Vụ cháy tại shop quần áo, giày dép Thủy Trinh ở khu chợ đêm Đồng Xoài khiến người mẹ trẻ và con trai 7 tuổi thiệt mạng rạng sáng 15-2. Thế nhưng sức “nóng” của vụ cháy vẫn chưa dừng lại trong các câu chuyện gia đình hay quán cà phê ở thị xã Đồng Xoài.
>> Cháy shop quần áo tại chợ Đêm – 2 mẹ con tử nạn
Rất nhiều câu hỏi được nêu ra như vụ cháy bắt lửa từ đâu, vì sao chồng và người con khác của phụ nữ ấy thoát ra được, quần áo và giày dép trị giá bao nhiêu tiền, vì sao lúc mới cháy không phát hiện được để thoát ra ngoài… Hàng loạt chuyện riêng khác của vợ chồng chủ shop cũng được bàn tán, bình luận. Thế nhưng, có một chuyện liên quan đến vụ cháy dường như không được ai đề cập tới. Đó là bài học về phòng cháy và thoát nạn khi hỏa hoạn xảy ra.
Báo Bình Phước trong số ra ngày 8-2-2017, trước đúng 1 tuần xảy ra vụ cháy tại shop quần áo, có đăng bài “Làm gì để loại trừ hỏa hoạn?”, tác giả bài viết bình luận: “Điển hình về hậu quả của hỏa hoạn nhiều vô cùng và thường xuyên trên đất nước ta. Vì sao thiệt hại do hỏa hoạn luôn luôn lớn đến mức khó lường và không chỉ là tài sản, mà còn là cả tính mạng con người, nhưng vẫn liên tục diễn ra, đặc biệt là hầu hết các vụ cháy đều xuất phát từ sự chủ quan của chính “khổ chủ”? Có lẽ một trong những “nguyên nhân của nguyên nhân” bắt nguồn từ thói quen “liều mạng” của một bộ phận rất lớn người Việt. Quy định về phòng chống cháy nổ được nêu rất rõ, rất chặt chẽ và khá đầy đủ trong các văn bản của nhà nước, của các cơ quan chuyên môn. Thế nhưng, thực tế rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân không chỉ ở Bình Phước mà ở cả các tỉnh, thành trong cả nước thường “bỏ ngoài tai” các quy định đó”.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân không chỉ có kỹ năng, mà còn có ý thức phòng chống cháy nổ rất tốt nên rất ít khi xảy ra cháy nổ vì nguyên nhân chủ quan. Còn ở nước ta, mặc dù cháy nổ diễn ra thường xuyên, nhưng người dân lại xem đó như “không phải việc của mình”, hoặc “sẽ không cháy ở nhà mình”… Khi hậu quả ập đến, gia đình người bị hại gánh chịu nỗi đau một mình, còn xã hội có tâm lý “mình không liên quan”…
Đối với một vụ cháy, không chỉ dập tắt ngọn lửa là xong. Sau khi xảy ra hỏa hoạn, cơ quan chức năng cũng như các cơ quan truyền thông phải xem việc xử lý “hậu” vụ cháy là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm hạn chế những vụ cháy khác xảy ra. Đó là phân tích và hướng dẫn người dân rút ra bài học về thoát hiểm, cách phòng cháy trong tình huống tương tự, những lời khuyên với dân chúng… Ví dụ như sau vụ cháy tại shop quần áo Thủy Trinh, nhà chức trách phải tư vấn, hướng dẫn, khuyến cáo đối với những gia đình, cửa tiệm sử dụng cửa cuốn sắt dùng điện; sử dụng hệ thống điện với cầu chì, cầu dao tự động như thế nào để tránh hỏa hoạn khi chập điện… Khuyến cáo cũng cần đưa ra đối với trường hợp kinh doanh những mặt hàng dễ cháy nổ như những mặt hàng có vải, ga, nhựa, gỗ…; hướng dẫn cách thoát hiểm như phá mái nhà tôn, xây nhà phải thiết kế đường thoát hiểm, trang bị dụng cụ phá cửa để sẵn trong nhà để thoát hiểm… Điều này phải được lặp đi lặp lại để ăn sâu vào ý thức từ lớp người này sang lớp người kế cận, giống như đi máy bay lần nào cũng có hướng dẫn thoát hiểm vậy.
Thế nhưng, dường như điều đó còn quá mới mẻ với cơ quan chức năng cũng như các cơ quan truyền thông ở nước ta. Thực tế này cần phải được cải thiện ngay từ hôm nay, bởi nếu không cẩn thận, chỉ một đêm hỏa hoạn sẽ thiêu rụi tất cả, như shop Thủy Trinh là một điển hình.
Trần Phương