Các bác sĩ khuyến cáo khi dùng các món luộc không nên chấm quá nhiều nước mắm, nước tương |
Theo bà Nguyễn Thị Lâm – Viện Dinh dưỡng quốc gia, “người VN ăn quá mặn và đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tăng huyết áp”.
Theo ông Trần Quốc Bảo – Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là mỗi người chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/ngày. Tuy nhiên, theo khảo sát ở VN, bình quân mỗi người đang ăn gần gấp đôi lượng muối (9,4 gam muối/ngày). Lượng muối này được tính từ toàn bộ các thức ăn có chứa muối như thức ăn nhanh, bột ngọt, canh, đồ chấm, đồ xào, gói gia vị trong mì ăn liền…Bà Nguyễn Thị Lâm cho hay ăn nhiều muối khiến gia tăng giữ nước trong tế bào, gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Thống kê cho thấy những vùng ăn mặn có tỉ lệ người tăng huyết áp cao hơn, cụ thể qua khảo sát được Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, người dân vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế… ăn mặn hơn ở Hà Nội và tỉ lệ người trưởng thành mắc tăng huyết áp cũng cao hơn. “Phải tập ăn nhạt hơn” – bà Lâm nói. Theo bà Lâm, người đã bị huyết áp cao nên ăn nhạt hơn, bằng cách khi ăn sáng bằng món nước (phở, bún, mì) thì chỉ ăn phần “cái”, đừng “uống” hết cả tô nước dùng, như vậy sẽ hạn chế lượng muối, bột ngọt trong nước. Khi nấu mì ăn liền, chỉ nên dùng 1/3 gói gia vị cho mỗi tô mì, độ mặn như vậy vừa phải, nhạt hơn dùng cả gói gia vị. Khi chấm các món luộc chỉ chấm vừa đủ, không chấm quá nhiều hay chấm “đẫm” món ăn. Nên sử dụng nhiều món trộn, có vị chua cay mặn ngọt vừa dễ ăn lại vừa giảm được các thực phẩm cần giảm trong món ăn như muối, đường…“Người chưa bị tăng huyết áp cũng nên áp dụng nguyên tắc dưới 5 gam muối/người/ngày, nên tập thói quen này cộng với tích cực vận động, rèn luyện thể lực sẽ giảm được nguy cơ, giảm được bệnh tăng huyết áp thông qua lối sống” – bà Lâm cho hay.
Khi ăn món nước, không nên húp hết tô nước dùng để giảm lượng muối vô người |
Giảm ăn muối sẽ giảm bệnh tim mạch, bệnh gout
Theo bà Nguyễn Thị Lâm, tăng huyết áp thường đi kèm với các rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa, là yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành…Một số quốc gia đã nghiên cứu để chuyển sang sử dụng loại muối kali thay thế muối natri (loại muối liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp), nhưng ở VN thì yếu tố này chưa được chú ý đến nhiều. Bà Lâm cho rằng nếu không sớm thay đổi chế độ ăn, không nhanh chóng giảm muối, giảm bột ngọt khi chế biến thực phẩm, tăng cường vận động… thì nguy cơ bệnh do ăn mặn sẽ ngày càng trầm trọng. Một nghiên cứu mới đây thuộc Đại học Minnesota, Hoa Kỳ cho thấy 71% lượng muối tiêu thụ do ăn ở bên ngoài và chỉ 5% từ các hủ muối tại nhà. Có 450 người tuổi 18-74, mỗi nhóm 150 người từ một trong ba vùng địa lý thuộc Hoa Kỳ được hỏi về lượng muối tiêu thụ đã dùng trong 24 giờ, 4 lần trong 11 ngày. Khi muối ăn được thêm vào ở nhà, họ được yêu cầu gửi mẫu lượng muối tương đương qua đường bưu điện đến các nhà nghiên cứu.Kết quả cho thấy lượng muối thêm vào thức ăn bên ngoài gia đình vẫn góp phần lớn nhất vào lượng muối toàn phần dung nạp. Những người trẻ có tỉ lệ dùng muối từ nguồn bên ngoài cao hơn những người lớn tuổi. Mức tiêu thụ muối hằng ngày ở nghiên cứu này cho ra mức tiêu thụ trung bình là cao hơn 50% so với mức khuyến cáo. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chứng minh được việc ăn giảm muối và thịt đỏ, tăng rau quả sẽ giúp ngừa bệnh gout. Nghiên cứu này của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Bệnh viện Phụ nữ Brigham, Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu bệnh khớp Canada.Hơn 44.000 nhân viên y tế nam giới 40-75 tuổi tham gia nghiên cứu theo dõi sức khỏe. Các thành viên được theo dõi trong 26 năm và hoàn tất khảo sát về chế độ ăn của họ, tình trạng sức khỏe mỗi 4 năm. Chế độ ăn áp dụng gần giống chế độ ăn cho mục tiêu ngừng cao huyết áp: nhiều rau quả, sữa ít béo, ít muối, ít thịt đỏ và chất béo bão hòa. Trong quá trình theo dõi 1.731 nam giới bị gout, những người có chế độ ăn tương tự chế độ ăn trị cao huyết áp giảm nguy cơ bệnh gout (giảm 32%), những người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến và nhiều chất đường có nguy cơ tăng cao 42% bị bệnh gout.
40% – Đó là tỉ lệ số người mắc tăng huyết áp trong 5.500 người được khảo sát (25-64 tuổi) năm 2016. Tỉ lệ người mắc tăng huyết áp ở VN tăng rất nhanh: 11,7% năm 1992 lên đến 25,1% năm 2008.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng quốc gia |
Nguồn: tuoitre.vn