Nhiều địa phương và đơn vị sẵn sàng cung ứng hàng số lượng lớn nhưng khó giao đến dân do ách tắc ở khâu vận chuyển và thiếu nhân công. Tuy nhiên khó khăn đang được tháo gỡ, dự kiến sẽ có hai đợt chuyển hàng lớn vào ngày 2-9 và 4-9.

Nhiều hàng nhưng thiếu người giao: Ách tắc đang được gỡ - Ảnh 1.

Các điểm phân phối combo nông sản 10kg đang hoạt động hết công suất nhưng nhiều địa điểm chưa thể hoạt động theo dự kiến vì vướng quy định phòng chống dịch 

Thông tin trên được Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đưa ra tại “Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” ngày 31-8 với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh thành và gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…

Tính toán 2 đợt giao hàng lớn

TS Trần Minh Hải – giám đốc Trung tâm đào tạo & tư vấn kinh tế hợp tác Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II – cho biết đến nay đã có trên 1.300 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970 với sản lượng hàng ngàn tấn/ngày.

Với TP.HCM, Tổ công tác 970 đã triển khai chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10kg/túi (combo 10kg/túi) cho một số doanh nghiệp, siêu thị, đảm bảo cho nhu cầu một hộ trong 3-5 ngày với mức giá từ 100.000 – 200.000 đồng/túi.

“Dự kiến sẽ có 2 đợt giao hàng combo số lượng lớn về TP.HCM vào ngày 2-9 và 4-9, mỗi ngày trên 50.000 combo (đã có đơn hàng)” – ông Hải cho hay.

Ngày 30-8 đã có 41.000 gói combo vận chuyển được đến các điểm có thể giao hàng được tại các quận 7, 11, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức. Dự kiến số lượng đặt hàng trong tuần tăng mạnh do Tổ công tác 970 đã liên kết được nhiều cơ quan nhà nước tại các quận huyện, các tổ đi chợ hộ của các quận/phường giúp các đơn vị này đặt hàng số lượng lớn trực tiếp từ hợp tác xã. Thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc người dân nhận hàng là 3 ngày.

Mục tiêu của Tổ công tác 970 là đưa sản lượng cung cấp nông sản trong ngày lên mức tối đa 4.500 tấn. Để đạt được, Tổ công tác rất mong sự hỗ trợ của quân đội, địa phương.

Nhiều hàng nhưng thiếu người giao

Theo ông Đinh Minh Hiệp – giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, bình quân mỗi ngày TP cần khoảng 10.964 tấn lương thực thực phẩm, trong đó cần 1.981 tấn gạo, 660 tấn lương thực khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm.

Thời gian qua, Sở Công thương và Sở NN&PTNT TP.HCM đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm, trong đó Tổ công tác 970 đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng nông sản.

“Trong giai đoạn thử nghiệm, gói combo nông sản 10kg đã nhận được nhiều đơn hàng nhưng do thiếu điểm giao hàng cũng như nhân viên giao hàng do các quy định giãn cách nên phải tạm dừng hoạt động. TP.HCM đã chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm làm việc với các quận huyện để duy trì việc cung ứng các gói combo nông sản 10kg” – ông Hiệp cho biết.

Theo ông Trần Minh Hải, Tổ công tác 970 đã phối hợp với các đơn vị phân phối lớn để đưa nông sản từ địa phương tới người dân TP.HCM và Bình Dương. Một số đơn vị thương mại điện tử như Lazada, Chợ tốt… cũng liên hệ và cam kết đóng góp nền tảng số, giúp người bán đăng ký các kho hàng để đưa nông sản từ hợp tác xã về TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho hay việc kết nối cung cầu hiện nay gặp một số khó khăn về thông tin, thu gom, tổ chức đầu mối, giao hàng theo nhu cầu người mua.

Ông Đinh Minh Hiệp khẳng định Sở NN&PTNT đang làm việc với các quận huyện để mở lại 58 điểm tập kết hàng hóa mà Tổ công tác 970 đã đăng ký. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng là đầu mối tiếp nhận thông tin và nhu cầu từ các cơ quan, đoàn thể các quận huyện và TP Thủ Đức về nhu cầu thực phẩm và combo để kết nối với Tổ công tác 970 giao hàng.

Ông Hiệp cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online, tránh tắc nghẽn, xử lý nhanh các đơn hàng của người dân. Cần kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến và lập các kho trên địa bàn để thuận lợi điều phối các gói cung ứng.

Nhiều địa phương đăng ký cung ứng hàng

Ông Lê Văn Sử – phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – nhận định với sự hỗ trợ của các tỉnh, đặc biệt là Tổ công tác 970, tỉnh đã tiêu thụ được hơn 4.000 tấn nông sản các loại, tháo gỡ khá nhiều cho sản xuất. Tuy vậy, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng do nông dân sản xuất ra.

“Rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt là chuỗi sản xuất tôm” – ông Sử nói.

Ông Huỳnh Văn Liêm – phó giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum – cho biết là một trong số ít tỉnh chưa phát hiện ca dương tính Covid-19 nào trong cộng đồng, Kon Tum duy trì được việc chở được hàng cứu trợ về TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh thành phía Nam.

Tỉnh đã thành lập tổ công tác kết nối cung ứng, sản xuất nông nghiệp, đồng thời kết nối thường xuyên với Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT. Về gói combo nông sản 10kg, Kon Tum đã chuẩn bị các sản phẩm như gạo, thịt, rau quả… đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh khẳng định sẵn sàng tham gia cung ứng cho thị trường phía Nam.

“Hiện một tháng Kon Tum có thể cung cấp khoảng 10.000 gói combo, sản lượng 100 tấn cho chương trình của Tổ công tác 970. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng liên kết với các hợp tác xã cung ứng rau, thịt” – ông Liêm nói.

Cung cấp 150.000 túi 10kg/ngày nếu được hỗ trợ vận chuyển

Theo TS Trần Minh Hải, hiện combo 10kg giá 100.000 đồng gồm các loại rau ăn củ như khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo; combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá và trứng; combo hạng cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá, gạo và trứng.

Hiện năng lực cung cấp các túi combo gồm túi an sinh và các túi combo giá trị cao hơn rất đa dạng chủng loại hàng hóa từ rau củ, thịt, cá, trứng, sữa, hàng nông sản chế biến… với số lượng khoảng 80.000 – 100.000 túi/ngày (800 – 1.000 tấn/ngày) và khả năng lên 150.000 túi/ngày (1.500 tấn/ngày) nếu có sự hỗ trợ vận chuyển. Tổ công tác 970 đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai mô hình trên cho người dân.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19hàng hóatiêu thụ nông sảnVận chuyển hàng hóa

Các tin liên quan đến bài viết