Gần đây một số địa phương, nhà đầu tư BOT kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT cho phép mở rộng, làm thêm một số hạng mục trên đường BOT đang khai thác.
Theo nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21-10-2017, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Đồng thời nghị quyết quy định việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.
Sau khi nghị quyết 437 ban hành, thời gian qua Bộ GTVT đã dừng triển khai 14 dự án đầu tư BOT trên đường hiện hữu.
Tuy nhiên, gần đây một số địa phương, nhà đầu tư BOT kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT cho phép mở rộng, làm thêm một số hạng mục trên đường BOT đang khai thác như Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đề nghị mở rộng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang có 6 làn xe lên 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT, Tổng công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) đề xuất đầu tư hầm chui, cầu vượt tại 10 nút giao trên quốc lộ 51…
Trước các đề xuất trên, mới đây Bộ GTVT đã có báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong nghị quyết 437.
Lý do Bộ GTVT đưa ra là nghị quyết 437 đã giải quyết triệt để được tồn tại về tiêu chí và chủ trương đầu tư đối với các dự án BOT mới. Tuy nhiên, nghị quyết chưa có điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã ký hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày nghị quyết 437 có hiệu lực.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, một số địa phương đề xuất bổ sung một số hạng mục vào các dự án BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư như nút giao, cầu vượt, đường gom hoặc xuất phát từ nhu cầu vận tải cần đầu tư mở rộng một số làn xe, một số hạng mục công trình để đáp ứng nhu cầu.
Bộ GTVT còn cho biết việc bổ sung các hạng mục nói trên vào các dự án lại không phù hợp với nghị quyết 437 vì đồng nghĩa với tiếp tục đầu tư BOT trên đường hiện hữu. Nếu Nhà nước đầu tư các hạng mục trên sẽ phải bố trí ngân sách để đầu tư. Nhưng phương án này không khả thi trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong nghị quyết 437 như: bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã ký hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày nghị quyết 437 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký; cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục nâng cấp, mở rộng thực sự cần thiết vào các dự án BOT đang thực hiện để tăng cường kết nối, đảm bảo nhu cầu vận tải, nâng cao an toàn giao thông và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án BOT.
TP.HCM không làm BOT trên đường cũ
Giữa tháng 12-2020, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương về chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng mới cầu Tân Kỳ – Tân Quý (quận Bình Tân) từ hình thức BOT sang đầu tư công bằng vốn ngân sách TP.
Trước đó nhà đầu tư trạm thu phí An Sương – An Lạc còn đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 2 cầu vượt trên quốc lộ 1 gồm cầu vượt qua đường số 7 (Khu công nghiệp Tân Bình và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) và cầu vượt nút giao Thuận Kiều (đường Phan Văn Hớn) nhưng khi có nghị quyết của Quốc hội về dừng đầu tư BOT trên đường hiện hữu thì nhà đầu tư cũng dừng thực hiện 2 dự án trên.
Nguồn: tuoitre.vn