Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung trao bằng khen cho học sinh Trần Phan Thanh Hải (Trường THPT Marie Curie) bị liệt chân nhưng đam mê sáng tạo, trong lễ tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả sáng 26-11 – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đứng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn là những anh thợ đánh giày, thợ sửa xe với đôi tay còn vết lấm lem, là anh chị công nhân vệ sinh còn mặc nguyên bộ đồ đi làm và các bà, các chị nội trợ sáng sớm mai còn phải tranh thủ dậy sớm mua đồ cho bếp từ thiện rồi mới đi nhận bằng khen…Họ là những tấm gương thầm lặng, như những bông hoa lặng lẽ tỏa hương cho đời.Những cuốn tập của cô giáo PhấnPhó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung… trân trọng đến tận nơi, trao tận tay tấm kỷ niệm chương, bằng khen và những đóa hoa tươi thắm cho 138 đại diện tập thể và cá nhân bình dị.Lấy nhiều nước mắt của khán giả tại hội trường là phần giao lưu của cô giáo Đinh Thị Kim Phấn và cô bé Bùi Thị Hòa – bệnh nhi ung thư.Với những ai từng dõi theo chương trình “Viết tiếp ước mơ của Thúy” do báoTuổi Trẻ phát động, cô Phấn và lớp học dành cho bệnh nhi ung thư của cô không còn xa lạ, nhưng câu chuyện về những ước mơ nhỏ bé mãi dang dở luôn gây nhiều day dứt dẫu được kể bao nhiêu lần.Cô Phấn nhớ những ngày đầu lập lớp, cô và các tình nguyện viên phải dạy ngay tại phòng bệnh.“Nhiều phụ huynh xót con đang đau đớn với từng đợt hóa trị, không biết sống nay chết mai nên không muốn cho con học. Vậy là chúng tôi phải đứng ngoài hành lang chờ đến lúc có phòng nào vui vẻ một chút, phụ huynh cho phép thì mới vào dạy” – cô Phấn chia sẻ.Mỗi năm qua đi, có 300-400 lượt bệnh nhi đến học lớp cô Phấn. Có em chỉ vừa học viết được tên mình thì đã ra đi mãi mãi. Từng cuốn tập của các bé cô Phấn đều giữ lại cẩn thận, bởi mỗi cuốn tập là một cuộc đời, một ước mơ.Có những cuộc gọi lúc nửa đêm của phụ huynh báo cho cô biết lại có thêm một em bé sẽ không bao giờ đến lớp nữa. Lúc đó cô lại soạn chồng tập, chọn ra quyển tập của bé đó xếp lên ngăn kệ sách cao hơn – ngăn kỷ niệm.Bùi Thị Hòa – cô trò nhỏ có thời gian gắn bó lâu nhất với lớp học là năm năm – thủ thỉ: “Mỗi lần vô hóa chất con không thiết ăn uống, đau nhức, mệt mỏi. Nhưng mỗi khi được đến lớp, thấy được cô yêu thương, con tìm lại được niềm vui, con lại biết cười giữa những cơn đau buốt”.Nâng niu những niềm vui bé nhỏ đó, mỗi ngày đến lớp cô Phấn luôn mang theo nụ cười. Có người thắc mắc: Cô tìm gì giữa những cơn đau triền miên của bệnh nhi ung thư, cô hi vọng gì ở những mảnh đời rất ngắn đó mà gắng sức?Cô Phấn chia sẻ: “Có những em bé 5-6 tuổi phải vào bệnh viện khi chưa một ngày được hưởng niềm vui cắp sách tới trường. Niềm hạnh phúc đó của các em, ai nỡ nào đánh mất?”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong – Ảnh: Q.ĐỊNH
|
Xem chuyện người như chuyện nhàGiải thích về bộ đồ công nhân đang mặc trên người trước khi bước lên sân khấu, ông Nguyễn Ngọc Đức cười, gãi đầu nói: “Nhà tui ở tận Bình Tân, 1g chiều là tới giờ vớt rác, mặc sẵn để lát nữa từ chỗ này chạy về đi làm luôn”.Là thương binh, lại thêm chứng bệnh tiểu đường nhiều năm hành hạ, nhưng ngày ngày ông Đức vẫn cần mẫn trên chiếc xe ba bánh, cầm theo chiếc vợt rác lặn lội trên kênh Chiến Lược dò vớt kim tiêm, miểng chai, rác và cắt cỏ dọc kênh.Cần mẫn như vậy, mỗi ngày ông vớt được khoảng 340kg rác, mỗi tháng vớt 10 tấn rác.“Thời gian đầu, nhiều người nhìn tui chỉ trỏ hổng biết ông già này lặn ngụp, loay hoay với mớ rác rến làm chi. Tui chỉ nghĩ đơn giản: mình chịu cực một chút thì môi trường chung sạch sẽ” – ông Đức nói về công việc của mình.“Con trai tôi mới lớn lên đã bị dụ dỗ dùng ma túy. Với một người mẹ, còn nỗi đau nào hơn mất con? Ngày tôi đăng ký xin làm bảo vệ tổ dân phố, trưởng công an phường không chịu nhận, tôi năn nỉ xin cho tôi làm thử, chừng không được thì thôi” – bà Lê Kim Chung (Q.Bình Thạnh) rưng rưng nhớ và kể về cái nghiệp “bảo vệ dân phố” của mình.Thương những bạn trẻ lầm lạc dính vào ma túy, bà Chung không ngại làm bất cứ việc gì, miễn là tấn công, trấn áp, bắt giữ được tội phạm ma túy.Kiên quyết, dữ dằn vậy với tội phạm nhưng với những người hồi gia, “má Chung” thật ấm áp, dịu hiền. Bà hay dúi cho họ ít tiền khi túng bấn, kêu vô nhà bới cơm cho ăn rồi ân cần hỏi han, khuyên nhủ, nhiều lúc la rầy như người mẹ đối với con mình.Tại buổi giao lưu ngắn, mọi người còn được tận mắt nhìn thấy “ông tiên” Đỗ Văn Út ở hẻm 96 Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận – khu hẻm vẫn được người nghèo đặt là “hẻm ông tiên”.Ông Út đã có hơn 20 năm đẩy xe đồ nghề sửa xe ra đầu hẻm bơm vá miễn phí cho người nghèo. Ngày ngày cứ tầm hơn 11g, ông Út lại tất tả đội nắng vòng ngược từ chỗ làm trở về nhà ở đường Cô Giang, Q.1.Nửa tiếng sau trở lại, trên xe của ông chất bốn thùng nước lớn với một bình trà. Đặt mấy thùng nước ngay sau bộ đồ nghề sửa xe, ông nói mỗi ngày đều xuất tiền túi mua 4-5 bình nước lọc 20 lít.Ông còn dậy sớm châm trà để đúng 5g30 mỗi ngày là đã có mặt ở đây cùng bình trà cho người đi đường, kẻo nhỡ có người bán hàng rong nào ghé ngang định rót chai nước đem theo uống mà mình chưa tới kịp thì tội người ta.Nói về mơ ước của mình, ấp úng, lúng túng mãi, ông Út mới nói: “Tui mong ở TP này có thêm nhiều hẻm như hẻm 96 cho người nghèo đỡ cực”.
Ông Đỗ Văn Út châm nước cho thùng trà đá miễn phí tại hẻm 96 Phan Đình Phùng (P2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: D.PHAN |
Nghèo vật chất, giàu nghĩa tìnhTheo suốt quá trình tổ chức, bầu chọn những tập thể, cá nhân điển hình, ông Huỳnh Công Hùng – trưởng Ban thi đua khen thưởng TP.HCM – chia sẻ: “Gần gũi, tiếp cận họ, chúng tôi cảm nhận được khát vọng muốn san sẻ gánh nặng, chăm lo cho những số phận kém may mắn dù bản thân họ không giàu có gì. Họ là những người “cực giàu” – giàu tình, giàu nghĩa”.Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết số lượng các điển hình được giới thiệu trong năm nay nhiều gấp đôi so với lần 1 năm 2014.Các tiêu chí, chất lượng bình chọn ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tuyên dương đúng người, đúng thành tích. Trong đó có một số tập thể, cá nhân không muốn xuất hiện trước công chúng, không muốn được nêu danh vì tâm niệm hành động không vì lợi ích bản thân.“Lãnh đạo TP.HCM mong muốn 138 tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM lần 2 sẽ luôn là những hạt giống ươm mầm tốt đẹp cho cuộc sống, là tấm gương người tốt việc tốt để mọi người học tập và noi theo” – ông Phong nhấn mạnh.Ông kỳ vọng đây sẽ là những nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM, cùng nhau xây dựng TP.HCM sớm trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.Xúc động trước những tấm gương sống giữa đời thường, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.Bà Thịnh nhận xét thêm: TP.HCM là địa phương có truyền thống đi đầu trong thực hiện nhiều mô hình, phong trào được nhân rộng và lan tỏa trên phạm vi cả nước như phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào ba giảm, chương trình Vì biển đảo quê hương, phong trào thanh niên tình nguyện…Trong thời gian tới, Phó chủ tịch nước mong muốn TP.HCM tiếp tục duy trì, tìm tòi phát hiện, nhân rộng thêm nhiều tấm gương sống đẹp.