Mấy ngày nay trời Hà Nội một màu xám xịt, không gian nặng trĩu, mưa nắng thất thường. Cuối ngày 19-7, Hội đồng chuyên môn bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19-7-2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn). Thật vô cùng đau xót và tiếc thương một con người đáng kính, một nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực.
Bác đã làm được rất nhiều việc to lớn cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Bác là người dũng cảm, trí tuệ và thao lược khi phất cao ngọn cờ đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và cả hệ thống chính trị, củng cố niềm tin trong nhân dân về một Đảng cầm quyền, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước ta có được vị thế, cơ đồ và uy tín lớn trên trường quốc tế như hôm nay có công lớn của người lãnh đạo tài ba, uyên bác, nghĩa tình Nguyễn Phú Trọng. Bác là người học trò xuất sắc kế tục xứng đáng vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Những ngày này có nhiều bài viết cảm động, sâu sắc về bác của các lãnh đạo, bạn bè, của cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh và cả các cháu thanh thiếu niên thể hiện niềm tiếc thương. Những người nước ngoài yêu quý, kính trọng bác cũng bày tỏ lòng trân quý.
Tôi cứ vào ra nghĩ ngợi mãi, nên viết gì để tỏ lòng mình với hương hồn của bác. Bởi 5 năm bác làm Chủ tịch Quốc hội, tôi cũng có dịp gần gũi trong công việc và có vài kỷ niệm nho nhỏ đáng nhớ.
Trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự là đại biểu của dân, một đại biểu dân cử mẫu mực – Nguồn Chinhphu.vn
Dịp đầu năm 2008, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sơ kết 5 năm hoạt động, tổ chức gọn nhẹ, có mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dự và liên hoan với ban. Sau khi tham gia hoàn thiện các văn bản báo cáo, tôi được phân công nhiệm vụ đặt tiệc liên hoan và đón khách quý đến dự buổi sơ kết tại nhà khách của Văn phòng Quốc hội ở số 27 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Lần đầu làm việc này nên tôi thiếu kinh nghiệm. Vốn tiết kiệm nên tôi đã nhẩm tính khá kỹ số lượng người dự họp và dự tiệc, chỉ đặt dư khoảng 2-3 suất, yên tâm là ổn. Họp gần xong tôi đến kiểm tra phòng ăn, đếm kỹ thấy thiếu, tôi hỏi nhà khách thì được biết: Cán bộ bảo vệ và bác sĩ đã nhận trước một mâm để làm công tác nghiệp vụ của họ. Lúc ấy, tôi mới hiểu thông lệ quan trọng này và biết mình quá thiếu sót. Cuộc họp sơ kết vừa xong, lãnh đạo ban và tôi mời khách dự tiệc vào vị trí ổn định. Mấy anh chị em chuyên viên trẻ dồn cả vào một mâm, tôi cùng ngồi với nhóm này, khấp khởi mừng như không có chuyện gì xảy ra. Không ngờ, sau khi nâng cốc chúc lãnh đạo ban và một số khách khác, Chủ tịch Quốc hội đi chúc hết lượt mấy bàn, đến chỗ chúng tôi thấy đông hơn, bác đã hỏi vui và như tự trả lời thay “Sao ngồi đông thế, đặt cỗ thiếu à?”. Tôi đang lo ngay ngáy nhưng thấy Chủ tịch Quốc hội gần gũi mà tế nhị nên cũng nhẹ người như thoát nạn vì không bị ai phê bình. Một kỷ niệm nhỏ khó quên.
Trong quá trình làm việc, theo chức năng, nhiệm vụ của Vụ Công tác đại biểu có những việc cần được xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, như công tác nhân sự hay giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia,… Nhưng nhiều hơn là trong công tác tham mưu và phục vụ hoạt động chất vấn ở kỳ họp Quốc hội hay ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông thường thì vụ báo cáo lãnh đạo ban và Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp (theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 gọi là Tổng Thư ký Quốc hội), nhưng các đồng chí là đại biểu Quốc hội lại bận nhiều công tác và cũng tin vụ làm chuyên môn đã thạo việc nên hầu như giao luôn cho vụ báo cáo trực tiếp lãnh đạo Quốc hội. Công việc này vụ đã phân công tôi làm nhiều năm nên tôi thường được báo cáo trực tiếp Chủ tịch và Phó Chủ tịch đảm nhiệm giúp Chủ tịch Quốc hội. Các đồng chí lãnh đạo cũng tin tưởng và có chút xuê xoa về thủ tục với thứ bậc người báo cáo để bảo đảm tiến độ công việc. Vì thế, thường đầu giờ và giữa giờ các phiên họp của những ngày chuẩn bị và mấy ngày diễn ra hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn trực tiếp trên hội trường là tôi thường xuyên được gặp Chủ tịch Quốc hội để báo cáo tình hình hay nghe chỉ đạo trực tiếp các việc như chuẩn bị nội dung kịch bản, tiếp thu chỉnh sửa các bài mở đầu, kết luận một phiên chất vấn hoặc cả đợt chất vấn. Tuy công việc bộn bề, có lúc rất khẩn trương nhưng lúc nào Chủ tịch Quốc hội cũng điềm đạm, đọc kỹ văn bản, sửa từng chữ, từng ý rất khúc chiết và nhắc nhở nhẹ nhàng, động viên kịp thời với tình cảm ấm áp không có khoảng cách cấp trên, cấp dưới để người giúp việc như chúng tôi thêm tự tin, cố gắng nhiều hơn.
Có lần gần trưa Chủ nhật trước phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, tôi bất ngờ được lãnh đạo ban và đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp gọi điện bảo đến báo cáo công việc chuẩn bị các văn bản cho kỳ chất vấn với Chủ tịch Quốc hội. Sau khi xem lại các văn bản là hết buổi trưa, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giao tôi và đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đến nhà riêng Chủ tịch Quốc hội báo cáo. Lúc đó là đầu giờ chiều, đến nơi đã thấy Chủ tịch Quốc hội đợi sẵn, sau vài câu thăm hỏi là vào việc ngay. Tôi hơi lo vì lần đầu được báo cáo để Chủ tịch Quốc hội nghe lại những nội dung theo các nhóm vấn đề chuẩn bị chất vấn cùng với kế hoạch chi tiết phiên chất vấn. Được Chủ tịch Quốc hội sửa và bổ sung một số ý cho rõ, bỏ một số đoạn cho gọn rồi ôn tồn nhắc là cần tiếp tục nắm sát diễn biến, có gì mới báo cáo thêm nên tôi cũng yên tâm, phấn khởi khi ra về.
Bút tích của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Một lần khác ở kỳ họp sau (kỳ họp thứ 8, khóa XII), tôi nhớ là sáng thứ Bảy, hôm đó Quốc hội nghỉ, tôi có giấy mời dự hội nghị của một cơ quan khác ở số 11 Lê Hồng Phong thì bỗng dưng anh Nguyễn Huy Đông – Thư ký của Chủ tịch Quốc hội gọi điện thoại nói là đến phòng Chủ tịch Quốc hội báo cáo công việc. May mà đang gần cơ quan nên tôi nhanh chóng có mặt kịp theo yêu cầu. Cũng như lần trước, Chủ tịch Quốc hội ân cần hỏi thêm về các nội dung trong văn bản chuẩn bị cho kỳ chất vấn đã gửi Chủ tịch tối hôm trước để xin ý kiến chỉ đạo. Hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội còn động viên tôi mạnh dạn nêu quan điểm có tính phản biện một số chỗ rồi dùng bút mực đỏ chỉnh sửa văn bản rất tỉ mỉ. Tôi thấy mình chuẩn bị văn bản vẫn chưa kỹ, cần cố gắng nhiều. Thú thật hôm đó tôi toát mồ hôi khi nghe câu: “Căn cứ vào đâu mà em đề xuất như thế”. Sau khi nghe tôi trình bày rành rẽ 4-5 căn cứ một cách khách quan, logic, Chủ tịch Quốc hội nói: “Được, em làm việc thế anh yên tâm”.
Cả đời làm việc, từ khi trong quân đội dù đã được tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, bằng lao động sáng tạo,… đến khi chuyển ra Văn phòng Quốc hội cũng được một số khen thưởng, ghi nhận đáng kể, nhưng có lẽ câu nói ấy của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng làm tôi vui nhất, ghi nhớ sâu sắc, dù không có giấy trắng, dấu đỏ.
Một lần đi dự buổi tiếp xúc cử tri ở quận Cầu Giấy, tôi thấy họ kê bàn ghế cùng ở nền hội trường theo kiểu hội thảo. Bác Trọng cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 của Hà Nội ngồi với cử tri rất gần gũi, không ngồi trên sân khấu cao của hội trường như nhiều nơi vẫn bố trí. Hỏi thì được biết do Chủ tịch Quốc hội gợi ý. Một người dù ở cương vị cao nhưng khi đến với cử tri, bác không muốn ngồi cao hơn, mà mong được gần dân, lắng nghe dân…
Từ ngày bác sang làm Tổng Bí thư của Đảng, tôi chưa có cơ hội gặp lại. Mấy năm toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực mà bác là người nêu cao ngọn cờ với những phát biểu định hướng rất sâu sát, cụ thể, quyết liệt nhưng rất nhân văn, nhân ái,… tôi đã có bài viết “Những câu nói mộc mạc, giản dị dễ đi vào lòng người” được 2 báo đăng.
Những ngày này, nhân dân cả nước đang thương nhớ bác, trong nỗi buồn chung, tôi cố ghi lại đôi điều ký ức cảm nhận về một người lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, có tâm lớn, tầm cao được nhân dân yêu quý, ghi nhớ công ơn.
Theo Báo Bình Phước