“Sở đã mời phụ huynh các trường quốc tế lên trao đổi nhưng nhiều người không hợp tác và quá khích. Có những phụ huynh tuyên bố khiếu kiện nhà trường nhưng không cần thắng mà chỉ cần trường mất uy tín”- ông Lê Hoài Nam, cho hay.
Chiều 26/5, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Thông tin truyền thông TP.HCM đã họp báo thông tin về hoạt động một số trường quốc tế tại TP.HCM.
Vấn đề nổi cộm nhất trong thời gian vừa qua là hàng trăm học sinh trường quốc tế “cầu cứu” học phí.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay một số phụ huynh trường quốc tế đã gửi đơn cầu cứu, phản ánh lên sở và các cơ quan khác.
Sở GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng của quận/ huyện để cùng xử lý bởi điều này ảnh hưởng tới chính trị xã hội.
Ngoài ra Sở GD-ĐT cũng đã mời phụ huynh này lên để lắng nghe trao đổi nhưng gặp nhiều khó khăn bởi họ không hợp tác.
“Chúng tôi đã mời phụ huynh lên để trao đổi. Chúng tôi cũng mời các trường lên để trao đổi. Tuy nhiên nhiều phụ huynh không hợp tác và quá khích. Có những phụ huynh tuyên bố khiếu kiện nhà trường nhưng không cần thắng chỉ cần trường mất uy tín”- ông Nam cho hay.
Theo ông Nam, thời gian qua Sở GD-ĐT đã có nhiều hoạt động chấn chỉnh về các hoạt động và học phí. Cụ thể, ngay khi dịch xảy ra đã lường trước sự việc, có văn bản hướng dẫn trong đó lưu ý, các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Khi chuẩn bị đi học lại Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường quốc tế và ngoài công lập. “Về cơ bản các trường đều tính toán và có miễn giảm học phí”- ông Nam nói.
Ông Nam khẳng định về pháp lý việc thu học phí sẽ theo Nghị định 86 của Chính phủ.
“Bản chất của việc thu học phí ngoài công lập là sự thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và nhà trường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì hai bên bàn lại hoặc có thể chấm dứt hợp đồng”- Phó giám đốc Lê Hoài Nam cho hay.
Theo ông Nam, Luật đã quy định rõ ràng nhưng nhiều phụ huynh không hiểu và khi phụ huynh lên sở, phía sở đã tư vấn nhưng họ vẫn không đồng ý.
Sở GD-ĐT nhận được đơn của phụ huynh các trường gồm VAS, Trường quốc tế Sao Việt, Trường quốc tế Úc (AIS).
“Nếu phụ huynh không hợp tác chúng tôi sẽ đề nghị công an thành phố và các cơ quan liên ngành có biện pháp. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ huynh, học sinh nhưng cũng là quyền lợi của các nhà đầu tư. Cụ thể như ở VAS, chúng tôi cử chuyên viên xuống và nhờ PA83 vào cùng dự nhưng phụ huynh cũng không cho vào. Thậm chí là 130 phụ huynh vào trường đối thoại nhưng 130 phụ huynh nhất quyết không vào mà đứng ngoài căng băng rôn” – ông Nam nói.
Trước vấn đề, trường quốc tế phải thỏa thuận học phí với phụ huynh khi thay đổi dịch vụ (dạy trực tiếp chuyển sang trực tuyến), không thỏa thuận với phụ huynh có sai không?,
Ông Lê Hoài Nam cho hay đây là tiền lệ chưa bao giờ. Do dịch covid-19, tất cả các cơ quan đều phải thay đổi từ cách thực hiện, cách làm việc, các cơ quan trường học cũng vậy.
Khi chuyển việc dạy học này chắc chắn chưa tạo được sự đồng thuận. Sự trao đổi giữa phụ huynh và nhà trường cũng chưa kịp thời được. Do vậy nếu trao đổi liền cũng không thực hiện được mà phải trao đổi qua thư từ và điều này chưa thể truyền tải được.
“Phải nhìn mặt tốt là các trường cố gắng thay đổi cách thức dạy trong dịch bệnh khi học sinh chưa thể đến lớp. Còn kết quả chất lượng do từng trường và điều này phải đánh giá lại. Chúng tôi không thể đánh giá ngay và nói chương trình này dở hay tốt bởi khi cách ly thì Sở cũng phải cách ly và không xử lý ngay được và muốn phải kiểm tra tận nơi”- ông Nam nói.
Trước vấn đề sẽ có làn sóng phụ huynh trường quốc tế muốn chuyển trường cho con, ông Nam cho hay học trường quốc tế thì có thể chuyển qua trường quốc tế.
Riêng học sinh mầm non trường quốc tế có thể chuyể sang trường công lập.
Với học sinh học trường song ngữ thì có thể chuyển qua trường công nhưng chỉ áp dụng từ cấp THCS trở xuống.
Phụ huynh VAS yêu cầu đối thoại về học phí |
Thời gian vừa qua, phụ huynh nhiều trường quốc tế ở TP.HCM đã tập trung yêu cầu nhà trường đối thoại về chính sách học phí.
Từ đầu tháng 4, sự việc xảy ra tại Trường dân lập quốc tế Việt Úc, giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh cả nước nghỉ học ở trường và chuyển qua học trực tuyến.
Lúc này, nhiều phụ huynh VAS bất bình vì giữa mùa dịch, học sinh không học tập trung nhưng được yêu cầu thanh toán các khoản phí trong năm theo quy định.
Sau phản ứng của phụ huynh, phía VAS có thông báo và nhấn mạnh vẫn đang duy trì các hoạt động giảng dạy và học tập trực tuyến cùng các hoạt động hỗ trợ như tuyển sinh, tăng cường đội ngũ nhân sự cho năm học sắp tới.
Phụ huynh chỉ thanh toán cho những ngày thực tế học sinh đã sử dụng các dịch vụ này tại trường.
Tuy nhiên phụ huynh tiếp tục phản ứng, khiến ngày 2/5, VAS đã có thông báo mới về chương trình học phí năm học 2019-2020 trong đó quyết định, đối với cấp mầm non trong thời gian nghỉ dịch theo quy định của Nhà nước sẽ không thu học phí. Đối với cấp Tiểu học và Trung học, trong thời gian nghỉ dịch và học trực tuyến theo quy định của nhà nước, giảm 70% học phí. Trường không thu các khoản phí khác bao gồm phí ăn uống, xe đưa đón học sinh trong giai đoạn nghỉ dịch và học trực tuyến theo quy định.
Sau thông báo này, ngày 8/5, trường đã gửi thông tin đóng học phí tới phụ huynh. Tuy nhiên vẫn không đồng ý với các nội dung đó.
Tới nay đã hai lần (ngày 9/5 và 14/5) hàng trăm phụ huynh tiếp tục tới trường mong muốn đối thoại với nhà trường nhưng đều bất thành.
Tình trạng phụ huynh tập trung tới trường đòi đối thoại về học phí cũng diễn ra ở nhiều trường dân lập quốc tế khác ở TP.HCM như: Trường song ngữ EMASI, Trường Quốc tế Mỹ (TAS) hay Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (Trường ĐH Tôn Đức Thắng)…
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có chỉ đạo giao Giám đốc Sở GD-ĐT làm việc với Trường dân lập quốc tế Việt Úc và các trường dân lập quốc tế để có biện pháp giải quyết, trả lời phụ huynh học sinh theo thẩm quyền.
Nguồn: vietnamnet