Trên thị trường đang có nhiều loại bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng dễ dàng bị cạo sửa, dán chồng.
Muốn mua là có
Những năm trước, bánh trung thu Trung Quốc được các tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) bày bán đầy ắp, công khai để khách dễ lựa nhưng năm nay, người bán chỉ đem ra khi khách yêu cầu.
Tại sạp B.N., khi chúng tôi hỏi mua bánh trung thu nội địa Trung Quốc, chủ sạp cho biết, hiện có bánh nướng ngàn lớp trứng muối tan chảy nhưng chỉ bán sỉ dạng thùng 2,5kg (45 cái), giá 250.000 đồng/thùng, không bán lẻ. Chủ sạp giải thích: “Mấy năm trước, chị bày bán bị phạt nên năm nay không bày ra nữa. Em mua thì chị lấy ra cả thùng chứ không lấy lẻ cho em coi được”.
Bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, sắp hết hạn sử dụng được bán nhiều trong chợ Bình Tây |
Bà nói thêm, nhiều người thích bánh này do có vị ngọt vừa phải, vỏ ngoài giòn như bánh pía, lớp trong thì dẻo như bánh mochi tươi (loại bánh của Nhật), lớp thứ ba lại giống bánh custard Việt Nam rồi mới đến nhân kim sa trứng muối. Ngày nào bà cũng giao vài thùng về các tỉnh.
Tại sạp Đ.T., nhân viên bán hàng nói sạp chỉ còn loại bánh trung thu Liuxinxu ngàn lớp trứng muối tan chảy hình cô gái (tiểu thương chợ này gọi là bánh trung thu cô gái), giá 50.000 đồng/hộp 6 cái (55 gam/cái). Chúng tôi nói muốn mua thêm vài loại khác, nhân viên trao đổi với chủ sạp rồi đem ra 2 loại bánh có tên lava trứng giòn chảy Bibizan và bánh trung thu Bibizan, đều có giá 70.000 đồng/hộp 12 cái (45 gam/cái). Cô nói, tất cả đều là hàng nội địa Đài Loan (Trung Quốc), có hạn sử dụng 90 ngày. Do bánh được ưa chuộng nên sạp chỉ còn mỗi loại vài hộp chứ không còn nhiều. Chúng tôi săm soi kỹ nhưng sản phẩm không có nhãn phụ.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều cá nhân rao bán các loại bánh giống như được bán ở chợ Bình Tây nhưng giá cao hơn. Chẳng hạn, loại bánh trung thu Bibizan có giá 120.000 đồng/hộp. Một số tiệm bánh có tên tuổi ở TPHCM và Hà Nội cũng rao bán loại bánh này do thị trường có nhu cầu.
Hạn sử dụng dễ bị sửa
Nhờ một chủ doanh nghiệp người Hoa dịch thông tin trên nhãn sản phẩm của các sạp trong chợ Bình Tây, chúng tôi thấy thông tin khá đầy đủ. Như hộp bánh hình cô gái, nhà sản xuất là Nam Bình Quảng Tây Foodsc ở TP Nam Ninh, Trung Quốc. Nhà sản xuất khuyến cáo người dùng không ăn sản phẩm quá hạn, sản phẩm không dành cho người dị ứng với thành phần trứng sữa.
Bánh Bibizan cũng ghi rõ mã số tiêu chuẩn, số giấy phép thực phẩm, đơn vị chịu trách nhiệm, đơn vị quản lý ở TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến; nhà sản xuất cũng khuyến cáo chỉ nên ăn sản phẩm còn hạn sử dụng, đồng thời liệt kê chi tiết các chất phụ gia như màu thực phẩm, chất tạo độ chua, kali carbonat, a xít malic, a xít citric, kali carbonat… trên bao bì.
Chị T. – chủ sạp N. trong chợ Bình Tây – cho biết, bánh Trung Quốc thường ghi trên vỏ hộp “hạn sử dụng 45 ngày, 90 ngày hoặc 1 năm”, còn ngày sản xuất được ghi là “xem trên bao bì”. Do đó, các đầu nậu, các công ty phân phối có thể đổi ngày sản xuất để sản phẩm còn hạn sử dụng.
Thực tế, ngày sản xuất trên bao bì sản phẩm đều được in bằng loại mực khác với loại mực in các thông tin khác. Theo chị T., bánh trung thu Trung Quốc là bánh tươi hạn sử dụng rất ngắn nên khi gần hết hạn dùng, các công ty sẽ tẩy xóa ngày sản xuất cũ, in ngày sản xuất mới lên rồi bán tiếp. Chẳng hạn, chúng tôi mua hộp bánh trung thu hình cô gái vào ngày 7/9, nhà sản xuất ghi hạn sử dụng 45 ngày, trên vỏ hộp ghi ngày sản xuất là 27/7, tức hạn sử dụng chỉ tới ngày 12/9.
“Cơ quan chức năng cần kiểm tra, ngăn chặn tình trạng sửa hạn sử dụng, bán sản phẩm hết hạn sử dụng bởi hành vi này đe dọa sức khỏe người tiêu dùng”. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh |
“Một số đầu nậu kinh doanh bánh Trung Quốc bao tiêu sản phẩm, nếu bán không hết thì họ thu về, đổi ngày sản xuất để bán tiếp. Trước đây, tôi cũng từng bán, thấy họ đổi hạn sử dụng nên tôi ngừng kinh doanh loại này bởi lương tâm tôi không cho phép” – chị T. nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học, Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nếu người kinh doanh biết việc đổi hạn sử dụng mà vẫn bán là vi phạm pháp luật. Khi ghi hạn sử dụng, nhà sản xuất đã nghiên cứu về chất lượng sản phẩm, chất độc (chỉ tiêu ẩn), độc tố động như vi sinh vật, độc tố tĩnh như kim loại trong sản phẩm. Do có vi sinh vật và độc tố nên bất kỳ loại thực phẩm nào cũng nhanh biến đổi chất, gây thiu, mốc.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng – Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM – cho biết thêm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định, các loại nguyên liệu làm bánh như sữa, ngũ cốc, trái cây khô, các loại hạt, gia vị… đều dễ phát triển nấm mốc, bị ô xy hóa và biến chất. Chúng càng dễ biến chất do khí hậu Việt Nam nóng ẩm quanh năm chứ không mát mẻ như ở Trung Quốc. Người ăn các loại bánh hết hạn dùng này có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, thậm chí bị ngộ độc cấp tính như tổn thương gan, hỏng ADN.
Nguồn: vietnamnet