Việc cứu sống, điều trị cho những trẻ này vô cùng khó khăn khi “vũ khí” duy nhất để điều trị là kháng sinh nhưng chúng đã bị kháng toàn bộ.
Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh cho con uống thuốc kháng sinh vô tội vạ, xem như “thần dược”. Điều này không chỉ gây ra hậu quả trước mắt mà còn tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như đề kháng của trẻ về sau.
Kết quả xét nghiệm có vi trùng kháng kháng sinh
Đến ba tiệm thuốc trên đường Nguyễn Thị Búp (quận 12, TP.HCM) vào sáng 4-9 để mua thuốc kháng sinh Augmentin 250mg cho trẻ (một loại thuốc kháng sinh phổ biến thường được kê đơn để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) thì chúng tôi đều được bán cho loại thuốc này mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.
Theo quy định, thuốc kháng sinh chỉ được bán theo kê đơn thì thực tế việc tiếp cận thuốc kháng sinh ở các tiệm thuốc hiện nay vẫn rất dễ dàng, trong khi trước đó Bộ Y tế từng đặt mục tiêu đến 2020 đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy.
BS Nguyễn Trần Nam – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cho biết bản thân ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng với kết quả xét nghiệm cho thấy có những vi trùng kháng tất cả các loại kháng sinh. Với các bác sĩ điều trị, đây là đòn cân não, đặc biệt đối với những trẻ mắc bệnh nặng khi “vũ khí” duy nhất để điều trị cho trẻ là kháng sinh mà “vũ khí” này đã bị “tê liệt” toàn bộ.
Bác sĩ Nam cho rằng trước đây khi đề cập đến vấn đề kháng kháng sinh thì chúng ta chỉ nghĩ đến ở bệnh viện và hay gặp ở trẻ em hoặc người bệnh nằm viện lâu ngày khi phải dùng kháng sinh trong thời gian dài. Thế nhưng hiện nay ngoài cộng đồng, khi xét nghiệm một số người thì vẫn cho kết quả có vi trùng kháng thuốc không thua kém gì so với ở bệnh viện.
Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con trẻ uống và xem như “thần dược”. Kháng kháng sinh đã gây ra nhiều hệ lụy đối với cộng đồng, với riêng trẻ em sẽ khó khăn gấp bội phần vì điều này sẽ ảnh hưởng cả quá trình phát triển, sức khỏe sau này của trẻ.
Trong quá trình thăm khám và tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhi đồng thường xuyên thấy các bậc phụ huynh cầm theo túi thuốc cho trẻ mà bên trong dày đặc các loại thuốc kháng sinh. “Nhìn thấy điều này, bác sĩ chúng tôi cảm thấy quặn lòng khi trẻ còn rất bé nhưng lại uống nhiều thuốc kháng sinh đến thế. Hỏi phụ huynh thì họ đinh ninh đó là những thuốc “đầu tay”, thuốc “thánh” cho trẻ khi bị bệnh nên mua về uống” – bác sĩ Nam chia sẻ.
Ba sai lầm phổ biến
Thực tế hiện nay nhiều phụ huynh mua thuốc kháng sinh nhưng không hề biết đó là thuốc kháng sinh. Có nhiều trường hợp đã biết thuốc kháng sinh rồi nhưng sau đó lạm dụng khi trẻ có bất cứ biểu hiện nào liên quan đến nhiễm trùng như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, tiêu chảy, hay có vết thương trên da…
Theo bác sĩ Nam, sai lầm điển hình nhất là phụ huynh còn nghĩ rằng việc cho trẻ uống kháng sinh thì không thể gây hại cho con mình vì những lần trước trẻ bị bệnh thì khỏi hẳn sau khi uống đơn thuốc có thuốc kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ. Và cứ thế sau này nếu trẻ có bị bệnh thì dù bất cứ lý do gì thì phụ huynh cũng đem đơn thuốc cũ này ra tiệm thuốc mua về cho con uống.
Hoặc trường hợp trẻ đang uống thuốc kháng sinh theo hướng dẫn bác sĩ nhưng chỉ cần uống kháng sinh 2-3 ngày mà chưa thấy hiệu quả thì phụ huynh tự động ngưng thuốc, không uống đủ liều.
Cũng có nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đi khám bác sĩ A và được cho thuốc về uống nhưng thấy tình trạng sức khỏe bé chưa có tiến triển nên ngày hôm sau lại chuyển qua bác sĩ khác và cũng được cho đơn thuốc.
“Khi uống thuốc kháng sinh vô tội vạ, đổi thuốc liên tục, không theo trình tự và lộ trình điều trị sẽ làm sức khỏe trẻ ngày càng kém đi, đề kháng kháng sinh những vi trùng gây bệnh ngày càng tăng lên. Dần dần chúng ta đi vào vòng luẩn quẩn giữa bệnh tật, nhiễm trùng và đề kháng kháng sinh”, bác sĩ Nam nhận định.
Cân nhắc trước khi cho trẻ dùng kháng sinh
Theo Bộ Y tế, kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Đối với các bác sĩ điều trị, việc dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ không chỉ có nỗi lo kháng kháng sinh mà trong gần 30 năm trở lại đây rất ít kháng sinh được tạo ra vì giới hạn trong hoạt động ngành dược nên bức tranh hậu kỷ nguyên kháng sinh sẽ đến sớm khi không còn kháng sinh mới ra đời.
Sự phát triển các vi trùng kháng thuốc ngày càng mạnh làm cho việc phòng kháng kháng sinh lại ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy phải thật thận trọng và sáng suốt khi dùng kháng sinh cho trẻ.
Với những hệ lụy trên, bác sĩ Nam khuyến cáo, khi sức khỏe trẻ có vấn đề, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Khi kê đơn thuốc cho trẻ, các bác sĩ và nhân viên y tế phải tư vấn các loại thuốc trong toa và phải nói rõ thêm.
Nếu có thành phần kháng sinh nên xem xét có cần thiết dùng kháng sinh để điều trị bệnh cho trẻ hay không mà thay vào đó dựa vào chính sức đề kháng để chống lại bệnh tật một cách chủ động.
Cha mẹ cần cân nhắc trong mọi tình huống khi nào trẻ mới cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu trẻ phải dùng kháng sinh thì thời gian, hàm lượng dùng như thế nào. Điều này cũng giúp phụ huynh nhận diện được những tên thuốc kháng sinh thường gặp. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức khỏe trẻ bằng cách tập thể dục thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng phù hợp, sống lành mạnh…
Phá vỡ “hàng rào” bảo vệ trẻ
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, chúng ta dùng kháng sinh một cách bừa bãi và phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài đó là thuốc mà lại quên đi hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Hệ thống này là “hàng rào” bảo vệ rất tốt và chuyên nghiệp từ khi còn trong bào thai. Khi tần suất dùng thuốc kháng sinh quá nhiều với số lượng lớn thì chúng sẽ tước đi “sức mạnh” vốn có của hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Nguồn: tuoitre.vn