Trong bối cảnh Trung Quốc lên kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, ngày càng nhiều người dân Hong Kong tính đường ra đi vì không nhìn thấy tương lai cho con cái hay bản thân ở đặc khu này nữa, theo Bloomberg ngày 31-5.
Những cư dân Hong Kong trong những ngày gần đây đã đổ xô liên hệ với các công ty tư vấn di cư để hỏi về cách thức cũng như các thủ tục chuyển gia đình ra nước ngoài sinh sống.
“Cứ mỗi 2 đến 3 phút chúng tôi lại nhận được một yêu cầu tư vấn”, ông Gary Leung, giám đốc điều hành của Global Home, một công ty tư vấn về di cư và tài sản, nói. Ông Leung cho biết yêu cầu tư vấn từ khách hàng của Global Home đã tăng gấp 20 lần so với bình thường, Đài Loan và châu Âu là những điểm đến được nhờ tư vấn nhiều nhất.
Theo Bloomberg, vì nhiều quốc gia vẫn đang hạn chế đi lại để chống dịch COVID-19 nên vẫn còn quá sớm để đánh giá cuối cùng sẽ có bao nhiêu người Hong Kong rời đi. Dù vậy, các công ty tư vấn cho rằng tỉ lệ về một cuộc di cư đang gia tăng, khi chính quyền các nước Anh, Mỹ và lãnh thổ Đài Loan lên tiếng về việc tạo điều kiện nhập cảnh cho một số công dân Hong Kong.
Làn sóng di cư có thể làm suy giảm sức hấp dẫn của Hong Kong đối với các công ty đa quốc gia và nạn chảy máu chất xám sẽ xảy ra. Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong đã cảnh báo rằng việc giữ chân các nhân viên hàng đầu trong thành phố có thể trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh hiện nay.
Đây không phải lần đầu tiên đặc khu tài chính này đối mặt với viễn cảnh chảy máu chất xám. Ước tính khoảng 300.000 người đã rời Hong Kong trong giai đoạn từ năm 1990 đến 1994 vì lo sợ những thay đổi khi Anh trao trả thành phố này về Trung Quốc. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ, hiện Hong Kong là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam ngày 29-5 đã lên tiếng trấn an dư luận khi nói rằng dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc tính áp dụng cho Hong Kong sẽ chỉ nhắm đến “một nhóm nhỏ” những người mang tư tưởng cực đoan và vẫn đảm bảo “tính mạng và tài sản, tự do và các quyền cơ bản của đa số người dân Hong Kong”.
Ông David Hui, giám đốc quản lý tại Công ty tư vấn di cư Centaline, cho biết hiện công ty ông đang nhận khoảng 100 yêu cầu tư vấn mỗi ngày từ những người Hong Kong quan tâm đến việc chuyển đến sống ở các quốc gia như Úc, Anh, Canada, Malaysia, Bồ Đào Nha hay hòn đảo Đài Loan.
“Luật an ninh quốc gia chắc chắn là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu này”, ông Hui nói.
Bà Phyllis Lam, đã sống ở Hong Kong 42 năm từ lúc sinh ra, thừa nhận hiện tại bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời khỏi đặc khu. “Tôi không còn tin tưởng vào tương lai của Hong Kong. Tôi có hai con nhỏ, do đó tôi cần lên kế hoạch cho chúng”, bà Lam nói.
“Tôi bây giờ không còn thấy tương lai ở đây nữa, vì vậy đã đến lúc tìm kiếm các lựa chọn khác”, cô Ming (30 tuổi), làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và từ chối cung cấp tên họ đầy đủ, chia sẻ.
Dù vậy, vẫn có một số người lựa chọn ở lại, như bà Jolie Lo. Bà Lo cho biết không muốn rời xa cha mẹ đã lớn tuổi và lo lắng về những thách thức mà bà phải đối mặt nếu dọn ra nước ngoài sinh sống.
“Tôi có thể gặp phải các vấn đề khác như phân biệt chủng tộc. Tôi sẽ không nói rằng tôi hối hận vì quyết định ở lại Hong Kong. Bởi vì chúng tôi đang ở đây, chúng tôi nên cố hết sức để bảo vệ quê nhà của chúng tôi”, bà Lo nói.
Nguồn: tuoitre.vn