Những đứa trẻ nhìn quá nhiều vào màn hình thiết bị điện tử có những phát triển khác biệt về cấu trúc bộ não, liên quan tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ và kỹ năng đọc hiểu.
Đối tượng tham gia nghiên cứu là 47 em nhỏ (27 bé gái và 20 bé trai) trong độ tuổi từ 3-5. Các em đều được chụp cộng hưởng từ (MRI) não và kiểm tra năng lực nhận thức.
Cha mẹ các em cũng được yêu cầu hoàn thành một khảo sát liên quan tới thời gian xem màn hình của con. Họ phải trả lời những câu hỏi về tần suất xem, kiểu màn hình và nội dung theo dõi của trẻ.
Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy những trẻ sử dụng màn hình thiết bị điện tử thường xuyên “có những chỉ số thấp về tổ chức cấu trúc vi mô và quá trình myelin hóa ở những vùng chất trắng trong não vốn là yếu tố hỗ trợ khả năng ngôn ngữ và kỹ năng đọc hiểu”.
Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ dưới 18 tháng tuổi cần được tránh xa tuyệt đối với các thiết bị màn hình điện tử.
“Cha mẹ có con từ 18-24 tháng tuổi nếu muốn cho con tiếp cận với truyền thông kỹ thuật số, họ nên chọn các loại chương trình chất lượng cao, và xem cùng con để giúp chúng hiểu rõ những gì đang xem”, chỉ dẫn của AAP nêu.
Trong khi đó, với trẻ từ 2-5 tuổi, cha mẹ nên “hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình chỉ một giờ mỗi ngày với các chương trình chất lượng cao”.
Ông John Hutton, người chủ trì nghiên cứu nói trên khuyến cáo về thực trạng thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử với trẻ đang tăng không chỉ ở nhà, mà còn trong nhiều bối cảnh khác.
“Truyền thông trên các màn hình đang phổ biến và tăng lên ở nhà, nơi trông giữ trẻ và trường học với những lứa tuổi nhỏ hơn rất nhiều”, ông Hutton nói. “Các phát hiện nghiên cứu này nhấn mạnh nhu cầu cần hiểu rõ các tác động của thời gian xem màn hình với bộ não, đặc biệt trong các giai đoạn bộ não đang phát triển mạnh mẽ ở trẻ nhỏ, từ đó các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà hoạch định chính sách và cha mẹ cần đặt ra các giới hạn lành mạnh”.
Nguồn: tuoitre.vn