Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2017, nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của nước ta đạt 662 triệu USD, tương đương 15.100 tỷ đồng, tăng 46,8% so cùng kỳ năm 2016. Xét về thị trường, nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 54,7% tổng giá trị  của mặt hàng này. Liên tục nhiều năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và nguyên liệu nhập khẩu ngày càng có xu hướng tăng. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại khi mà vấn đề quản lý, sử dụng thuốc BVTV ở nước ta còn nhiều bất cập. Câu hỏi đặt ra là vì sao không dùng số tiền đó để tăng cường thực hiện quy trình VietGAP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, mà lại đi mua “thuốc độc”?

Ai cũng biết tác hại của thuốc trừ sâu đối với con người và môi trường là rất lớn. Cán bộ ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân cần thực hiện nguyên tắc “4 đúng”. Đó là: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và đúng liều lượng. Với rau quả, nông sản sau khi phun thuốc BVTV, ít nhất phải 15-20 ngày mới được thu hoạch. Khi phun thuốc BVTV, người thực hiện phải chọn hướng gió, nên phun vào lúc giữa trưa có nắng, không phun thuốc trước khi trời mưa vì thuốc sẽ bị rửa trôi ngấm vào đất, vào mạch nước ngầm, gây nguy hại cho cộng đồng. Thuốc BVTV hầu hết đều ảnh hưởng đến môi trường và con người. Chính vì vậy, việc hạn chế và không dùng thuốc trừ sâu trong sản xuất, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết. Từ năm 2008 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình VietGAP, nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Thời gian gần đây, cùng với việc tăng cường thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp và đã đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Lĩnh vực trồng trọt từng bước hoàn thành và đưa vào hoạt động phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật bằng các phương pháp Invitro để phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm của địa phương; nhân giống thành công các loại cây trồng chất lượng tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là việc xây dựng hệ thống nhà màng để hoàn thiện các quy trình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, qua đó chuyển giao giống, khoa học – kỹ thuật, công nghệ cho nông dân. Tiêu biểu là việc xây dựng và hoàn chỉnh quy trình trồng dưa lưới; quy trình trồng rau xà lách thủy canh… Kết quả các mô hình này đều cho thu nhập cao và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng, vì hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV.

Khi người nông dân được sự hỗ trợ giúp đỡ của các nhà khoa học, áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, không sử dụng hoặc hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng thuốc BVTV vào sản xuất thì mới mong có nguồn thực phẩm an toàn. Việc nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu quá nhiều là chạy theo lợi nhuận trước mắt, gây nguy hại lâu dài. Hằng năm tăng số lượng “thuốc độc” nhập khẩu là điều mà người dân không ai mong muốn, vì lợi sẽ bất cập hại.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : nhập khẩu thuốc trừ sâuthuốc trừ sâu

Các tin liên quan đến bài viết