Báo cáo cho thấy có 12 quỹ ở trung ương đang làm thủ tục giải thể hoặc xem xét giải thể, sắp xếp lại, sửa đổi hoặc bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động.
Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 được Chính phủ gửi Quốc hội cho biết tình trạng hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương đã chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động kém hiệu quả.
Cụ thể, có 12 quỹ ở trung ương đang làm thủ tục giải thể hoặc xem xét giải thể, sắp xếp lại, sửa đổi hoặc bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động.
Bao gồm: Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế; Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ bảo trì đường bộ trung ương; Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo.
12 quỹ ở trung ương đang làm thủ tục giải thể hoặc xem xét giải thể, sắp xếp lại |
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 4 quỹ có nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước, gồm: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân ở nước ngoài.
Có 2 quỹ hoạt động gần như phụ thuộc vào nguồn NSNN cấp, không có nguồn thu khác (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia).
Một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả. Đó là Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nguồn thu thấp, không hoạt động độc lập mà phải phối hợp với Cơ quan thường trực hoặc Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ; Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS nguồn thu không đáng kể, gần như không có hoạt động. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương gặp khó khăn trong vận động nguồn thu.
Ngoài ra, mô hình hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam không phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn trong thực hiện. Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH thực hiện rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến thành lập, hoạt động và quản lý quỹ để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về mô hình mô hình tổ chức quỹ cho phù hợp, nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của quỹ.
Còn quỹ Quốc gia về việc làm không có tổ chức bộ máy, kế toán và cơ chế hoạt động giống như một nguồn vốn cho vay quay vòng do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, thực hiện cho vay theo các quy định của Nhà nước.
Đến cuối năm 2020, có 24 quỹ đang hoạt động, do 15 bộ, cơ quan ở Trung ương quản lý: 16 quỹ thành lập theo quy định tại các Luật, Pháp lệnh; 2 quỹ được quy định trong nghị định của Chính phủ (Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Quỹ bình ổn giá xăng dầu); 3 quỹ được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 2 quỹ thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo).
Nguồn: vietnamnet