga hay không? Ông Trump từng cảm thấy không thoải mái khi chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong những tuyên bố gần đây, ông đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn với nhà lãnh đạo Nga.
Trước cuộc họp với các quan chức quân sự tại Nhà Trắng hôm 9/4, khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hay không, Tổng thống Trump nói: “Ông ấy (Putin) có thể (phải chịu trách nhiệm). Và nếu thực sự ông ấy có liên quan tới vụ tấn công thì tình hình sẽ rất gay go đấy. Tất cả mọi người sẽ phải trả giá. Ông ấy cũng như vậy. Tất cả mọi người đều như vậy”.
Sau khi cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp diễn ra, Tổng thống Putin cũng đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Thẩm quyền của tổng thống?
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói rằng Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý để ra lệnh tấn công Syria với tư cách tổng tư lệnh quân đội theo Khoản 2 của Hiến pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý và nhiều nghị sĩ đã đặt ra nghi vấn về vấn đề này.
Theo nhiều nhà lập pháp, không giống việc tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kế hoạch tấn công nhằm vào các mục tiêu của chính quyền Syria chưa nhận được sự phê chuẩn của quốc hội. Tuy vậy, các đời tổng thống Mỹ gần đây đều có xu hướng coi nhẹ vai trò của quốc hội trong những vấn đề mà họ cho rằng ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia.
Đánh lạc hướng công chúng?
Cựu Tổng thống Bill Clinton từng ra lệnh tấn công các trại huấn luyện của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Afghanistan vào tháng 8/1988 để đáp trả hai vụ đánh bom nhằm vào hai đại sứ quán Mỹ tại châu Phi. Động thái này của ông Clinton bị nghi ngờ là nhằm chuyển hướng dư luận trong bối cảnh cựu tổng thống Mỹ đang vướng vào vụ bê bối tình ái với thực tập sinh Monica Lewinsky.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đang vướng vào nhiều vấn đề liên quan tới cá nhân ông, trong đó có vụ lùm xùm với ngôi sao phim khiêu dâm và một số phụ nữ khác. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cuộc không kích Syria có thể là cách để ông chuyển hướng dư luận như cựu Tổng thống Clinton.
Theo Dantri.com.vn