Đáng nói, dịch vụ thuê thực hiện trò bẩn này như một biến tướng cần phải dẹp bỏ (sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm từ ngày 1/1/2021)…
Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết đã bắt giữ, tạm giam hai đối tượng: Phạm Lê Minh Thiện (ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Kiên Nguyễn Việt Ân (quê Tiền Giang) để điều tra hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” (vào ngày 22/7).
Hành vi tạt sơn của hai đối tượng này vào nhà một người dân chỉ là làm thuê để nhận tiền. Theo đó, Thiện đã dùng số điện thoại đăng ký tài khoản mạng xã hội Zalo tên “Minh Thiện”, rồi tham gia vào nhóm “Nợ xấu TPHCM”. Sau đó, Thiện được tài khoản “Nguyễn Văn Nam” thuê tạt sơn vào căn nhà ở tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) với giá mỗi lần 1 triệu đồng. Sau khi chốt giá, Thiện rủ Ân cùng tham gia và đã 3 lần tạt sơn vào căn nhà ở tỉnh lộ 10.
Tiếp nhận thông tin tố giác của người dân, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bình Tân đã đến hiện trường, ghi nhận, lấy lời khai cũng như trích xuất hình ảnh từ các camera an ninh khu vực để truy xét.
Đến 1h20 ngày 19/7, trinh sát phát hiện hai thanh niên chạy xe máy BKS59M2-287.21 đến trước nhà ông H. trên đường tỉnh lộ 10. Một người đứng canh chừng, người còn lại dùng chai nhựa đựng sơn tạt liên tục vào trước cửa căn nhà rồi cả hai bỏ chạy. Tuy nhiên, khi cả hai đối tượng vừa chạy được vài mét thì trinh sát hình sự Công an quận Bình Tân ập đến, khống chế.
Tại cơ quan Công an, Thiện cho biết mình mới học hết lớp 10, Ân cũng vừa học hết cấp 2. Cả hai quen nhau từ trước và do có đi làm thêm, giờ giấc không cố định nên gia đình đều không biết và không quản lý được. Theo đó, cả hai thừa nhận đã nhiều lần tạt sơn các căn nhà trên địa bàn quận Bình Tân với mục đích dằn mặt, đòi nợ theo các hợp đồng trên mạng xã hội. Số tiền nhận được, cả hai chia nhau tiêu xài… Thiện và Ân có thừa nhận chơi cần sa. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy cả hai đều dương tính với ma túy.
Kết quả định giá cho thấy vụ tạt sơn gây thiệt hại hơn 5 triệu đồng. Vì thế, Công an quận Bình Tân ra các lệnh bắt để tạm giam đối với Thiện và Ân trong thời hạn hai tháng để điều tra theo quy định pháp luật; đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra để truy bắt, xử lý các đối tượng còn lại có liên quan.
Theo tài liệu của cơ quan Công an và tìm hiểu của phóng viên, hiện trên các mạng xã hội có các nhóm “Nợ xấu TPHCM”, “Nợ xấu Sài Gòn”… Trong đó, rất nhiều thành viên đưa lên thông tin, hình ảnh cá nhân các con nợ, kèm lời lẽ chửi bới, mạt sát, hăm dọa để… đòi nợ. Bên cạnh đó, dịch vụ thuê tạt sơn, tạt chất bẩn đòi nợ cũng được một số thành viên “rao vặt” cho những ai có nhu cầu…
Đáng nói, các nhóm này số thành viên tham gia, theo dõi rất đông, đơn cử như nhóm công khai “Nợ xấu Sài Gòn” có tới khoảng 6,5 ngàn thành viên… Trong số này có nhiều thành viên “hành nghề” tạt sơn, chất bẩn, khóa cửa ngoài… theo yêu cầu của khách đặt hàng thông qua nhóm để lấy phí. Giá mỗi lần gây án bình quân từ 700 ngàn đồng đến vài triệu đồng và tăng giảm tùy từng khu vực…
Thực tế trước giờ, các băng nhóm đòi nợ thường dùng đàn em dưới trướng để tạt sơn, chất bẩn, khóa cửa ngoài, gọi điện, nhắn tin đe dọa, uy hiếp con nợ, người thân của con nợ để khủng bố tinh thần, buộc trả tiền. Thời gian gần đây xuất hiện thêm hành vi thuê người ngoài và không hề gặp gỡ trực tiếp để thực hiện hành vi tạt sơn, chất bẩn vào nhà con nợ, họ hàng, người thân con nợ… nên càng thêm phức tạp, khó truy tìm tung tích của kẻ đứng sau…
Theo đại diện Công an quận Bình Tân khuyến cáo, người dân không nên vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi, các app tài chính, công ty tài chính khi chưa biết rõ về lãi suất cũng như phương thức trả nợ. Đến khi người vay mất khả năng chi trả sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng cưỡng ép người dân phải trả nợ theo kiểu vi phạm pháp luật.
Đại diện Công an quận Bình Tân cũng cho rằng, nhiều người tìm đến các app vay tiền, cho vay tiền đứng, tiền góp… thì mục đích vay tiền không chính đáng, thậm chí không hợp pháp dẫn đến đồng tiền không được đầu tư đúng hướng, sinh lợi mà mất khả năng chi trả.
Hiện, Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vẫn tăng cường thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến từng người dân để không sa vào bẫy “tín dụng đen”.
nguồn: vietnamnet