Khi nhập khẩu gặp khó, lắp ráp xe là giải pháp cho thời điểm hiện để các hãng xe tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam.
Không có xe nhập để bán
Đây là thời điểm “lạ lùng” nhất trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại thị trường Việt Nam khi xe nhập khẩu cả mới lẫn cũ không có xe để bán.
Vướng Nghị định 116, hàng loạt các mẫu xe nhập khẩu tại Việt Nam không thể nhập hàng, lâm vào tình trạng không còn hàng để bán, còn hàng thì đội giá, thời điểm nhập hàng trở lại hiện vẫn chưa được xác định.
Một số hãng xe lâm vào tình trạng khó khăn khi các dòng xe chủ lực, gánh doanh số chủ chốt thì nay không có xe để bán. Sự tác động này có thể thấy rõ nét ở dòng xe Toyota Fortuner khi trong 2 tháng cuối năm mẫu xe đa dụng này “văng” khỏi top xe bán chạy do thể nhập hàng.
Ngoài Fortuner, Ford Everest là mẫu xe tiếp theo không “tồn tại” tạm thời tại Việt Nam. Dự kiến, phải tới tháng 6-2018 dòng xe này mới được nhập về, và đây cũng mới chỉ là dự kiến.
Trong khi các nhà nhập khẩu đau đầu về chiến lược thì hệ thống đại lý tranh thủ làm giá với những dòng xe đang khan hàng. Cụ thể, nếu muốn sở hữu Ford Explorer, khách hàng phải mua thêm gói phụ kiện với giá 200 triệu đồng. Riêng với mẫu bán tải Ranger hiện tại đã giá bán tăng lên so với giá bán trước, số lượng xe trong kho hiện còn khá ít.
Không chỉ xe mới bị tác động, lĩnh vực kinh doanh ô tô cũ cũng đang “điêu đứng” khi không thể nhập xe về bán, nguồn cung xe cũ trong nước khan hiếm, đội giá.
Ông Trương Công Bắc, trưởng phòng kinh doanh công ty Ô tô Việt Hàn cho biết: “Khi xe mới bán ra ít thì xe cũ cũng trở nên khan hiếm, khiến việc mua xe đầu vào trở nên khó khăn và giá xe cũng đội lên.”
Chuyển hướng lắp ráp
Khi nhập khẩu xe gặp khó thì lắp ráp được coi là giải pháp cho thời điểm hiện tại. Mới vừa qua, Mitsubishi Motor Việt Nam đã đã nhanh chóng cho ra mắt thị trường mẫu xe Outlander 2018 phiên bản lắp ráp (CKD) với mức giá khởi điểm từ 808 triệu đồng cho phiên bản 2.0 CVT. Ngoài ra, hai phiên bản 2.0 và 2.4 Premium có giá bán lần lượt là 1,078 và 1,148 tỷ đồng.
Cả ba phiên bản đều trang bị cấu hình tiêu chuẩn 5+2 để cạnh tranh với các loại xe cùng phân khúc đang lắp ráp trong nước.
Mẫu xe này trước nay vốn được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. Ông Kunihide Kume – Phó giám đốc Mitsubishi Motor Việt Nam cho hay sẽ tiếp tục mở rộng việc lắp ráp và sản xuất xe tại nhà máy ở đây, không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu các mẫu xe của hãng trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, đại diện Hyundai Thành Công cho biết đơn vị này cũng đã không còn nhập khẩu xe mà chuyển hoàn toàn sang lắp ráp trong nước. Theo kế hoạch, 90-95% các mẫu xe du lịch của Hyundai đang phân phối tại Việt Nam trong 2018 sẽ là xe lắp ráp. Không những vậy, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh hợp tác với Hyundai để đầu tư sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, hướng tới xuất khẩu sang ASEAN .
Nếu lắp ráp xe trong nước, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng từ đầu 2018, trong đó quan trọng nhất là được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ ASEAN về Việt Nam ở mức 0% nếu đạt được sản lượng theo quy định. Hiện tại lượng linh kiện, phụ tùng ô tô nhập từ ASEAN chiếm tới 70-80%.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu linh kiện từ các khu vực khác cũng được đề xuất giảm từ 14-16% xuống còn 7-11%.
Nguồn: tuoitr.vn