“Tôi gắn bó với ngành giáo dục đến nay là 37 năm 6 tháng. Từ khi huyện Bù Đốp được thành lập vào năm 2003, toàn huyện chỉ có 12 trường, 188 phòng học, 309 lớp với 9.081 học sinh từ cấp mầm non đến THPT. Cơ sở vật chất ngày ấy vô cùng thiếu thốn, giáo viên đứng lớp bên này nhìn thấy lớp bên kia. Học sinh phải kê gạch để ngồi học trong nhà tranh vách nứa. Còn bây giờ, toàn huyện đã có 28 trường, trong đó 5 trường đạt chuẩn quốc gia và một trung tâm dạy nghề với tổng 12.984 học sinh” – ông Lê Đình Coóng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp chia sẻ.
>> Đầu tư kết cấu hạ tầng – nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện Bù Đốp
BÙ ĐỐP CỦA HÔM QUA
“Ngày ấy, đường đến trường đất bột dày đến 15cm mịt mù bụi, mưa thì trơn trượt. Điện không có, đêm đến phải thắp đèn dầu leo lét như ở trong rừng. Nhiều giáo viên mới ra trường nhất là các giáo viên nữ khi phân công về đây đã phải bỏ việc. Cả huyện chỉ có một trường cấp II, học sinh từ cống Tầm Ron, cầu Sông Bé đi bộ cả 10km đường đất đỏ để đến trường. Trường THCS Bù Đốp ngày ấy phải tận dụng tất cả phòng khám của trạm y tế để làm phòng học cho học sinh. Thế nhưng vẫn thiếu phòng, nhiều em phải kê gạch, đá để ngồi học. Còn giáo viên thì dùng bảng đen làm vách để ngăn chia lớp học” – Phó hiệu trưởng Trường THCS Bù Đốp Phạm Văn Hoàng nhớ lại những năm tháng đứng lớp giai đoạn 1990-1997.
Trẻ em huyện Bù Đốp được nuôi dạy trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang
Thầy Phạm Văn Hoàng vào ngành giáo dục huyện Bù Đốp từ năm 80-81 của thế kỷ trước. Thầy cho biết, nếu nói về sự đổi thay của ngành giáo dục Bù Đốp thì ngỡ ngàng lắm, không ai ngờ được, nó giống đi bộ, đi xe đạp với đi máy bay vậy. Mới ngày nào cả trường chỉ có 6 phòng học tạm nhưng dạy đến 14 lớp. Giáo viên chủ yếu dùng phương pháp đọc cho học sinh ghi chép rồi về học cho thuộc là xong. Còn bây giờ, trường đã có 14 phòng học lầu với đầy đủ trang thiết bị dạy học. Ngay trong niên học này, nhà trường còn được đầu tư xây mới 16 phòng chức năng để phục vụ giảng dạy. Đội ngũ giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhờ đó mà các phương pháp giảng dạy tiên tiến, nhất là phương pháp lấy học sinh làm trung tâm được đội ngũ giáo viên vận dụng linh hoạt để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa từ phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập. Nhờ đó tỷ lệ học sinh bỏ học của trường đã giảm từ 3-4% của những năm trước xuống còn 1,3% trong những năm gần đây.
BÙ ĐỐP HÔM NAY
Ai cũng có một thời áo trắng hay nói cách khác là tuổi học trò để nhớ. Sân trường, thầy cô, bàn ghế, bảng đen trở nên gần gũi, thân thiện sẽ giúp học sinh gắn bó, không nỡ bỏ trường lớp. Mỗi thầy cô giáo cứ làm hết trách nhiệm của nhà giáo, cứ tận tâm yêu nghề, mến trẻ, biến sân trường thành nơi vui chơi, nơi lưu giữ tuổi thơ, chắc chắn học sinh sẽ không bỏ học. Như vậy sẽ góp phần giúp ngành giáo dục ở một huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới này khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục như các thị, thành khác trong cả nước.
Thay LÊ ĐÌNH COÓNG, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp
Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng cũng như chính quyền từ huyện đến xã, hệ thống trường lớp nói riêng và cơ sở vật chất giáo dục nói chung trên địa bàn huyện Bù Đốp đã và đang được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia. Nhờ vậy Bù Đốp hiện đã có 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Từ nay đến năm 2020, Bù Đốp phấn đấu đưa tất cả trường từ cấp mầm non đến THCS của 2 xã Tân Thành và Thiện Hưng đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu của ngành giáo dục nhằm góp phần cùng với chính quyền địa phương đưa 2 xã này đạt chuẩn nông thôn mới. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp Lê Đình Coóng cho biết, nhờ có hệ thống trường lớp khang trang đã giúp ngành giáo dục thuận lợi hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Trong những năm đầu mới thành lập huyện, tỷ lệ học sinh bỏ học lên đến 4%, cá biệt có năm xấp xỉ 5%. Thế nhưng trong năm gần đây, tỷ lệ này đã giảm quanh mức 1,2% cấp THCS và 0,4% cấp tiểu học. Ngay từ năm 1998, Bù Đốp đã hoàn thành chương trình chống mù chữ và phổ cập tiểu học. Năm 2010, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ phổ cập THCS và đến năm 2014, Bù Đốp đã tiến đến phổ cập mầm non 5 tuổi.Từ một điểm trường của thôn 5, xã Thiện Hưng được nâng lên thành Trường tiểu học Thiện Hưng C cách đây 7 năm, toàn trường hiện có 331 học sinh, trong đó 68 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong niên học 2016-2017, nhà trường đã được đầu tư 17 tỷ đồng để xây mới theo hướng trường chuẩn quốc gia. Các trường mẫu giáo Tuổi Thơ, THCS Bù Đốp thuộc xã Thiện Hưng, tiểu học Tân Thành A, THCS Tân Thành thuộc xã Tân Thành cũng được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí 41 tỷ đồng. Lùi về năm học trước, Trường mầm non Thanh Bình được đầu tư xây mới bằng nguồn vốn ngân sách 27 tỷ đồng.
Theo baobinhphuoc.com.vn