Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 15-11-2007 của Tỉnh ủy về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, những năm qua, Huyện ủy Lộc Ninh đã mở được 20 lớp tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện.

Từ năm 2007 đến nay, huyện đã cử 57 cán bộ nữ học lớp cao cấp lý luận chính trị, trung cấp phụ vận, trung cấp chính trị, trung cấp công tác xã hội; mở 3 lớp trung cấp hành chính với 99 cán bộ nữ tham gia; mở 1 lớp đại học hệ từ xa cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ nguồn có 78 nữ tham gia; cử 2 cán bộ lãnh đạo nữ tham gia đào tạo trình độ cao học. Ban chỉ đạo xóa mù chữ – phổ cập giáo dục từ huyện đến xã đã tích cực vận động phụ nữ tham gia các lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, THPT, trong đó đặc biệt chú trọng phụ nữ, trẻ em gái thuộc vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ em gái đến trường ở các bậc học đều cao; phụ nữ từ 15-45 tuổi biết đọc, biết viết đạt trên 98%.

Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Lộc Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 chụp hình lưu niệm với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu phụ nữ huyện

Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận các vốn vay của Nhà nước để phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ phụ nữ chưa có việc làm ổn định, thông qua các ngân hàng, quỹ tín dụng tại địa phương đã giải ngân trên 163 tỷ đồng cho các hộ phụ nữ vay vốn. 10 năm qua, dưới nhiều hình thức giúp đỡ đã hỗ trợ 1.325 hộ thoát nghèo (trong đó có 95 hộ do phụ nữ làm chủ), ổn định cuộc sống và vươn lên khá, giàu. Song song với việc giúp vốn, hội phụ nữ còn phối hợp các ngành liên quan tổ chức mở các lớp dạy nghề nông thôn cho phụ nữ; tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho 665 phụ nữ học tập. Kết quả đã mở được 90 lớp dạy nghề nông thôn cho 2.751 người; giới thiệu việc làm cho trên 6.000 lao động nữ theo thời vụ, làm việc trong các xí nghiệp.

Ngoài ra, các chương trình y tế quốc gia, dân số – kế hoạch hóa gia đình, chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai thực hiện rộng khắp trong toàn huyện. 100% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, có 98% trở lên phụ nữ sinh an toàn tại các cơ sở y tế.

Cùng với việc quan tâm đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ nữ đã có sự chuyển biến tích cực về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức và trách nhiệm với công việc. Nhiều cán bộ nữ trưởng thành, được tín nhiệm đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp được tăng lên đáng kể, nhiều phụ nữ ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng; tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp, tham gia cấp ủy tăng lên ở cả 2 cấp huyện và xã. Vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Toàn huyện có 36 nữ là trưởng, phó các ban, ngành của huyện, chiếm 52,3% tổng số trưởng, phó các ban, ngành trong huyện; 52 chị là trưởng, phó cấp cơ sở. Các chị luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm và luôn có ý chí phấn đấu vươn lên.

10 năm qua, công tác phụ nữ trên địa bàn Lộc Ninh đã đạt những kết quả đáng khích lệ, nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới của các cấp, ngành có sự chuyển biến đáng kể, bước đầu lồng ghép yếu tố giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ nữ được quan tâm hơn; địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ được nâng lên, phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh. Phụ nữ trên địa bàn huyện luôn tích cực học tập, phát huy sức sáng tạo trong lao động, học tập và công tác, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : đại hộilộc ninh

Các tin liên quan đến bài viết