Hôm qua 1-11, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Hà Nội và vùng lân cận có số mắc COVID-19 tăng trong một tuần vừa qua và phải nâng cấp độ dịch.

Nhiều nơi dịch đổi màu, có đáng lo? - Ảnh 1.

Tổ công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tập huấn điều trị bệnh nhân COVID-19 cho lực lượng y tế của tỉnh Bạc Liêu. Cấp độ dịch của tỉnh này đã đổi từ vàng sang đỏ 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế đã quy định rất rõ về cách đánh giá, phân loại cấp độ dịch, các hoạt động được và không được triển khai tùy theo cấp độ dịch.

Thời điểm mới xếp loại cấp độ dịch (giữa tháng 10), toàn quốc có 24 tỉnh thành đủ điều kiện xếp mức vùng xanh (vùng bình thường mới) ở quy mô tỉnh thành nhưng con số này hiện nay đã giảm xuống, thay vào đó là tăng số địa phương vùng vàng (nguy cơ trung bình).

Từ xanh lên vàng, từ vàng lên đỏ

Nhận định về nguồn lây của các ổ dịch mới phát sinh tăng mạnh thời gian gần đây, ông Phạm Phú Trường Giang – phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ – cho rằng nguồn virus vẫn đang âm ỉ trong cộng đồng, một số người có triệu chứng khi đi khám tầm soát tại cơ sở y tế thì phát hiện bệnh.

“Các ổ dịch tại địa phương và một số công ty thủy sản bùng phát cũng có nguyên nhân xuất phát từ cộng đồng và nguồn lây từ người ở vùng dịch về theo dõi tại nhà. Trong khi đó, công nhân hiện vẫn vừa đi làm vừa về ở tại gia đình, nên nguồn lây từ cộng đồng vào các công ty là rất lớn” – ông Giang nói.

Các tỉnh, TP ở miền Tây đều nhận định nguy cơ bùng phát dịch là do các tỉnh đều không kiểm soát việc đi lại của người dân, nên dịch lây từ vùng này sang vùng kia dễ dàng hơn trước và nguồn lây hiện nay chủ yếu từ người từ vùng dịch trở về.

Tại TP Cần Thơ ghi nhận 399 ca F0 qua xét nghiệm sàng lọc từ 25.169 người ở địa phương khác trở về.

Tại Sóc Trăng, Sở Y tế tỉnh này cho hay số ca mắc COVID-19 những ngày qua vẫn chưa hạ nhiệt, đặc biệt là số ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng ngày càng tăng.

Riêng ngày 31-10, Sóc Trăng ghi nhận 98 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo ghi nhận, số ca mắc trong cộng đồng ở Sóc Trăng xuất hiện rải rác khắp các huyện, thị xã, TP.

Tại Kiên Giang, tình hình dịch COVID-19 cũng đang khá phức tạp. Ông Hà Văn Phúc – giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang – cho biết số ca nhiễm có ngày lên hơn 400 ca, chủ yếu ở một số địa phương như huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, Vĩnh Thuận, Gò Quao, An Biên và TP Hà Tiên, TP Phú Quốc.

Nguyên nhân, ông Phúc cho rằng hơn 1 tuần qua, số lượng người từ TP.HCM và các tỉnh thành khác về Kiên Giang nhiều (bình quân mỗi ngày khoảng 600 – 800 người). Do số lượng người về quá lớn, tỉnh quy định người ở vùng có nguy cơ dịch ở cấp độ 1, 2 địa phương không thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh COVID-19 nên khó kiểm soát được mầm bệnh.

Trong khi đó An Giang là địa phương có số người về từ vùng dịch các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ cao nhất khu vực, nên việc quản lý người cách ly tại nhà đối với địa phương rất phức tạp.

Ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết sau khi thực hiện phân vùng, bỏ các chốt nên người dân đi lại nhiều hơn và đã phát hiện nhiều chùm lây bệnh trên địa bàn tỉnh từ các trường hợp người về cách ly.

Trước tình hình tăng số ca mắc COVID-19 cộng đồng, các tỉnh miền Tây đều gia tăng cấp độ dịch, như Cần Thơ từ cấp độ 1 lên cấp độ 2, Bạc Liêu từ cấp độ 2 lên cấp độ 4, Sóc Trăng từ cấp độ 1 lên cấp độ 2, An Giang cấp độ 2…

Nhiều nơi dịch đổi màu, có đáng lo? - Ảnh 2.

Cần Thơ tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực nhà máy, khu vực nguy cơ cao và rất cao để phát hiện khoanh vùng kịp thời ca bệnh COVID-19

Linh hoạt khoanh vùng, truy vết

Theo nhận định của Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ, từ khi chuyển qua trạng thái bình thường mới, Cần Thơ đã tiếp nhận lượng lớn người dân các tỉnh thành khác đến công tác, học tập, khám chữa bệnh… nên nguồn lây dịch từ đây rất lớn.

Ổ dịch tại các nhà máy thủy sản xuất phát từ cộng đồng do công nhân đa số không còn làm việc “3 tại chỗ”. Cuối cùng, tâm lý lơ là chủ quan của người dân sau giãn cách đã làm gia tăng dịch trở lại.

“Cần Thơ đang hướng dẫn áp dụng các biện pháp linh hoạt tùy tình hình, tuy nhiên cũng là điểm khó cho việc quản lý áp dụng phương thức phòng chống dịch của ngành y tế.

Khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan tự tổ chức xét nghiệm sàng lọc, khi có dịch thì phối hợp y tế tại chỗ khoanh vùng cách ly dập dịch ở phạm vi hẹp, có phương án tiếp tục xét nghiệm sàng lọc trọng điểm, trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao” – ông Trường Giang cho hay.

Cũng như Cần Thơ, giải pháp chung của các tỉnh miền Tây lúc này vẫn là tiếp tục truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, xét nghiệm phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn.

Lưu ý tập trung phân tích các yếu tố dịch tễ để xác định nguồn lây, khoanh vùng kịp thời. Tăng cường hoạt động của các tổ COVID cộng đồng, đặc biệt là tổ COVID ở các khu nhà trọ để giám sát kỹ những người di chuyển ra vào khu vực, nhất là các đối tượng thuộc diện cách ly tại nhà.

Nhiều nơi dịch đổi màu, có đáng lo? - Ảnh 3.

Cần Thơ tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực nhà máy, khu vực nguy cơ cao và rất cao để phát hiện khoanh vùng kịp thời ca bệnh COVID-19 

Thí điểm điều trị tại nhà, củng cố trạm y tế lưu động

Để giảm tải áp lực cho hệ thống điều trị trong tình hình dịch gia tăng, một số tỉnh miền Tây đang bắt đầu thí điểm hướng dẫn tổ chức điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; tổ chức củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang…

Ông Trần Quang Hiền – giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – cho biết thực hiện nghị quyết 128 sống chung với COVID-19, giảm thực hiện xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 trong cộng đồng và để thích ứng, an toàn, linh hoạt và sống chung với COVID, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch cho F0 điều trị tại nhà.

Đối với F1 nguy cơ thấp cũng cho cách ly tại nhà. Giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu.

TP Cần Thơ cho biết đang củng cố hệ thống 83 trạm y tế lưu động, trang bị các phương tiện cần có để sẵn sàng thực hiện thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại cộng đồng, trước mắt sẽ áp dụng các khu vực có trạm y tế đủ nhân lực và trang thiết bị trong thời gian sớm.

Hà Nội, Đắk Lắk, Đắk Nông cũng đổi màu

Hà Nội

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký văn bản đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hà Nội, chuyển từ cấp độ 1 (màu xanh) lên cấp độ 2 (màu vàng). Đáng chú ý, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) ở cấp độ 3 (màu cam) sau khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 cộng đồng trong thời gian gần đây.

Trong ngày 1-11, TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch, điều chỉnh một số hoạt động, dịch vụ khi chuyển sang “vùng vàng” dựa trên nghị quyết 128 của Chính phủ.

Đắk Lắk

2a

Người dân TP Buôn Ma Thuột muốn đi chợ phải có giấy xét nghiệm âm tính, đã tiêm 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày 

Đến chiều 1-11, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận một kỷ lục mới về số ca lây nhiễm COVID-19 tại địa phương này với 244 ca mắc mới, trong đó gần 70 ca cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận có 4.294 ca mắc COVID-19, trong đó số ca mắc mới trong 14 ngày vừa qua chiếm khá lớn, nhất là ở TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Búk.

Số ca mắc cộng đồng tại tỉnh 10 ngày qua tăng đột biến do lượng người dân từ phía Nam về nhiều, trong đó nhiều người chưa tuân thủ nghiêm việc cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, việc đi lại, giao thương, lưu chuyển hàng hóa cũng không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Hiện có những ổ lây không xác định được F0 ban đầu, việc dập dịch, khoanh vùng khá vất vả.

Theo lãnh đạo các địa phương, một trong những lo lắng hiện nay là số ca nhiễm tại các trường học liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương.

Trước đó, do là vùng xanh nên học sinh đến trường dẫn đến một số ca lây nhiễm trong học sinh, giáo viên. Trong số này, 21 xã, phường tại TP Buôn Ma Thuột chỉ còn duy nhất xã Hòa Xuân còn màu xanh, phần lớn là màu đỏ và cam.

Đắk Nông

Ngày 1-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết vừa cập nhật cấp độ cảnh báo dịch COVID-19 trên toàn tỉnh với 7/8 huyện thị ở mức cấp 2 (màu vàng). Vì thế toàn tỉnh mức độ cảnh báo dịch chuyển từ cấp độ 1 sang cấp độ 2. Hiện chỉ còn duy nhất huyện Tuy Đức đang ở mức cảnh báo dịch cấp 1. Đối với quy mô cấp xã, phường: 47 ở cấp 1, 19 ở cấp 2 và 5 ở cấp 3.

Tại TP Gia Nghĩa, trong 2 ngày qua (từ 31-10 và 1-11) liên tiếp ghi nhận 14 ca nhiễm mới. Ca nhiễm đầu tiên có yếu tố dịch tễ về từ TP.HCM. UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá đây là khu vực tiềm ẩn nguy cơ phức tạp vì có các ca bệnh lây nhiễm tại cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây. Mặt khác, các trường hợp mắc COVID-19 phần lớn làm nghề kinh doanh, học sinh nên tiếp xúc với nhiều người.

Trong khi đó số người tiêm đủ 2 mũi của TP Gia Nghĩa đang thấp nhất tỉnh, chỉ với 7,9%. Toàn tỉnh hiện có 59,4% người dân được tiêm mũi 1, mũi 2 mới chỉ đạt 11,3%.

Cần “bơm” vắc xin sớm cho các tỉnh

3

Tỉnh Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) – cho biết tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ những ngày gần đây đáng lo ngại.

Theo ông Hùng, mầm bệnh đang tồn tại ở các tỉnh này có thể một phần bắt nguồn từ các đợt người dân từ các vùng dịch như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trở về và có thể đã bùng phát, hoặc đang tồn tại âm thầm trong cộng đồng.

Do đó với các địa phương này hiện khái niệm về vùng “xanh, đỏ, vàng” chỉ mang tính chất tạm thời và cần phải quyết liệt có các giải pháp khống chế ngăn chặn một đợt dịch lớn có thể bùng phát.

Khác với TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương là các nơi đã trải qua đợt dịch lớn, do đó ít nhiều có kinh nghiệm và thuần thục trong cách thức ứng phó, tình hình các tỉnh còn lại quả thật đáng lo ngại bởi từ nhân lực, vật lực và kinh nghiệm để đón và chống đỡ dịch còn hạn chế, cần được cải thiện.

“Tình hình này theo tôi vẫn như quả bom nổ chậm, nếu chúng ta sơ sẩy dịch có thể bùng phát ở một tỉnh nào đó. Cần phải nhanh chóng đánh giá sát tình hình để có sự phân vùng, xét nghiệm, cách ly, điều trị hợp lý” – bác sĩ Hùng nói.

Và xa hơn, giải pháp căn cơ nhất vẫn là vắc xin, càng nhanh chóng “bơm” vắc xin cho các tỉnh sớm ngày nào càng tốt ngày đó.

Đồng quan điểm, một chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM đánh giá dịch tại các tỉnh đang thực sự đáng lo ngại, đặc biệt ở một số tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin thấp, không thể nói “không đáng lo” như TP.HCM khi tỉ lệ tiêm ở TP rất cao (mũi 1 đạt 100%, mũi 2 xấp xỉ 80%); chưa kể các nhóm nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền) được ưu tiên tiêm chủng và đặc biệt chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em cũng đang được triển khai.

Do đó theo vị này, việc đánh giá nguy cơ của một địa phương cần đánh giá tổng thể bao gồm số ca mắc, số ca chuyển nặng trong tổng số ca mắc và tỉ lệ tiêm chủng vắc xin. “Nếu các tỉnh đều có độ bao phủ tiêm 2 mũi vắc xin cao, dù số ca có phát sinh cũng chủ yếu là triệu chứng nhẹ. Ngược lại sẽ làm tăng nguy cơ mắc, trở nặng và tử vong” – vị này phân tích.

Đến nay, số người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin tại một số tỉnh thành ĐBSCL: TP Cần Thơ có 94,1% (trên 65 tuổi đạt gần 100%) mũi 1, 27% mũi 2 (người trên 65 tuổi đạt trên 37%); An Giang: trên 91% mũi 1, 14% mũi 2; Sóc Trăng: 84,29% mũi 1, 16,34% mũi 2; Kiên Giang: 76,59% mũi 1, 25,78% mũi 2.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ĐBSCLđổi màuHà NộiTây NguyênVùng đỏVùng vàng

Các tin liên quan đến bài viết