Qua đơn thư tố cáo của công dân và công tác thanh tra, phát hiện hai dự án khuyến nông thực hiện trên địa bàn huyện Bù Ðăng (Bình Phước) trong giai đoạn 2015 – 2017, có dấu hiệu làm giả hồ sơ, kê khống giá thành cây giống, vật tư, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Người dân xã Minh Hưng (Bù Ðăng, Bình Phước) tỉa chồi điều ghép thuộc dự án HÐ-08.
“Thổi” giá cây giống và vật tư
Ngày 1-7-2015, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư) và Trạm Khuyến nông huyện Bù Ðăng (đơn vị thực hiện) ký kết hai hợp đồng về “Xen canh bền vững cây cà-phê ghép năng suất cao trong vườn điều” (HÐ-07) và “Ghép cải tạo vườn điều già năng suất thấp bằng phương pháp ghép cành kết hợp đầu tư chăm sóc phòng trừ sâu bệnh tổng hợp” (HÐ-08). Trong đó, HÐ-07 có tổng kinh phí hơn 1,47 tỷ đồng, thực hiện từ tháng 7-2015 đến tháng 6-2016, tại 28 hộ dân; HÐ-08 có tổng kinh phí 703,8 triệu đồng, thực hiện từ tháng 7-2015 đến tháng 7-2017, tại 15 hộ dân. Sau khi hoàn thành các thủ tục đấu thầu, ngày 11-11-2015, Trạm Khuyến nông huyện Bù Ðăng ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Huỳnh Thịnh để mua 18.480 cây cà-phê giống, với giá 30 nghìn đồng/cây (tổng giá trị hợp đồng này là 554,4 triệu đồng). Cùng ngày, Trạm Khuyến nông huyện Bù Ðăng ký hợp đồng với Cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp Phước Long mua 6.180 chồi giống điều ghép, với giá 10 nghìn đồng/chồi (tổng giá trị hợp đồng này là 124,8 triệu đồng, tính cả công ghép)…
Tuy nhiên, giá cây giống và vật tư ở hai dự án kể trên có dấu hiệu bị kê khống, “thổi” giá lên nhiều lần so với giá thực tế trên thị trường. Theo tố cáo của một cán bộ Trạm Khuyến nông Bù Ðăng, cùng với việc đối chiếu đơn giá của một dự án thuộc chương trình nông thôn mới ở huyện Bù Ðăng (do UBND huyện phê duyệt) ở gần thời điểm, giá cây cà-phê ghép ở HÐ-07 đã bị “đội” lên thêm 18 nghìn đồng/cây (giá thực tế trên thị trường là 12 nghìn đồng/cây)! Còn giá chồi giống điều ghép cao hơn gấp ba lần (giá thực tế trên thị trường chỉ là ba nghìn đồng/chồi)! Không những vậy, giá các loại vật tư khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng có dấu hiệu bị nâng lên. Chẳng hạn, giá phân hữu cơ vi sinh bị kê lên thêm 50%, phân lân và vôi bột bị kê giá thêm gấp hai lần… Theo Kết luận Thanh tra số 07/KL-UBND ngày 9-1-2017 của UBND tỉnh Bình Phước về hai dự án HÐ-07 và HÐ-08 nói trên, việc thẩm định đơn giá áp dụng đối với HÐ-07 và HÐ-08 là chưa đúng quy trình, đã không lấy ý kiến Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, việc áp giá (tính đơn giá) cho hai dự án trên cao hơn đơn giá do Sở Tài chính thẩm định.
Có dấu hiệu bưng bít, bao che
Quá trình triển khai hai dự án HÐ-07 và HÐ-08 còn bộc lộ những sai phạm khác. Trong thời gian thực hiện, Trạm Khuyến nông Bù Ðăng đã không cập nhật sổ sách kế toán theo Luật Kế toán, không báo cáo tài chính hằng năm cho Phòng Tài chính – Kế hoạch và UBND huyện Bù Ðăng theo quy định. Ðặc biệt, việc tổ chức mời thầu đối với hai dự án trên cũng vi phạm các quy định về đấu thầu đối với các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước được quy định tại Luật Ðấu thầu 2013 và Nghị định số 63/2014/NÐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 26-6-2014) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Trước hết, Trạm Khuyến nông Bù Ðăng đã không thẩm tra hồ sơ năng lực các đơn vị tham gia đấu thầu, không đăng tải các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo chào hàng cạnh tranh, kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Ðấu thầu, mà chỉ đăng (một kỳ) thông báo chào hàng cạnh tranh trên Báo Bình Phước.
Trước những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng ở hai dự án HÐ-07 và HÐ-08, từ giữa năm 2016 (lúc hai dự án còn đang triển khai và chưa nghiệm thu), một cán bộ của Trạm Khuyến nông Bù Ðăng đã cất công thu thập bằng chứng và tố cáo lên các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Bình Phước. Trên cơ sở đó, ngày 12-8-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ký Quyết định 2142/QÐ-UBND thành lập Ðoàn thanh tra xác minh theo đơn tố cáo của công dân. Tuy nhiên, quá trình tiến hành thủ tục thanh tra này có nhiều dấu hiệu bất thường, vi phạm các nguyên tắc và quy định của pháp luật về công tác thanh tra. Vì trước đó ngày 6-7-2016, Chủ tịch UBND tỉnh ký Công văn số 1879/UBND-TD giao Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập Ðoàn thanh tra, gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, như Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan. Thế nhưng, thành viên Ðoàn thanh tra được thành lập theo Quyết định 2142/QÐ-UBND không có đại diện Công an tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Trong năm thành viên của Ðoàn thì bốn người là cán bộ Thanh tra tỉnh, người còn lại là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Trong khi sự việc có dấu hiệu tham nhũng, chi sai nguyên tắc tài chính – kế toán, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, thì sự vắng bóng các thành phần chuyên ngành như công an, nông nghiệp, nội chính… đã để lại nhiều dấu hỏi về tính khách quan và chính xác.
Không những vậy, ngày 29-7-2016, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Phước Trần Văn Vân đã ký văn bản thông báo cho các đơn vị liên quan về việc nghiệm thu HÐ-07 với thời gian từ ngày 2-8 đến 4-8-2016 kèm theo lịch trình cụ thể. Nhưng không hiểu vì sao ngày 11-9-2016, chính ông Trần Văn Vân lại ký với Trạm Khuyến nông Bù Ðăng một bản phụ lục hợp đồng đối với HÐ-07, với nội dung chính là kéo dài thời gian thực hiện HÐ-07 đến ngày 20-12-2016! Một trong hai lý do đưa ra cũng thiếu thuyết phục. Phụ lục nêu rằng, do quá trình lựa chọn đơn vị cung ứng giống và vật tư nông nghiệp kéo dài, gây ảnh hưởng tiến độ triển khai HÐ-07. Tuy nhiên, thực tế (Kết luận thanh tra) cho thấy, ở HÐ-07, việc lựa chọn nhà cung ứng và giao nhận giống, vật tư diễn ra rất chóng vánh. Chỉ một ngày sau thời hạn chót nhận hồ sơ chào hàng cạnh tranh (10-11-2015), Trạm Khuyến nông Bù Ðăng đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng và đến ngày 13-11-2015 thì việc bàn giao vật tư hoàn tất! Như vậy, việc điều chỉnh thời gian thực hiện HÐ-07 sau khi đã tiến hành nghiệm thu và nhất là sau khi có Quyết định thanh tra là có dấu hiệu “chạy hiện trường”! Không dừng lại đó, sự việc còn có dấu hiệu được bao che, khi trong Kết luận thanh tra nêu trên không hề đề cập phụ lục HÐ-07 đã nêu, lại còn kết luận rằng, HÐ-07 mới kết thúc, đang nghiệm thu tại thực địa!
Với nhiều sai phạm và những dấu hiệu bất thường ở hai dự án khuyến nông kể trên, người dân, các cán bộ tâm huyết với ngành nông nghiệp mong mỏi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước cần “lật lại” hồ sơ hai dự án này, để có thể xử lý nghiêm minh những cá nhân, đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khắc phục hậu quả, đem lại niềm tin cho người dân ở địa phương…
CHÁNH DŨNG