Hệ thống giáo dục đầy lỗ hổng và văn hóa truyền thống bảo thủ được cho là cội rễ của vấn tự sát và quấy rối tình dục học đường xảy ra ở Trung Quốc những năm qua.

Những cái chết đau lòng do nạn gạ tình đổi điểm ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Mối quan hệ thầy – trò trong trường đại học Trung Quốc bị đem ra xét lại sau một loạt xìcăngđan tình dục dẫn đến tự tử gần đây 

Tao Chongyuan, 26 tuổi, đang là sinh viên cao học thuộc Đại học Công nghệ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) khi anh nhảy lầu tự tử hôm 26-3 vừa qua.

Gia đình chàng sinh viên vắn số cáo buộc giáo sư hướng dẫn của anh, Wang Pan, lợi dụng và ép Tao làm nhiều thứ cho ông ta, chẳng hạn mua thức ăn, giặt giũ, và thậm chí thổ lộ “tình yêu của một người cha dành cho con trai” (dựa trên tin nhắn trao đổi giữa hai người)…

Một vài lần, Wang còn đe dọa đuổi Tao ra khỏi phòng thí nghiệm và hủy bằng cấp khi anh nộp hồ sơ xin học tiến sĩ ở nước ngoài và khi nhận được lời mời đi làm, theo lời chị gái của Tao.

Lúc vụ việc bị phanh phui, “giáo sư” Wang chối bỏ mọi cáo buộc nhưng Đại học Vũ Hán quyết định đình chỉ không cho ông này hướng dẫn thêm sinh viên nào.

Sang một câu chuyện khác, năm 1998, một cô gái tên Gao Yan – sinh viên Đại học Bắc Kinh danh tiếng – kết liễu cuộc sống ở tuổi 21.

Tuần vừa qua, tức 20 năm sau, hai người bạn học của cô đứng ra tố ông Shen Yang, 62 tuổi, cựu giáo sư môn ngữ văn của trường, cưỡng hiếp Gao.

Shen gần đây đã bị Đại học Sư phạm Thượng Hải và Đại học Nam Kinh đuổi việc. Cũng giống “giáo sư” Wang, ông này bác bỏ có quan hệ tình dục với nữ sinh viên của mình.

Những cái chết đau lòng do nạn gạ tình đổi điểm ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Tao Chongyuan tự sát khi mới 26 tuổi. Gia đình anh cáo buộc giáo sư hướng dẫn là người chịu trách nhiệm 

Vấn nạn mang tính hệ thống

Một số ý kiến liên hệ vụ Shen Yang với phong trào #MeToo (nạn nhân tình dục lên tiếng) lan rộng trên toàn cầu năm vừa qua, tuy nhiên đa phần dư luận Trung Quốc cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở mối quan hệ “thầy – trò” trong xã hội ngày càng trở nên “độc hại”, và quấy rối tình dục chỉ là một trong nhiều biểu hiện.

Căn bệnh của ngành sư phạm Trung Quốc bị một số người mô tả là “trầm kha” và “bất minh một cách có hệ thống”, theo báo South China Morning Post.

“Trường hợp của Tao chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây là một vấn đề mang tính hệ thống chứ không chỉ riêng Đại học Công nghệ Vũ Hán” – một cựu sinh viên của trường Vũ Hán nhận xét.

Thống kê trên mặt báo Trung Quốc, có ít nhất 8 trường hợp giảng viên đại học bị tố xâm hại tình dục hoặc cưỡng ép sinh viên “phục vụ” cho họ xuất hiện trong 2 năm qua.

Sau hai câu chuyện đau lòng của Tao và Gao, nhiều người khác tìm thấy sự đồng cảm và đã lên tiếng kể câu chuyện của mình.

Viết trên trang blog Weibo, một cựu sinh viên Đại học Renmin danh tiếng kể năm 2005, một giáo sư dạy môn chính sách công của trường ôm cô từ phía sau và đề nghị cô trở thành “bồ nhí” của ông ta.

Cũng tại Đại học Renmin, một người khác tố giáo sư dạy môn kinh tế đã “ôm ấp”, “sờ mó” và dùng từ ngữ tục tĩu với cô. Cuối tuần trước, trường này tuyên bố đang tiến hành điều tra cáo buộc của ác cựu sinh viên.

Những cái chết đau lòng do nạn gạ tình đổi điểm ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Gao Yan tự sát vào năm 1998 ở tuổi 21. Gần đây, hai người bạn của Gao tố một giáo sư Đại học Bắc Kinh đã cưỡng hiếp cô 

Một ngày là thầy, cả đời là thầy

Các chuyên gia và những người trong cuộc nhận xét hệ thống sư phạm bảo thủ của Trung Quốc bất lực trong việc bảo vệ các sinh viên, đặc biệt ở cấp cao học trở lên, khỏi sự quấy rối của các giảng viên, dù thống kê, báo cáo chính thức chỉ toàn là màu hồng.

“Giáo viên hướng dẫn trong các trường đại học Trung Quốc vô cùng quyền lực, họ có toàn quyền quyết định một sinh viên có được tốt nghiệp hay không” – tiến sĩ Chen Chun thuộc Đại học Tôn Trung Sơn (Quảng Châu), giải thích về sự lệ thuộc của các sinh viên.

Còn theo giảng viên Liu Chen thuộc Đại học Công nghệ Guilin, mặc dù nhiều đại học Trung Quốc cố gắng tổ chức các hội đồng đánh giá độc lập, giáo viên hướng dẫn vẫn có quyền ngăn không cho cho bảo vệ luận văn, đồng nghĩa sinh viên đó không được tốt nghiệp.

Ông Liu kể một người bạn học tiến sĩ chung với ông đã không thể tốt nghiệp chỉ vì bất hòa với giáo viên hướng dẫn, dù bài luận văn của anh được đánh giá rất cao nhờ quá trình nghiên cứu nghiêm túc.

Những cái chết đau lòng do nạn gạ tình đổi điểm ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Shen Yang, cựu giáo sư Đại học Bắc Kinh, bị tố cưỡng hiếp nữ sinh viên 

Ngoài thực trạng không ai kiểm soát quyền hạn của giảng viên, bản chất đặc biệt của mối quan hệ thầy – trò trong xã hội Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm tình trạng “trò bị thầy lạm dụng”.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc nâng vai trò của người thầy lên tương đương với cha mẹ, tức người chịu trách nhiệm về sự phát triển của học trò trên mọi phương diện, bao gồm cả đạo đức – giáo sư Yang Rui thuộc Đại học Hong Kong giải thích.

“Một ngày là thầy, cả đời là thầy” là câu ngạn ngữ Trung Hoa phản ánh rõ ràng nhất sự kính trọng/trông đợi của xã hội dành cho người thầy.

Theo giáo sư Yang, chính mối quan hệ bền chặt và gần như “mang tính đạo đức” giữa thầy và trò đã tạo điều kiện cho những kẻ suy đồi lợi dụng nó.

Người thầy tốt theo truyền thống rất phi thường, nhưng nhiều kẻ lại lợi dụng truyền thống (để làm chuyện xấu).

Giáo sư Yang Rui, Đại học Hong Kong

Giáo sư Yang nhận xét cấu trúc quyền lực hàn lâm đã ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc.

“Phương Tây đã đối phó với những vấn nạn trên trong một thời gian dài, các nhóm dễ bị tổn thương có được sự nhận thức tốt hơn bạn bè đồng trang lứa ở Trung Quốc” – ông giải thích.

“Vì lý do đó, cần phải có thời gian để thay đổi diễn ra” – vị học giả kết luận.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : gạ tình đổi điểmgiáo dụcgiáo viênhọc sinhtrung quoctự tử

Các tin liên quan đến bài viết