Ngày 30-10, ông Nguyễn Xuân Việt, giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ, cho hay kho máu bệnh viện hiện chỉ còn 5 đơn vị máu B, 3 đơn vị tiểu cầu…
Bệnh nhân L.V.C. (Cà Mau) chờ gần 1 tuần chưa có máu truyền tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau
Hằng ngày các bệnh viện ở khu vực 11 tỉnh vùng Tây Nam Bộ trông chờ máu, phải gọi hằng ngày hằng giờ, xếp hàng hỏi để lên nhận máu và tiểu cầu mà kho máu tiếp tục cạn kiệt…
Các bệnh viện miền Tây Nam Bộ kêu cứu
Theo phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ là nơi tiếp nhận, sàng lọc và sản xuất máu để cung cấp máu – chế phẩm máu cho 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên gần 1 năm nay, tình hình khó khăn do chậm đấu thầu thuốc và hóa chất vật tư tiêu hao nên bệnh viện không còn túi lấy máu cũng như cạn hóa chất vật tư dùng cho xét nghiệm máu dẫn đến khó khăn trong cung cấp cho các bệnh viện.
Theo ông Việt, trước đây đấu thầu do Sở Y tế làm tập trung, nhưng lần này sở giao các bệnh viện tự làm. Chúng tôi đã chuẩn bị từ cuối năm 2021, đến đầu năm 2022 bệnh viện huyết học trình Sở Y tế để phê duyệt các gói thầu của bệnh viện sử dụng trong năm.
Tuy nhiên do các thủ tục chậm được phê duyệt, kéo theo chậm ở nhiều khâu, sau đó đổi thành gói thầu vật tư hóa chất cho năm 2023 – 2024 và kéo dài đến nay.
Gói thầu bệnh viện tổng cộng 394 mặt hàng, trong đó có sai sót, bổ sung nhiều lần, các cấp thẩm quyền phê duyệt gói cuối là ngày 18-10.
Nhiều tháng nay, nơi này cung cấp nhỏ giọt, chưa tới 1/10 nhu cầu của các bệnh viện. Vì thế phải ưu tiên cho máu cấp cứu, các bệnh nhân có bệnh lý về thận, máu cần truyền số lượng lớn đều phải chờ do kho máu lúc nào cũng trong tình trạng trống, nhận về chưa kịp đã có bệnh viện chờ lấy.
Đây không phải lần đầu Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ ra thông báo kêu cứu về cạn kiệt máu ở ngân hàng máu.
Mới đây, trong cuộc họp báo ngày 27-10, UBND TP Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo khẩn để đảm bảo nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có tiến triển.
Tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ, để duy trì công tác điều trị cho các bệnh nhân, bệnh viện phải liên tục mua sắm các gói thầu lẻ để sử dụng (theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP).
Còn tại các tỉnh, tình trạng thiếu máu cũng đang rất căng thẳng. Bác sĩ Đặng Minh Hiền – giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng – cho biết tình trạng thiếu máu thời gian qua rất đáng lo ngại nên chỉ ưu tiên cho người bệnh tại phòng cấp cứu.
Ông Bùi Đức Văn – giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau – cũng cho biết tình trạng thiếu máu ở bệnh viện xảy ra từ đầu năm đến nay. “Từ giữa tháng 10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã phải liên hệ với Trung tâm truyền máu – huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy để nhờ hỗ trợ bổ sung thêm lượng máu.
Hiện đơn vị còn thiếu khoảng 50% lượng máu theo nhu cầu trị bệnh. Tuy nhiên, giờ lượng máu chỉ dùng cho các bệnh nhân cấp cứu chứ những trường hợp khác thì vẫn chưa đủ nguồn”, ông Văn nói.
Trước tình hình các cơ sở y tế ở Sóc Trăng khó khăn về nguồn máu và các chế phẩm máu phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc – phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – đã ký công văn cầu cứu UBND TP Cần Thơ.
Theo bà Ngọc, số lượng máu tiếp nhận rất hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Kho máu của Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ luôn trống rỗng vì hết máu
Bệnh nhân mỏi mòn chờ đợi máu
Bệnh nhân Trần Văn Hợp, bị bệnh thận đang điều trị tại khoa thận – thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết hằng tháng phải nhập viện điều trị và truyền máu tại bệnh viện.
Mấy tháng nay nghe bác sĩ nói thiếu máu nhiều quá, bệnh viện không có nguồn máu để truyền nên phải chờ đợi. Nhiều bệnh nhân ở đây cũng vậy, đều phải lay lắt chờ máu.
Bác sĩ Trịnh Khương Duy, khoa thận – thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, nói nhu cầu truyền máu rất lớn do đa phần bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đều thiếu máu, chỉ một số ít bệnh nhân có đủ điều kiện xài thuốc tạo máu.
Có những bệnh nhân truyền một bịch máu duy trì được vài tháng, có những bệnh nhân hầu như lần nào nhập viện cũng phải truyền máu.
Tương tự, tình trạng thiếu máu cũng xảy ra tại Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng. Bác sĩ Chung Tấn Định, giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng, cho biết tình trạng thiếu máu vừa qua khá gay gắt.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết mỗi ngày bệnh viện phải dùng gần 50 đơn vị máu, nhưng mỗi tuần bệnh viện này chỉ lấy được nguồn máu khoảng 40 đơn vị thì làm sao mà đủ.
Để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt cho hay vẫn phải nhờ cứu viện từ các bệnh viện và trung tâm ở Hà Nội, TP.HCM.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thầu hóa chất, vật tư của bệnh viện, ông Việt cho hay hiện trong giai đoạn xét thầu. “Phần thẩm định bệnh viện có đủ người làm, riêng tổ xét thầu chúng tôi đang nhờ Sở Y tế hỗ trợ người nhưng hiện chưa được phản hồi.
Phần phê duyệt của lãnh đạo về đấu thầu đã xong, còn phần tổ chức đấu thầu do bệnh viện tự làm, nhưng cũng phải có thời gian cho từng công đoạn theo Luật Đấu thầu, không thể làm tắt được, bệnh viện cố gắng hết sức rút ngắn thời gian”, ông Việt cho hay.
Liên hệ bệnh viện tuyến trên xin mua, mượn
Ông Cao Hoàng Anh, phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết sở đã thành lập tổ công tác hỗ trợ Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế năm 2023 – 2024.Ngày 18-10, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với 47 mặt hàng của bệnh viện và bệnh viện đang xây dựng hồ sơ mời thầu và thực hiện các bước tiếp theo.Dự kiến trong quý 4-2023 bệnh viện sẽ hoàn thành công tác mua sắm các thiết bị để phục vụ cho công tác truyền máu, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.Ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua việc làm hồ sơ mời thầu có khó khăn do các văn bản hướng dẫn từ các bộ ngành có thay đổi.Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan đó thì còn có nguyên nhân chủ quan là các cơ quan, đơn vị liên quan chưa phối hợp nhịp nhàng nên công tác đấu thầu làm chậm.Đến thời điểm hiện tại, những trình tự, thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND TP Cần Thơ thì UBND TP đã phê duyệt xong, việc đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế nhanh hay chậm hiện nay đang phụ thuộc vào Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ.Về giải pháp trước mắt, ông Hiển nói đã chỉ đạo bệnh viện liên hệ với các bệnh viện tuyến trên để xin mua hoặc mượn, đồng thời giao cho lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ có văn bản, thậm chí là gặp những đơn vị này để thực hiện việc xin mua hoặc mượn như nêu trên.Thậm chí, nếu lãnh đạo Sở Y tế không liên hệ được thì UBND TP sẽ liên hệ để tranh thủ giải quyết vấn đề đang thiếu trước mắt.
Ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh
Bác sĩ Trương Thị Yến Linh – trưởng khoa huyết học lâm sàng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau – cho biết do thực trạng thiếu máu nên phải rất cân nhắc để chỉ định truyền đối với những trường hợp nguy cấp.Còn những trường hợp khác bệnh viện rất thiếu nguồn máu nên không thể truyền dù những bệnh nhân đó theo chuẩn chỉ định là phải được truyền. Khoa đang rất khó để “xử lý” cho ca nào được truyền máu và ca nào phải đợi.Hiện khoa đang rất khan hiếm nhóm máu A nên việc chỉ định truyền cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải cân nhắc rất nhiều đường vì sức khỏe bệnh nhân.
“Sóc Trăng rất mong UBND TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, tạo điều kiện cho Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP Cần Thơ tiếp tục triển khai công tác tiếp nhận máu, đảm bảo nguồn máu và chế phẩm máu cung cấp cho các cơ sở y tế trong khu vực” – bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nói.
Nguồn: tuoitre.vn