Nếu dịch COVID-19 kéo dài, các CLB nhỏ trên thế giới nói chung và các đội bóng ở Đông Nam Á nói riêng sẽ đối diện với tương lai nghiệt ngã và không loại trừ nguy cơ bị khai tử.

Nhiều CLB nhỏ ở Đông Nam Á sẽ phá sản? - Ảnh 1.

Johor Darul Ta’zim là một trong những CLB đầu tiên ở Malaysia giảm lương để giảm bớt thiệt hại mùa COVID-19 

Đó là cảnh báo của cựu cầu thủ người Croatia Bojan Hodak (48 tuổi), HLV nổi tiếng ở Đông Nam Á, khi ông từng dẫn dắt nhiều CLB hàng đầu ở Malaysia và Indonesia… Ông Hodak phân tích các CLB nhỏ chiếm đến 95% bóng đá thế giới. Vì vậy, chỉ cần hoạt động bóng đá ngừng trệ trong 3 tháng vì dịch COVID-19, một số CLB nhỏ sẽ đứng trên bờ vực phá sản.

Khi được phóng viên của New Straits Times (Malaysia) hỏi về việc các CLB ở châu Á có thể tồn tại qua thời gian đầy thử thách này không, ông Hodak nói các giải đấu lớn như J-League (Giải vô địch Nhật Bản), K-League (Giải nhà nghề Hàn Quốc), Chinese Super League (Giải nhà nghề Trung Quốc)… có thể không gặp vấn đề. Nhưng các CLB ở khu vực Đông Nam Á lại là chuyện khác.

Theo ông Hodak, hầu hết các CLB ở Đông Nam Á không được xây dựng theo mô hình chuyên nghiệp nên rất khó đương đầu với khó khăn. Một số do “ký sinh mạnh mẽ vào ông bầu” nên như một ngôi nhà tạm bợ phải đương đầu với bão lớn. Một số CLB phụ thuộc duy nhất hoặc phần lớn vào ngân sách địa phương. Trong tình hình này, số tiền này ban đầu dành cho các CLB, nhưng giờ đây sẽ ưu tiên sử dụng để chống dịch. Đây sẽ là vấn đề lớn nếu các CLB không có nhiều nhà tài trợ.

HLV Hodak cũng nêu giải pháp giúp các CLB bóng đá ở Đông Nam Á giảm thiệt hại bằng cách giảm lương cầu thủ, đây được xem là cách duy nhất, trực tiếp nhất. Ông Hodak nói: “Theo tôi, các cầu thủ nên chấp nhận cắt giảm lương. Ở những giải đấu khác trên thế giới, các cầu thủ đang phải giảm 30 – 66% lương”.

HLV Hodak hiến kế cho Giải vô địch Malaysia nên giảm lương theo bậc.

Theo đó, những cầu thủ nội và các ngoại binh hưởng lương cao nên là mục tiêu giảm lương đầu tiên. Theo The Star (Malaysia), một cầu thủ nội nổi tiếng ở Malaysia sẽ nhận được 160 – 300 triệu đồng/tháng và họ nên đi tiên phong.

Theo báo cáo của New Straits Times, mới có hai CLB ở Malaysia là Johor Darul Ta’zim và Universiti Kebangsaan Malaysia chấp nhận giảm lương. Các CLB khác chưa rõ động thái, nhưng họ càng thụ động thì thiệt hại sẽ càng lớn.

Ở Indonesia, Hiệp hội Bóng đá nước này (PSSI) đã quyết định cắt giảm 25% lương của tất cả cầu thủ trong hai tháng tới. HLV Hodak tỏ ra không hài lòng về điều này, bởi việc cào bằng như vậy sẽ ảnh hưởng các cầu thủ có thu nhập thấp hoặc mới nổi.

Theo dự đoán của HLV Hodak, ngay cả khi dịch COVID-19 kết thúc, khó khăn cũng sẽ đeo bám các CLB tại Đông Nam Á do khó tìm được nhà tài trợ mới, hoặc nhà tài trợ hiện tại sẽ cắt giảm ngân sách chi cho đội bóng vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngành công nghiệp bóng đá trên thế giới sẽ mất 6 – 12 tháng để hồi phục như trước, còn các CLB ở Đông Nam Á có thể cần thời gian lâu hơn. Đây là thời gian đầy thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các CLB ở Đông Nam Á thay đổi mạnh mẽ hơn về cấu trúc và phương thức hoạt động.

Thai-League cũng suy kiệt

Giải vô địch Thái Lan (Thai-League), giải đấu số 1 khu vực Đông Nam Á, cũng gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Theo truyền thông Thái Lan, do Thai-League bị hoãn nên các CLB không nhận được tiền hỗ trợ mà còn bị đối tác cắt bớt chi phí tài trợ. Lãnh đạo một số CLB tiết lộ họ đang thiếu kinh phí và khó duy trì trong thời gian dài.

Nhiều CLB đang lâm vào cảnh suy kiệt và phải quyết định cắt lương cầu thủ. Nhưng vấn đề là các cầu thủ nội sẽ dễ thông cảm việc giảm lương của CLB, nhưng cầu thủ ngoại thì khó khăn hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19dịch COVID-19đông nam áphá sản

Các tin liên quan đến bài viết